NGHỀ HẤP DẪN
Dấn thân vào nghề nuôi ong sau khi chia tay những năm tháng rày đây mai đó làm hướng dẫn viên du lịch, anh Trần Huy Sơn (1981) quê ở Cần Thơ, khởi nghiệp từ một thùng ong. Anh Sơn nói: “Nghề nào cũng phải đi nhiều, song sau khi tìm hiểu tập tính của con ong, tôi mới hiểu thật sự mình thích công việc này”. Sau một năm chăm sóc, thùng ong ban đầu cho thu mật và bán giá 200 ngàn đồng/lít. Anh tính đầu tư không nhiều, giá bán cao nên nuôi ong chắc chắn sẽ khá. Anh học hỏi cách tách đàn, nhân giống lên 2, 3 thùng. Đến khi số lượng đàn ong đã vài chục thì bán lẻ không hết, anh tìm đến các công ty ong mật kiếm đầu ra.
Thu hoạch mật tại trại nuôi ong của anh Trần Huy Sơn
Hiện anh Sơn cung cấp mật cho Công ty Ong mật Đồng Nai. Công ty hỗ trợ anh một phần chi phí cho một năm nuôi ong. Vào khoảng tháng 3, 4, chủ ong được báo giá thu mua của năm và sau mỗi lần đánh mật chở về công ty. 2014, 2015 là 2 năm thắng lợi của người nuôi ong bởi giá thu mua cao. Anh Sơn cho biết, với mức giá công ty báo 40-45 ngàn đồng/kg tùy loại mật, trung bình với 300 đàn ong, tôi lãi mỗi tháng 30 triệu đồng.
Nuôi ong không vất vả, chỉ bận rộn khi phải chuyển đàn đến những nơi có nguồn mật dồi dào. Di chuyển phải vào ban đêm nên khá tốn chi phí vận chuyển. Cũng là người đam mê ong mật, cách đây 1 tháng, anh Nguyễn Minh Tuấn (1982), quê Bà Rịa - Vũng Tàu còn ở Bình Phước đón nguồn mật từ những chiếc lá cao su già, sau đó đến Nha Trang đón mùa bông cà phê. Và hiện đã trở lại xã Tân Lợi (Hớn Quản) để ong lấy mật từ lá cao su non. Trong một tháng anh tốn trên dưới 20 triệu đồng tiền di chuyển đàn nhưng sau khi trừ chi phí, năm 2015 anh Tuấn vẫn lãi khoảng 300 triệu đồng từ 350 thùng ong.
Không chỉ hấp dẫn bởi lợi nhuận mơ ước, anh Sơn còn xem ong như người bạn đời. Xa nhà nên mỗi lần sắp xếp về quê thăm vợ con, anh thường dự định thời gian cả tuần. Song chỉ được 2, 3 ngày, anh lại nhớ ong và vội vã trở lại. “Mỗi sáng không được nghe tiếng vo vo, không ngửi thấy mùi mật thoang thoảng, mình nhớ lắm” - đó là cơ duyên của anh Sơn với loài ong mật.
RỦI RO CŨNG NHIỀU
Trước hết là bệnh sốt xuất huyết vì người nuôi ong phải ở trong rừng cây, nguồn nước lạ. Khi mới đến Bình Phước, những thợ phụ nuôi ong của anh Tuấn lần lượt mắc bệnh. Song như đã quen khi đến vùng đất mới, các anh biết cách chữa trị nên khỏi nhanh. Anh Nguyễn Tấn Long (1981), phụ việc cho trại ong anh Tuấn đã nhiều năm, cho biết: “Em lên đây một tuần là sốt luôn. Em bị xong, mấy anh em khác cũng bị. Làm nghề này rừng là bạn, lán trại là nhà”.
