Cụ Nguyên cho biết sở dĩ muốn đi xuyên Việt bằng xe máy là vì bây giờ cụ mới được nghỉ ngơi. Sau khi nghỉ mất sức theo chế độ năm 1988, cụ tham gia hội người cao tuổi tại địa phương, đến cuối năm 2015 mới được nghỉ hẳn công tác. Cụ bảo: “Nhiều người cho tôi là ông già dở hơi, nhưng mong muốn mà tôi ấp ủ từ lâu là được đi dọc đất nước để biết đất nước mình rộng lớn, to đẹp thế nào, nhất là các địa danh lịch sử, danh lam thắng cảnh... Chứ ở nhà nghe người ta nói nhiều địa danh mình không biết bực lắm. Thứ hai là đi bằng xe máy để thử xem sức khỏe mình còn đến đâu”. Cụ Nguyên cho biết, trước đó cụ cũng đã về quê bằng máy bay, vừa thăm quê vừa thăm người em bên vợ là một tướng lĩnh quân đội.
Trước khi đi cụ đã dò hỏi các con, cháu và những bạn già nhưng không ai ủng hộ. Vì vậy cụ âm thầm chuẩn bị cho chuyến đi của mình. Cụ mang chiếc xe cub 82 đi sửa, thay cặp vỏ, ruột, làm lại máy, thay nhớt, đèn, bình... Hành trang xuyên Việt của cụ là cái giỏ đựng quần áo, tư trang cá nhân, thêm 6 chiếc mùng dự án diệt muỗi (được cấp phát và xin lại của người không dùng), cụ bảo dọc đường ai khó khăn thì cho. Ngoài ra, cụ còn chuẩn bị 2 bình nhựa loại 1,5 lít để đựng xăng và nhớt dự phòng khi hết xăng trên đường mà chưa tới cây xăng cùng một số chai nước uống.
Sáng 25-2-2016, cụ bắt đầu xuất phát từ Đồng Xoài theo quốc lộ 14 thẳng tiến. Đến 17 giờ cụ có mặt tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Nghỉ qua đêm tại đây, ngày thứ hai cụ đi qua Gia Lai, Kon Tum thăm Khu di tích Đắk Tô - Tân Cảnh thuộc tỉnh Kon Tum. Sau đó, cụ nghỉ tại thị trấn Bến Giằng, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.
Cụ bảo, cứ đến cuối ngày khi tìm được nhà nghỉ lại mang cuốn sổ tay để ghi chép nhật ký hành trình của mình. Ấn tượng nhất trong chuyến ra Bắc của cụ là ngày thứ 3 leo đèo Lò Xo và qua hầm Hải Vân. Đây là đoạn đèo khá dài, lại có nhiều đoạn dốc, cua gấp và rất nguy hiểm. Ai từng đi qua đèo bằng xe ôtô mới cảm nhận sự nguy hiểm của cung đường này. Ấy thế mà một cụ già 80 tuổi với chiếc xe máy cà tàng vẫn băng băng lên dốc xuống đèo. Cụ kể khi đến hầm Hải Vân, định bụng đi xe máy qua hầm để mục sở thị đường hầm nhưng không được. Vì lý do an toàn nên đơn vị quản lý đường hầm bố trí xe trung chuyển người và xe máy qua hầm, mỗi lượt vé cả người và xe là 35.000 đồng.
Sau khi qua thành phố Đà Nẵng, cụ thẳng tiến về Huế và dành nửa ngày để thăm cố đô. Cụ bảo khi đi đến đâu mình cũng đặc biệt chú ý đến các biển chỉ dẫn, tên đường nên ít phải hỏi thăm. Cụ gửi xe máy hòa vào các đoàn khách du lịch đi tham quan cung đình Huế, lăng Tự Đức và một số danh thắng tại Huế.
Ngày thứ 6 của hành trình, sau khi nghỉ đêm tại thành phố Hà Tĩnh, cụ đi một lèo qua các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và định nghỉ tối tại Ninh Bình để sáng mai về quê, nhưng khi đến Ninh Bình còn sớm nên cụ quyết định đi tiếp. Đúng 18 giờ ngày 30-2-2016, cụ về đến quê mình - Phú Xuyên (Hà Nội).
