BP - “Chiến tranh đã lùi về quá khứ gần ½ thế kỷ, nhưng hình ảnh đồng đội vẫn đang hiện diện đâu đó trong tâm thức của tôi. Vẫn còn đó những người mẹ, người vợ, người chị, người em và cả những người con đang ngày đêm khắc khoải trông mong tìm thấy con, chồng, cha, anh, em của mình dù chỉ là nắm đất có lẫn tro cốt của người thân. Tôi may mắn được sống sót sau cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc nhưng biết bao đồng đội đã ngã xuống để có được cuộc sống tươi đẹp như hôm nay. Bởi vậy, hỗ trợ anh em Đội K72 (Bộ CHQS tỉnh) tìm kiếm, cất bốc, hồi hương quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất bạn Campuchia là trách nhiệm, là bổn phận của mỗi người lính chúng tôi” - cựu chiến binh Lê Công Hòa chia sẻ.
QUÁ KHỨ BI HÙNG
Cựu chiến binh Lê Công Hòa sinh năm 1955 trong một gia đình Việt kiều ở làng 13, huyện Chúp, tỉnh Kompongcham, Vương quốc Campuchia. Cha mẹ ông quê ở thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, tham gia kháng chiến chống Pháp nên bị thực dân Pháp truy nã phải di cư sang Campuchia sinh sống. Hiện gia đình ông Hòa thường trú tại ấp Hiệp Tâm, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh. Năm 16 tuổi, ông là một trong 40 người được Tổng hội Việt kiều tại Campuchia tuyển chọn tham gia lớp sư phạm do Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo mở lớp giảng dạy ngay trong rừng nước bạn Campuchia. Sau 3 tháng tham gia lớp sư phạm, ông trở về dạy tiếng Việt cho con em Việt kiều Campuchia tại nơi ông sinh sống. Mỗi ngày 2 buổi lên lớp nhưng ông không một đồng lương hoặc phụ cấp. Hơn một năm sau, tháng 5-1972, ông chính thức gia nhập quân đội ở đơn vị C8, Đoàn 570 thuộc Ban liên lạc quân quản tỉnh Kratie. Nhiệm vụ chủ yếu của ông là phiên dịch cho Đoàn 570 tại tỉnh Kratie.
Các chiến sĩ Đội K72 tìm thấy hài cốt quân tình nguyện Việt Nam dưới móng bê tông trường học ở nước bạn Campuchia trong đêm (hình do Đội K72 cung cấp)
Trong quá trình hành quân theo đoàn làm công tác phiên dịch và trực tiếp tham gia chiến đấu, ông đã chứng kiến không ít đồng đội của mình hy sinh trên đất nước bạn. Có người ra đi vì bom đạn của chiến tranh, có người ra đi vì những cơn sốt rét ác tính và có người ra đi vì uống nhầm dòng nước bị kẻ thù rải thuốc độc. Năm 1974, cả gia đình ông cùng hàng trăm Việt kiều khác bị lính Pol Pot dồn ép trong một căn phòng để chuẩn bị hôm sau đưa đi hành quyết. Rất may ngay trong đêm ấy, quân tình nguyện Việt Nam đã kịp giải cứu gia đình ông và hàng trăm Việt kiều khác. Sau cái đêm kinh hoàng ấy, gia đình ông phải lội bộ 7 ngày đêm băng rừng, vượt suối để tìm về đất mẹ tại Hoa Lư, huyện Lộc Ninh định cư sinh sống. Tháng 7-1974, ông được điều động về đoàn xe thuộc đội hậu cần, Đoàn 340 ở Hoa Lư. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất ông được điều về Cục Kinh tế Quân khu 7 đến khi phục viên vào tháng 7-1977.
CÒN SỨC CÒN TÌM ĐỒNG ĐỘI
Mặc dù bận đám giỗ cha vợ nhưng cựu chiến binh Lê Công Hòa vẫn dành buổi sáng của ngày nghỉ cuối tuần để tiếp tôi trong căn nhà cấp 4. Năm 2012, ông tham gia Ban Chấp hành Hội Việt kiều yêu nước huyện Lộc Ninh và hưởng ứng đợt phát động của hội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ để tri ân. Từ đó đến nay, ông cùng đồng đội đã có trên 20 chuyến đi tìm kiếm, xác định vị trí, tọa độ chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia. Một trong những chuyến đi ấy có một vị trí tại địa bàn thuộc xã Ôsaypi, thị xã Kratie, tỉnh Kratie được ông khẳng định có ít nhất 21 mộ liệt sĩ. Sau khi tiếp nhận thông tin và đối chiếu với những tư liệu và nhân chứng, Đội K72 quyết tâm tìm bằng được 21 mộ mà cựu chiến binh Lê Công Hòa đã xác định vị trí.
Mỗi khi tìm được đồng đội là tôi chảy nước mắt. Tôi đã cung cấp thông tin cho Đội K72 tìm cả trăm hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất bạn Campuchia. Dự kiến tháng 10 này, tôi và những người bạn cùng đơn vị năm xưa đang ở TP. Hồ Chí Minh trở lại Campuchia để xác định khoảng 10 vị trí của đồng đội đã ngã xuống. Không thể để đồng đội lạnh lẽo trên mảnh đất không phải là quê hương của mình. Còn sức là tôi còn đi tìm đồng đội. Anh vợ tôi hy sinh cách đây 40 năm nhưng đến giờ vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Vợ tôi vẫn trông mong tìm thấy anh mỗi ngày. Cựu chiến binh Lê Công Hòa |
Thiếu tá Phan Việt Phương, Đội trưởng Đội K72 cho biết: Cũng tại vị trí này, nhiều lần Đội K72 đã tìm kiếm nhưng bất thành. Thế nhưng nhờ được tư vấn và chỉ dẫn tận tình, cặn kẽ nên Đội K72 không chỉ tìm kiếm được 21 mộ mà còn tìm được tới 98 mộ liệt sĩ. Điều đáng ghi nhận là địa hình khu vực mộ đã có nhiều thay đổi. Nơi các anh yên nghỉ năm xưa giờ là khuôn viên một ngôi trường tiểu học khá bề thế. Để tìm kiếm được hài cốt của các anh, chiến sĩ trong Đội K72 nhiều lần phải đi vận động từ người dân đến chính quyền. Cái khó là trong khu vực trường học nên chỉ được tiến hành vào ban đêm. Không ai nghĩ thân xác của các anh lại nằm ngay dưới khối bê tông của móng trường học. Cả tháng trời trắng đêm, các chiến sĩ Đội K72 cứ lặng lẽ, âm thầm tìm kiếm từng hài cốt của các anh. 98 bộ hài cốt liệt sĩ bao năm ở đất khách quê người, giờ đã được hồi hương về với đất mẹ, về với niềm vui và hạnh phúc của bao gia đình ngày đêm trông ngóng.
Hy vọng trong chuyến đi sắp tới, cựu chiến binh Lê Công Hòa sẽ có những thông tin chính xác để tiếp sức cho Đội K72 tiếp tục tìm kiếm được nhiều hơn nữa hài cốt quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh trên đất bạn Campuchia về với đất mẹ.
Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065