Chuyện lạ nước lạ cái bị “bắt nạt” là trường hợp của anh Sơn. Vừa đặt trại ong xuống buổi sáng thì tối đã có “khách không mời mà ghé”. Họ cũng không làm dữ gì, chỉ hỏi chuyện và xin vài lít mật “uống chơi”. Không muốn làm phiền đến chính quyền địa phương, anh Sơn vui vẻ tặng họ và thế là êm xuôi.
Đó là những rủi ro nho nhỏ, anh Lê Huy Thọ (1980), quê Hưng Yên đang có đàn ong ở xã Tân Lợi kể có người bạn mất gần hết trại ong vì bị bỏ thuốc sâu. Đàn ong sau khi ăn về chao đảo, chết la liệt, rồi lây sang gần cả trại. Sau vụ đó để gây dựng lại phải mất nhiều công và của. Giá mật dường như chiếm phần lớn sự thành bại của người nuôi. Những năm trước giá cao, nhiều người vay mượn tiền đầu tư, đến khi được thu thì giá thấp, cộng với thiếu kỹ thuật nên phá sản, nợ nần. Không phải mật lúc nào cũng ngọt.
GIỮ NGUỒN MẬT SẠCH
Anh Lê Huy Thọ đưa đàn ong đến xã Tân Lợi từ mồng 8 tết để đón mùa mật lá cao su non. 10 năm nuôi ong, gia tài của anh có 350 đàn. Đến thời điểm này, phía công ty thu mua chưa báo giá. Thị trường mật đang “đóng băng” vì chưa xuất khẩu được. Lý do theo anh biết là khi giá mật cao, người nuôi ong không chú trọng giữ nguồn mật sạch nên bị đối tác ngưng thu mua.
“Làm gì cũng cần trung thực, nếu nguồn mật bị nhiễm đường (vì trong những tháng dưỡng phải cho ong ăn đường) phải báo với công ty. Hiện chúng ta chưa có kỹ thuật phân tích mẫu mật chất lượng, tất cả chỉ phụ thuộc vào sự thành thật của người nuôi ong. Chúng ta làm ăn nghiêm túc thì được lâu dài, bằng không sẽ chịu hậu quả. Xuất khẩu khó khăn, năm nay giá mật chắc chắn sẽ giảm sâu” - anh Tuấn chia sẻ.
Vấn đề chất kháng sinh được chúng tôi đề cập, song anh Tuấn bác bỏ ngay vì giờ không ai dại tự đào huyệt cho mình. Con ong có mắc một số bệnh như thối ấu trùng, chí, biện pháp tốt nhất là phòng chống bằng men tiêu hóa, vitamin, chất khoáng; còn nếu đã nhiễm thì xông bằng một số loại lá cây. Riêng ong đã trúng thuốc sâu thì bỏ mật. “Phía Công ty mật Hương Rừng mỗi lần thu mật của tôi đều để lại mẫu vật. Đây là cách ràng buộc trách nhiệm với chủ ong” - anh Thọ cho biết.
Người giàu lên từ nuôi ong không phải người biết dùng chiêu trò mà là người có giác quan nhận biết sự thay đổi của thời tiết. Chỉ hơn nhau trong vài ngày đón mùa hoa nở, người nuôi ong có thể kiếm cả trăm triệu đồng trong một lần quay mật. Anh Sơn cho biết, năm 2014, mỗi lần đón trúng mùa hoa cà phê, nhãn, cứ 10 ngày anh thu trăm triệu đồng.
Mặc dù xuất khẩu mật đang gặp khó khăn, song các công ty thu mua vẫn bao tiêu toàn bộ sản phẩm của người nuôi. Nghề nuôi ong đến thời điểm này vẫn được cho là dễ mưu sinh, vì vậy rất nhiều người đang đầu tư vào con ong. Nhưng sản phẩm nào cũng theo quy luật, khi cung vượt quá cầu, liệu những người chưa đủ tiềm lực có đứng vững chờ từng giọt mật ngọt.
Hồng Cúc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065