Tiếng là chị em bạn nhưng chị hơn tôi tròn giáp. Ngày còn học cấp III, tôi chơi chung với em gái chị, mấy lần đến nhà, trò chuyện rồi đâm ra thấy hợp với bà chị hơn nhỏ em. Vậy là chơi với nhau. Chị là giáo viên văn cấp II nên gặp một “con mọt sách” như tôi thành ra dễ nói chuyện. Dạo năm 2000, lương giáo viên không bao nhiêu, lại là môn văn cũng không dạy thêm dạy bớt được gì.
Vậy là chị - dù mới lấy chồng cũng xung phong đi vùng xa để hưởng thêm 100% lương. Chồng đi theo vợ, dù chưa biết đến nơi “có tiền cũng không biết làm sao mà xài” ấy, anh sẽ làm công việc gì. Nhưng để “giữ nhau”, chị đồng ý cho anh theo. Cả hai trọ trong căn phòng tập thể của nhà trường tầm 12m2. Nước sạch lúc ấy ở biên giới vẫn còn chưa sạch. Phèn nhiễm nặng đến nỗi chén rửa hai-ba lần rồi mà cứ đóng một lớp váng vàng như rỉ sét. Anh cần cù đi xa nơi trọ 4-8km để xin những thùng nước sạch về cho vợ tắm và nấu ăn. Chị bảo, thời đó cực nhưng là “tuần trăng mật” đầy kỷ niệm của anh chị.
Rồi chồng chị phát hiện ở vùng này không có chợ, tất cả chỉ là những chuyến xe tù mù khói hoặc xe đạp chở nặng nề hai chiếc sọt với những rau cải, thịt cá… Ai đón trễ thì xem như ngày ấy chỉ có cơm với muối. Anh nói với vợ ý định làm một quán tạp hóa để giúp bà con lúc nào cũng có thể mua thức ăn. Chị trình bày với ban giám hiệu xin một góc đất nơi chỏm rào… Nhà trường ưu ái vì muốn vùng này có thêm người “cắm đất”, quán tạp hóa của anh ra đời. Mỗi sáng anh phải dậy từ 2 giờ, trên chiếc xe máy cà tàng (mà lúc đó quý như cả gia tài) với chiếc cần xé to đùng, đi 20km, qua một chuyến phà để ra chợ huyện mua rau cải, thịt thà, cá mắm… Chị áo dài áo ngắn ra lớp thì anh cũng bắt đầu tay chân liền miệng mà mua bán.
Sang năm sau, cái quán phải “nở” ra vì nhu cầu của người dân tăng. Nhưng, người nơi đây không phải ai cũng có thu nhập hàng ngày. Tất cả đều làm nông: lúa, bắp, đậu phộng, thuốc lá vàng… là những loại cây họ luân canh trên đất. Anh bàn với vợ cho bà con “ký sổ” tiền chợ, đến tròn vụ mùa thì trả. Vậy là quán anh lại được “một đồn mười”. Tiền vốn bung ra nhiều, phải về quê nhà mượn họ hàng anh em. Nhưng mỗi ba-sáu tháng, anh chị lại thu về một khoản rất khá. Đủ trả nợ và dư sắm… vàng.
12 năm dài nơi đất khách, con đường nối tới huyện đã trải nhựa phẳng lì. Bến phà ngày nào giờ đã là hai đầu cầu vững chãi. Chị cũng liên thông được tấm bằng đại học. Anh chị quyết định trở lại quê nhà kinh doanh vật liệu xây dựng. Chị ngày ngày vẫn áo lượt quần là đến trường. Hai đứa con được sinh ra ở vùng biên giới cũng quen dần với nếp sống thị xã, nhưng gia đình lại bắt đầu… sinh chuyện.
Đàn bà thường dễ tin. Từ khi cửa hàng vật liệu xây dựng của anh chị tuyển vào một cô kế toán ngoài hai mươi và cái nhà hàng xóm “mắc dịch mắc gió” treo tấm kiếng lên hàng rào - đối diện cửa hàng thì chị kêu ca rằng anh “ham gặm cỏ non” nên không về với cơm nhà đúng giờ, hễ về là một hai kiếm chuyện với chị. Anh thanh minh, chị càng làm dữ, nói “thầy” bảo vậy mà, tại cái tấm kiếng nhà ấy nên vợ chồng chị mới lục đục. Cô kế toán chân ướt chân ráo tất nhiên là vô can nhưng cũng phải tự động nghỉ việc.
