Trường cao đẳng Công nghiệp cao su tiền thân là Trường công nhân cơ khí được thành lập năm 1978, với nhiệm vụ ban đầu là đào tạo công nhân cho ngành cao su. Năm 1997, trường đổi tên thành Trường Kỹ thuật nghiệp vụ cao su và kể từ đây đánh dấu những bước phát triển lớn mạnh không ngừng. Năm 2000, được nâng cấp lên trung học với tên gọi Trường trung học Kỹ thuật nghiệp vụ cao su, đào tạo trung cấp các ngành: trồng trọt, kế toán, chế biến, điện và tin học. Trong thời gian này, trường tập trung xây dựng và phát triển mạnh về đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, bồi dưỡng ngắn hạn. Ngày 24-1-2008, Bộ GD-ĐT ra Quyết định số 424/QĐ-BGDĐT về việc thành lập Trường cao đẳng Công nghiệp cao su.
Trong suốt 40 năm qua, trường đã đào tạo 66.742 học viên có trình độ từ cao đẳng trở xuống. Các ngành nghề đào tạo phát triển ngày càng nhiều, có nhiều chương trình chuyên sâu về kỹ thuật, quản lý, nghiệp vụ lĩnh vực cao su sát với yêu cầu và thực tiễn đòi hỏi của tập đoàn. Trường còn mở rộng các hình thức đào tạo và liên kết đào tạo phục vụ nhu cầu nguồn nhân lực của ngành và xã hội; tích cực tham gia đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hiện nay, nhiều người trong số đó đang giữ những trọng trách quan trọng tại các doanh nghiệp cao su. Học viên đã tỏa đi nhiều vùng miền của Tổ quốc, ở đâu có cao su là ở đó có học viên của trường, từ Đông Nam bộ, Tây Nguyên, miền Trung, Tây Bắc, đến cả các nước bạn Lào và Campuchia. Các thế hệ học viên đã và đang phát huy năng lực, kinh nghiệm góp phần nâng cao năng suất vườn cây, năng lực quản trị nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp cao su nói riêng và tập đoàn nói chung.
Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, hiện nhà trường đã có diện tích 145,9 ha; cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, đáp ứng quy mô đào tạo khoảng 5.000 sinh viên. Tổng cán bộ, công nhân viên chức 141 người, trong đó khối giảng dạy là 87, khối sản xuất - kinh doanh 54 người. Tổng số giảng viên là 63 người, giảng viên trình độ sau đại học 43/63 (trong đó có 4 tiến sĩ, 39 thạc sĩ). Đặc biệt giai đoạn 2013-2018, nhà trường thực hiện lộ trình tự chủ theo Nghị định số 43 và Nghị định số 16 của Chính phủ, đến nay là đơn vị tự chủ toàn bộ chi thường xuyên. Năm 2017, tiền lương bình quân 6,9 triệu đồng/người/tháng, thu nhập bình quân 11,2 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, trường đang đào tạo 17 nghề trình độ cao đẳng, trung cấp; 25 nghề trình độ sơ cấp và 20 chuyên đề đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn. Bên cạnh đó, nhà trường đã và đang liên kết với 10 trường đại học đào tạo bậc đại học kể từ năm 2002 đến nay. Số lượng sinh viên đã và đang học là trên 3.000 người. Công tác nghiên cứu khoa học cũng được trường chú trọng. Nhiều giảng viên có đề tài, sáng kiến kinh nghiệm tham gia các hội thi đạt kết quả cao. Nhiều công trình nghiên cứu đã áp dụng trong ngành cao su mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mục tiêu chiến lược trong thời gian tới là sẽ phát triển thành trường trọng điểm quốc gia, có nhiều nghề trọng điểm quốc gia và khu vực, tiến tới nâng cấp thành trường đại học khi có đủ điều kiện. Và quan trọng hơn là sẽ tập trung đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo, cam kết đào tạo ra đội ngũ nhân lực đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, tập đoàn, xã hội. Nâng tầm và uy tín của trường bằng chất lượng đào tạo, xây dựng thương hiệu trở thành một trường lớn mạnh của ngành cao su và cả nước với khẩu hiệu “Vì chất lượng nguồn nhân lực cao su Việt Nam”.
Bằng ý chí, nghị lực và truyền thống kiên cường trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, quyết tâm thực hiện tốt các mục tiêu trong chiến lược phát triển trường từ nay đến năm 2020. Cụ thể, về phát triển đào tạo: Đào tạo theo định hướng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng thực hành, thực tập, đào tạo gắn với doanh nghiệp. Tập trung phát triển theo chiều sâu các ngành đào tạo thế mạnh về cao su để xây dựng thương hiệu, bên cạnh đó cũng mở rộng đào tạo các ngành nghề phục vụ địa phương và xã hội. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo và tăng cường liên thông, liên kết. Về nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế: Nghiên cứu tập trung vào các lĩnh vực phục vụ ngành cao su, hợp tác với các nước trong khu vực có thế mạnh về cao su. Về đội ngũ: Tập trung phát triển đội ngũ giảng viên đảm bảo theo quy định của bộ để đạt trình độ cao về chuyên môn, có trình độ tốt về ngoại ngữ, tin học, đáp ứng tiêu chuẩn của trường trọng điểm. Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với mô hình giáo dục nghề nghiệp và phù hợp mô hình tự chủ theo tinh thần các Nghị quyết số 18, 19 Hội nghị Trung ương 6, khóa XII. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo đào tạo các nghề trọng điểm và cơ sở vật chất cho việc mở rộng nghề đào tạo mới. Thực hiện lộ trình tự chủ toàn bộ chi thường xuyên tiến tới tự chủ một phần chi đầu tư phát triển.
Đình Ninh
(Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp cao su)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065