Thực dân Pháp đã chọn Điện Biên Phủ là địa điểm xây dựng thành một cứ điểm quân sự vững mạnh. Địch coi Điện Biên Phủ là ngả tư chiến lược quan trọng, vị trí then chốt che chở cho Thượng Lào, là bàn đạp để tiến công chiếm lại tỉnh Lai Châu và khu Tây Bắc. Về lâu dài, Điện Biên Phủ sẽ trở thành một căn cứ không quân, lục quân lợi hại phục vụ chính sách xâm lược của chúng ở Đông Nam Á.
Ngày 20-11-1953, thực dân Pháp cho 6 tiểu đoàn tinh nhuệ nhảy dù xuống chiếm Điện Biên Phủ. Đầu tháng 3-1954, thực dân Pháp điều động lên Điện Biên Phủ phần lớn lực lượng ở Đông Dương. Tổng số quân địch ở đây lên tới 16.200, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, với 40 khẩu pháo 105 và 155 ly, 1 tiểu đoàn công binh, một đại đội xe tăng 10 chiếc, 1 đại đội xe vận tải hàng trăm chiếc, 1 phi đội không quân thường trực 14 chiếc.
Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là Đại tá Đơ-cát-tơ-ri (về sau được thăng cấp Thiếu tướng) cùng với 16 quan năm, hơn 1.000 sĩ quan và hạ sĩ quan, có cả cố vấn Mỹ giúp sức. Trên chiến trường Đông Dương, chưa bao giờ thực dân Pháp tập trung một lực lượng mạnh đến vậy.
Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân ta và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Bộ Chính trị còn quyết định thành lập Bộ chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận, cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch.
Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra thành 3 đợt, trong gần hai tháng.
Ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ. Đợt tiến công thứ nhất đánh các cứ điểm vòng ngoài của địch ở phía bắc và đông bắc. Từ ngày 13 đến 17-3, với hai trận đánh lớn then chốt đầu tiên vào Him Lam và Độc Lập, quân ta đã đập vỡ hệ thống phòng ngự của phân khu Bắc và một trung tâm đề kháng cao của phân khu Trung tâm, giành thắng lợi giòn giã, tạo thuận lợi cho chiến dịch tiếp tục phát triển.
17 giờ ngày 30-3, cuộc tiến công vào các ngọn đồi phía đông bắt đầu. Tại đồi A1, cứ điểm quan trọng nhất ở phía đông, qua nhiều lần giành giật với nhau từng tấc đất, ta và địch mỗi bên chiếm giữ một nửa quả đồi. Tại đồi C1, địch cho quân phản kích đánh chiếm lại. Sau 4 ngày đêm chiến đấu, ta chiếm một nửa đồi, địch chiếm một nửa. Đợt tiến công thứ hai của ta diễn ra rất quyết liệt.
Ngày 1-5, đợt tiến công thứ ba của quân ta bắt đầu. Trên cơ sở kết quả chiến đấu của hai đợt trước, quân ta đánh chiếm cứ điểm cuối cùng của địch ở phía đông và chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Trưa ngày 7-5, tất cả các cánh quân từ các ngả tiến vào khu trung tâm, một đơn vị tiến thẳng đến khu chỉ huy của tướng Đơ-cát-tơ-ri. Và 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, cờ Quyết chiến quyết thắng của quân đội ta phấp phới tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Tướng Đơ-cát-tơ-ri cùng toàn Bộ tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Tại cứ điểm Hồng Cúm, hơn 3.000 tên địch định chạy sang Lào, nhưng đã bị quân ta bắt.
Sau 55 ngày đêm chiến đấu vô cùng dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân ta đã đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, trong đó có một sĩ quan cấp tướng, 16 quan năm, 1.749 sĩ quan và hạ sĩ quan, tiêu diệt 8 trung tâm đề kháng gồm 49 cứ điểm. Toàn bộ vũ khí, khí tài, đạn dược, quân trang, quân dụng, lương thực... của địch bị tịch thu.
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng kết thúc oanh liệt cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 của quân và dân ta trên toàn Đông Dương, đập tan cố gắng chiến tranh cao nhất của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, rút quân về nước, chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa mà cố Tổng thống Pháp F.Mit-tơ-răng trong chuyến thăm Việt Nam năm 1993 đã nhìn nhận "là một sai lầm".
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, đã mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới.
Điện Biên Phủ không chỉ là niềm tự hào của người Việt Nam, mà còn trở thành địa danh gần gũi, niềm tin đối với các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược ngay trong những năm cuối cùng của thế kỷ 20.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết tinh sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; sức mạnh của cả một dân tộc đoàn kết đứng lên giành quyền sống, quyền tự quyết; ý chí quyết chiến quyết thắng của một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, nòng cốt của chiến tranh nhân dân độc đáo trong nghệ thuật quân sự Việt Nam; và sự ủng hộ, chi viện của anh em, bạn bè quốc tế.
Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ, bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ, thật xứng đáng được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ 20.
Hào khí Điện Biên - nguồn động lực mạnh mẽ, cổ vũ nhân dân ta vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay. Những bài học của Điện Biên Phủ vẫn còn giá trị thời sự, giúp chúng ta vận dụng sáng tạo để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065