Theo cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ban hành Nghị định số 02/2011/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Nghị định gồm có 4 chương, với 37 điều. Nội dung của nghị định này quy định rõ các mức phạt đối với một số hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí như việc sử dụng thẻ nhà báo, hành vi cản trở bất hợp pháp hoạt động báo chí, vi phạm trong nội dung thông tin, cung cấp thông tin và sử dụng thông tin của cơ quan báo chí... Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc về những nội dung chính của nghị định này.
*Cản trở bất hợp pháp hoạt động báo chí sẽ bị phạt đến 30 triệu đồng:
Theo quy định tại điều 6 của nghị định này, đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo khi đang hoạt động nghiệp vụ đúng pháp luật thì sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. Đối với hành vi cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật thì sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng. Sẽ bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng nếu người nào có hành vi: Đe dọa, uy hiếp tính mạng nhà báo; hủy hoại, cố ý làm hư hỏng hoặc thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo.
Theo Nghị định 02, hành vi cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng - Ảnh: H.T |
* Không viện dẫn nguồn tin phạt đến 3 triệu đồng:
Theo quy định tại Điều 7 của nghị định, đối với những hành vi: Không viện dẫn nguồn tin khi đăng, phát trên báo chí; không ghi rõ họ, tên thật hoặc bút danh của tác giả, nhóm tác giả của tin, bài khi sử dụng để đăng phát trên báo chí; sử dụng tin, bài để đăng phát trên báo chí nhưng không biết rõ tên thật, địa chỉ của tác giả... sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1-3 triệu đồng. Đối với các hành vi như: Minh họa, rút tít không phù hợp nội dung thông tin, làm cho người đọc hiểu sai nội dung thông tin; tiết lộ bí mật đời tư khi chưa được sự đồng ý của người đó hoặc thân nhân của người đó (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng (Điều 6).
* Sẽ bị phạt nếu thể hiện sai ý của người trả lời phỏng vấn báo chí:
Mức phạt với hành vi này là từ 5-10 triệu đồng. Các hành vi bị phạt là: tự ý thêm, bớt hoặc thể hiện sai ý của người trả lời phỏng vấn trên báo chí; thêm bớt, làm sai nội dung văn bản kết luận về các vụ, việc của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi đăng, phát trên báo chí (quy định cũ mức phạt 3-7 triệu đồng).
Đối với hành vi đăng, phát thông tin trên báo chí về thân nhân và các mối quan hệ của cá nhân trong các vụ án, vụ việc tiêu cực khi không có căn cứ chứng minh những thân nhân và các mối quan hệ đó liên quan đến vụ án, vụ việc tiêu cực hoặc chưa có kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng (Điều 7).
*Các quy định về thông tin quảng cáo trên báo chí:
Nếu quảng cáo quá 2 lần trong chương trình phim truyện trên đài truyền hình sẽ phạt 3-5 triệu đồng. Theo quy định cũ, hành vi xuất bản báo in hoặc báo điện tử mà không có giấy phép hoạt động báo chí thì sẽ bị phạt từ 20-30 triệu đồng. Đối với hành vi này, nghị định mới quy định áp dụng mức phạt tiền từ 30-40 triệu đồng.
Đối với vi phạm hành chính về quảng cáo trong hoạt động thông tin báo chí, mức phạt tiền từ 3-5 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi quảng cáo quá 2 lần trong chương trình phim truyện trên đài truyền hình; quảng cáo quá 4 lần trong chương trình vui chơi, giải trí trên đài phát thanh, đài truyền hình; quảng cáo một lần quá 5 phút trong chương trình phim truyện, chương trình vui chơi giải trí trên đài phát thanh, truyền hình; hoặc quảng cáo quá 10 lần cho một sản phẩm trên một kênh trong một ngày của đài phát thanh, đài truyền hình.
Việc quảng cáo băng vệ sinh, bao cao su, thuốc chữa bệnh ngoài da, thuốc tẩy giun, sán... và các loại sản phẩm hàng hóa tương tự trên đài phát thanh, đài truyền hình trong khoảng thời gian từ 18 giờ đến 20 giờ hằng ngày sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng (Điều 26).
*Vi phạm về cung cấp thông tin và sử dụng thông tin của báo chí:
Theo quy định tại Điều 8 của nghị định này, các hành vi sau đây sẽ bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng: Cản trở việc cung cấp thông tin cho báo chí của tổ chức, công dân; không cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định tại Điều 7 của Luật Báo chí.
Mức phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi sử dụng ý kiến phát biểu không nhằm mục đích trả lời phỏng vấn tại các hội nghị, các cuộc gặp gỡ, các cuộc trao đổi, nói chuyện để chuyển thành bài phỏng vấn khi chưa được sự đồng ý của người phát biểu.
Mức phạt từ 5 đến 10 triệu đồng được áp dụng đối với một trong các hành vi sau đây: Tự ý thêm, bớt hoặc thể hiện sai ý của người trả lời phỏng vấn trên báo chí; không thực hiện yêu cầu xem lại nội dung trả lời phỏng vấn của người trả lời phỏng vấn trước khi đăng, phát nội dung trả lời phỏng vấn trên báo chí; thêm, bớt làm sai nội dung văn bản kết luận về các vụ, việc của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi đăng, phát trên báo chí.
Ngoài các mức phạt trên, nghị định còn quy định cụ thể về các hành vi khắc phục hậu quả đối với những người có hành vi vi phạm như sau: buộc xin lỗi và đăng phát đầy đủ nội dung của người trả lời phỏng vấn...; buộc xin lỗi và đăng phát đầy đủ nội dung văn bản kết luận về các vụ việc của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền...
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25-2-2011 và thay thế một số mục, chương trong Nghị định số 56/2006/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 6-6-2006.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065