Biết tin cụ về anh, em, bà con và các cháu cùng hàng xóm đều mừng rỡ. Vì từ hôm đi không nghe điện thoại, thậm chí còn tắt máy nên con cháu và mọi người trong Nam, ngoài Bắc ai nấy đều lo lắng và mong tin cụ.
Ông Bùi Đình Cảnh, khu phố Phú Cường, phường Tân Phú (Đồng Xoài), con trai của cụ Nguyên cho biết: “Buổi chiều hôm ông đi, các con, cháu điện thoại ông không nghe máy nên cả nhà quáng quàng đi tìm và rất lo lắng. Sau khi xâu chuỗi sự việc cả nhà mới biết ông về Bắc bằng xe máy. Mọi người tính đi tìm nhưng không biết bắt đầu từ đâu nên đành chờ vậy. Tuy nhiên, không thể không nóng ruột được, đôi khi không dám nghĩ đến những điều xấu, thế rồi niềm vui vỡ òa khi con cháu cả ngoài Bắc, trong Nam hay tin ông đã về đến quê và mạnh khỏe”.
Về quê, cụ lại tiếp tục cùng “con ngựa sắt” của mình rong ruổi khắp nơi. Cụ chia sẻ: “Chuyến đi này thật thú vị anh ạ, mình đi xe máy nên chủ động được việc đi lại”. 1 tháng 20 ngày ở ngoài Bắc, cụ đi thăm Hà Nội, vào Lăng Bác, đi Hòa Bình, Bắc Giang thăm bà con; đi Yên Bái, Thái Bình thăm bạn chiến đấu và đi Ninh Bình tham quan Tràng An, chùa Bái Đính...
Tuy được nhiều người khuyên can nhưng cụ vẫn quyết tâm thực hiện hành trình vào Nam bằng xe máy. Cụ cho biết, chuyến đi vào nhanh hơn. Cụ xuất phát tại quê lúc 5 giờ sáng 12-4-2016 đến 20 giờ ngày 16-4-2016 cụ về đến Đồng Xoài. Cụ bảo: “Con, cháu mừng rỡ nhưng cũng trách tôi nhiều, mà tôi nghĩ chúng nó trách cũng đúng. Lần đi vào tôi nghỉ ở Quảng Bình lâu nhất, vì ghé thăm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Tổng kết chuyến đi, tổng cộng cụ đi khoảng gần 5.000km. Cụ chia sẻ: “Có lẽ bà nhà tôi phù hộ anh ạ. Vì trước khi đi tôi thắp nhang và nói cho bà ấy biết ước nguyện của mình và mong bà phù hộ để mình có sức khỏe. Thế mà hay thật, gần 2 tháng cả trên đường đi và thời gian ở quê tôi luôn khỏe mạnh, không bị ốm ngày nào. Đặc biệt, xe máy cũng không bị hỏng hóc, kể cả thủng ruột hay bể vỏ. Chỉ tiếc là tôi không ghi lại hình ảnh những nơi đi qua, vì tôi dùng điện thoại “cùi bắp” nên không chụp hình được”.
Nhiều người cho rằng cụ quá liều vì ngoài vấn đề tuổi tác, sức khỏe thì có rất nhiều sự cố rình rập, đặc biệt tuyến đường cụ đi hầu như là quốc lộ 1, xe cộ đông đúc, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Nhưng với cụ thì chuyến đi xuyên Việt vừa qua quá mãn nguyện. “Có đi như thế mới biết đất nước mình hùng vĩ, giàu đẹp và đổi thay nhanh quá anh ạ. Nếu sức khỏe cho phép tôi sẽ đi Bắc một lần nữa bằng xe máy và lần này tôi phải sắm cái máy chụp hình để ghi lại hình ảnh không thì phí lắm” - cụ nói.
Kim Phụng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065