“Thôn thường có các đoàn bán sản phẩm điện gia dụng đến quảng cáo, người dân rất hào hứng, nhưng không ai mua vì chưa có điện để dùng” - ông Trần Văn Tiểng, Trưởng thôn 10, xã Bom Bo cho biết.
NƠI DÒNG ĐIỆN “ĐI QUA”
Thôn 10 có 6 tổ, lòng hồ thủy điện Thác Mơ đi qua 5 tổ, nhưng chỉ có 68/252 hộ ở gần đường liên xã Bom Bo - Đắk Nhau (Bù Đăng) là có điện sử dụng. Số hộ còn lại dùng điện năng lượng mặt trời hoặc cùng nhau góp tiền kéo điện về dùng. Ông Nguyễn Văn Đốm ở tổ 2, thôn 10 cho biết: “Tôi có 6 ha cà phê xen điều nên rất mong có điện phục vụ sản xuất. Năm 2012, gia đình tôi cùng 19 hộ trong tổ góp tiền kéo điện với chi phí 100 triệu đồng. Sau đó, tôi đầu tư gần 30 triệu đồng để khoan giếng tưới cà phê. Do điện yếu, máy bơm không chạy được nên giếng đành bỏ phí. Tôi chuyển qua đào giếng, mua máy nổ tưới cà phê, bình quân mỗi tháng mất 2 triệu đồng tiền dầu chưa kể tiền thuê nhân công, chi phí khấu hao máy”.
Anh Chu Văn Hậu, Trưởng thôn 7 kiểm tra đồng hồ điện của gia đình
Những hộ dùng điện lưới quốc gia tự kéo hay điện năng lượng mặt trời đều chỉ đủ thắp sáng chứ không thể phục vụ sản xuất. Bởi điện tự kéo do đường dây đi qua quãng đường dài và nhiều hộ dùng chung nên rất yếu, vào giờ cao điểm điện chập chờn nên các thiết bị điện hư hỏng thường xuyên. Còn những hộ dùng điện năng lượng mặt trời phải thay bình ắc-quy 3 năm/lần nhưng cũng không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Cột điện bằng sắt ở thôn 10 do các hộ dân tự góp tiền kéo điện
Thôn 7 cũng trong hoàn cảnh tương tự, toàn thôn có 235 hộ nhưng chỉ 45 hộ sống bên đường liên xã Bom Bo - Đắk Nhau được sử dụng điện lưới quốc gia. Có 55 hộ dùng điện tự kéo từ năm 2007, chia ra 5 nhóm, trung bình mỗi hộ đóng 10 triệu đồng, còn lại là dùng điện năng lượng mặt trời. Anh Chu Văn Hậu, Trưởng thôn 7 cho biết: Từ cột điện lưới quốc gia đến nhà tôi khoảng 1,7km, hộ trong thôn cách xa nhất là 2,5km. Dù đang dùng điện lưới quốc gia nhưng gia đình tôi vẫn ăn cơm nấu từ bếp ga. Tủ lạnh đã mua về nhưng không dùng được vì điện quá yếu. Gia đình tôi chỉ dùng điện để thắp sáng và quạt máy, nhưng bình quân mỗi tháng phải trả 400 ngàn đồng, do lượng điện hao hụt lớn.
CÓ ĐIỆN SẼ ĐỔI THAY
Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Minh Trang, Bí thư Chi bộ thôn 10. Toàn thôn có tổng diện tích khoảng 140 ha, trong đó 113 ha điều xen cà phê, 160 ha cao su. Nếu có điện, người dân sẽ phát triển kinh tế bằng cách đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, từ đó tạo ra nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Thôn có 2 cơ sở chế biến điều hoạt động theo thời vụ do không có điện để chạy máy bảo quản, sấy khô hay chẻ hạt điều bằng máy. Nếu có điện xưởng sẽ phát triển mạnh và hoạt động cả năm, giúp giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân. Không chỉ đối với điều mà cà phê cũng không có điện để sấy, xay; chăn nuôi không có điện để xay thức ăn cho gia súc. Việc tưới tiêu các hộ dân đều phải dùng máy nổ với chi phí 20 ngàn đồng/giờ chưa kể tiền thuê nhân công, trong khi nếu có điện tưới bằng máy bơm thì chi phí chỉ 3.000 đồng/giờ.
Không có điện lưới quốc gia, tivi nhà ông Phan Tấn Thành phải dùng điện năng lượng mặt trời
Ông Nguyễn Văn Đốm bên giếng khoan đã bị bỏ không do không có điện
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065