Tuyển được cô thứ hai, chị kêu: “Trắng quá! Đi làm mướn mà da trắng như vậy có ngày sẽ quơ ông chủ luôn”. Cô thứ ba được duyệt, chị bảo: “Lùn quá! Kế toán là bộ mặt của doanh nghiệp, lùn xịt vậy làm sao doanh nghiệp phát triển được?”. Anh “một nhịn chín nhục” cho gia đình êm ấm, đến khi chị tự tay đưa về một cô “không bằng cấp chi đâu nhưng khéo tính toán và… dễ giữ chồng”. Cô này ngoài ba mươi, đen, cao và gương mặt nám sạm, răng vẩu, mắt to mắt nhỏ...
Chị yên tâm đi mây về gió khi để một người phụ nữ “ma chê quỷ hờn” bên cạnh chồng. Bản thân mình thì bỏ bê nhà cửa, cơm nước. Ngoài giờ đi dạy, chị “lướt sàn” với những buổi học khiêu vũ, giao lưu ở câu lạc bộ đờn ca tài tử… Chồng nói mãi chị vẫn không nghe, bảo đã qua thời khổ cực rồi, hãy cho chị “nuông chiều bản thân” chứ đừng “dìm” đời chị vào cơm áo, gạo tiền, nồi niêu, bếp núc…
Cho đến một ngày, chị tá hỏa khi người “giữ chồng” giùm chị đã giữ rịt luôn tâm hồn và thể xác anh. Chị quậy um, vì uy tín, vì danh dự “một là tôi, hai là con đó”. Chồng bảo chị “thích thì chiều”, còn anh thì rất cần bàn tay phụ nữ với hai bữa cơm cho anh an tâm mà lao động. Anh tuôn cả suối tâm tư rằng em tưởng chuyện làm ăn bây giờ là dễ lắm sao? Xòe tay ra là lấy tiền của thiên hạ à?
Cũng phải tranh đấu, giựt giành. Vợ không hiểu cho thì chớ, đằng này đi nhà hàng tiếp khách thì khách xì xào trên “sàn” kia hình như vợ ông đang “lướt”. Đi quán đờn ca tài tử cho đổi không khí “về với cội nguồn” thì khách chỉ trỏ “Vợ ông hình như hôm nay mặc chiếc áo diễn như đào hát. Nóng bỏng!”. Về nhà thì nhà vắng, bếp lạnh, con nay ăn bên nội, mai ăn bên ngoại. Anh chán rồi! Ta ly hôn đi! Ừ thì ly hôn! Chị cũng không thua.
Đơn viết rồi nhưng chợt nghĩ tới mớ tài sản của vợ chồng mười mấy năm chắt chiu, bán từng cọng tim đèn, cây bút chì, hộp phấn viết trăm cây giá ba ngàn đồng mà giờ phải “mất đứt” gần trăm triệu án phí thì anh chị cùng… giật mình. Hóa ra tại chị nhiều hơn em ạ. Đàn bà đừng đòi hỏi phải hơn chồng.
Hy sinh vì chồng con một chút cũng không thiệt thòi gì đâu. “Còn đàn ông thì đừng chấp nhặt với vợ”. Anh xen vào. Anh bảo mình cũng có lỗi khi buộc vợ thời buổi này mà phải cúc cung cơm nước, nhà cửa. Ai cũng cần có mối quan hệ, niềm vui cá nhân riêng, miễn không ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
Anh chị quyết định từ nay sẽ quan tâm nhau nhiều hơn. Chị thích đi sàn, đi ca tài tử, anh sẽ cùng chia sẻ niềm vui với chị “nhưng trong khuôn khổ” là mỗi tuần hai buổi cho hai môn giải trí này. Anh muốn vợ giúp việc sổ sách ở cửa hàng và mỗi tuần nấu một bữa thật ngon. Chị giơ hai tay đồng ý.
Nhìn họ chăm chăm gắp cho nhau, hầu như quên cả khách; nhìn những tia nắng ấm áp ánh lên trong hai đôi mắt đã bắt đầu có vết thời gian, mới thấy rằng, hạnh phúc chỉ đến khi hai phía cùng vun đắp.
Nguồn PNO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065