BP - Rằm tháng 7 hằng năm là ngày xá tội vong nhân - một nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Vào ngày này, người ta làm một mâm cúng và bố thí cho những vong hồn. Trong mâm lễ ấy không thể thiếu giấy tiền vàng mã. Thế nhưng, từ một nghi lễ tín ngưỡng mang đậm tính nhân văn, thì ngày nay không ít cá nhân, gia đình khá giả đã có những hành động phản cảm trong việc tổ chức thực hiện nhiều nghi lễ khác. Đó là hành vi cúng và rải (bố thí) những đồng tiền đang được phép lưu hành ra ngoài đường để cho những người sống tranh giành nhau lượm.
Người viết bài đã đi dự khá nhiều đám tang và từng chứng kiến không ít gia chủ trộn lẫn tiền thật, loại có mệnh giá 500 đồng, rồi 1.000, 2.000, 5.000, thậm chí là 10.000 vào trong bao tiền vàng mã, rồi rải dọc đường từ nhà đến nghĩa trang. Và đã có không ít đám ma, sau khi đoàn đưa tang đi qua là có một số người chạy theo sau để chọn lượm những đồng tiền mệnh giá từ 2.000 đồng trở lên. Trong số đó phần lớn là những người bán vé số, những đứa trẻ đánh giày. Hình ảnh người ngồi trên xe tang rải tiền, người chạy theo sau nhặt tiền vừa phản cảm vừa mất vệ sinh môi trường, mất mỹ quan đường phố và cao hơn nữa là nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành bị găm, giắt trên mái ngói chùa Đồng, khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh) (ảnh minh họa) - S.H
Người xưa có câu “Phú quý sinh lễ nghĩa”, còn ngày nay là “giàu có thì sinh chứng”. Bởi thế vài năm trở lại đây, không ít người giàu sẵn sàng bỏ tiền ra để... rải đường với 1.001 lý do khác nhau. Vào giữa năm 2014, sự việc một người đàn ông cùng vợ mang cả cục tiền lớn đến giữa chợ Mới (thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) rải tặng người dân khiến mọi người nơi đây xôn xao, bàn tán. Trước đó, đúng vào giao thừa (ngày 30-1-2014), nhiều người dân bất ngờ nhận được “lộc” khi trên quốc lộ 10 (đoạn nối TP. Hồ Chí Minh - Tây Ninh) xuất hiện nhiều tờ tiền mệnh giá 1.000, 2.000 và 5.000 đồng...
Trong hai ngày 28 và 29-8-2015, một đại gia ở Trà Vinh đã gây náo loạn cả khu xóm bởi hành động rải tiền như mưa khiến người dân tranh nhau nhặt. Rải hết cọc tiền này, đại gia lấy thêm cọc tiền khác ra rải tiếp. Và chỉ sau đó vài ngày, chiều 7-9-2015, một cô gái trẻ đã gây náo động đường phố Sài Gòn khi cầm xấp tiền tung lên trời khiến những người xung quanh cùng nhau vây lấy để nhặt. Cô gái vung tiền hết lần này tới lần khác và tỏ ra khá thích thú với hành động của mình.
Ngày 16-6-2017, tại sân vận động Tự Do (Huế), tác giả Phạm Tuấn Sơn đã có màn ra mắt sách lạ kỳ. Tác giả cuốn “Dám làm giàu” đã bay trên khinh khí cầu, rồi rải các phong bao lì xì đựng tờ tiền mệnh giá 5.000 và 10.000 đồng xuống đất. Bên dưới, hơn 150 diễn viên quần chúng được bố trí sẵn để nhặt tiền, phục vụ việc quay phim quảng bá thương hiệu. Trong quá trình thực hiện, do có gió khi ở trên cao, một số bao lì xì bay ra khỏi sân vận động khiến người đi đường được phen nhốn nháo khi bao lì xì bỗng dưng “tấp vào mặt”.
Và những năm gần đây, bất chấp lời tuyên chiến với hiện tượng đổi tiền lẻ, rải tiền lẻ cầu lộc vào những ngày đầu năm tại đền Trần (Nam Định), khu di tích Tràng An (Ninh Bình), chùa Hương (Hà Nội) và ở hầu hết nơi thờ tự tại các tỉnh phía Bắc có tổ chức lễ hội. Đặc biệt, trong đêm khai hội và phát ấn tại khu di tích đền Trần năm nay vẫn diễn ra hiện tượng hàng ngàn người tìm cách nhét đủ loại tiền lẻ vào kiệu rước ấn. Thậm chí khi không chen để tiến lại gần kiệu được, thì người đi lễ sẵn sàng ném tiền vào kiệu, tạo ra “cơn mưa tiền lẻ” khi kiệu rước ấn đi qua. Và dù có biển cấm, nhưng hàng trăm người vẫn quăng tiền lẻ phủ kín giếng Mắt Rồng, ở khu di tích đền Hùng (Phú Thọ).
Vậy, hành vi rải tiền, ném, vứt bỏ tiền đang được phép lưu hành có vi phạm pháp luật không và nếu có thì bị xử lý như thế nào? Trước hết cần phải khẳng định rằng, hành động rải tiền đang được phép lưu hành ra ngoài đường là một hành vi phản văn hóa và không văn minh trong đời sống hiện đại. Và theo quy định tại Khoản 2, Điều 3 Luật Ngân hàng thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm là: Hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào. Như vậy, hành vi rải tiền đang được phép lưu hành ra ngoài đường là hành vi vi phạm pháp luật. Vì đây là hành vi cố tình vứt bỏ đồng tiền đang được lưu hành. Theo đó, nếu những đồng tiền này không có người lượm hoặc bị hư hỏng do thời tiết như mưa, nắng, gió hoặc bị các phương tiện giao thông cán qua làm rách, nát, biến dạng không thể lưu hành được. Nói tóm lại, nếu việc rải tiền mà làm tiền mất đi giá trị sử dụng thì căn cứ vào Khoản 2, Điều 3 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg ngày 30-6-2003 của Thủ tướng Chính phủ, thì đây là hành vi hủy hoại tiền. Do đó, hành vi hủy hoại tiền có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10-15 triệu đồng theo quy định tại Khoản 3, Điều 31 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ.
Đồng thời, hành vi hủy hoại tiền cũng có thể bị xử lý hình sự, nếu số tiền đó là tài sản của người khác. Cụ thể, theo Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như sau: Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:... Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tù từ 5-10 năm. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10-20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Từ thực trạng nêu trên, vấn đề đặt ra là liệu có thể ngăn chặn được hành vi rải tiền vàng mã lẫn tiền thật và ném, vứt bỏ tiền đang lưu hành tại các đám tang, các lễ hội bằng cách tuyên truyền, vận động hay ban hành các chỉ thị, lệnh cấm thông qua những văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan chức năng? Và điều ấy là cần, nhưng vẫn không đủ, mà cần phải xử lý nghiêm những trường hợp điển hình để làm gương.
Hồng Hạnh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065