Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2020), xin được kể về một lực lượng đã đóng góp phần công sức, máu xương cho chiến thắng vẻ vang của dân tộc: Những chiến sĩ quân y! Qua đó, chúng ta cũng thấy được sự hy sinh, cống hiến của đội ngũ thầy thuốc đi trước. Và đó là tấm gương được thế hệ đội ngũ y, bác sĩ hôm nay tiếp nối ở một trận chiến khác – trận chiến chống “giặc dịch” Covid-19. Hai cuộc chiến, hai kẻ thù hoàn toàn khác nhau nhưng niềm tin chiến thắng vẫn vẹn nguyên không bao giờ đổi thay.
Tự hào cha anh đi trước
Ông Trần Thanh Tùng, nguyên y tá quân y phục vụ ở Trạm xá quân y 45, chiến trường Chơn Thành - Bình Phước. Dù ngót nghét gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng mỗi khi nhắc lại, ông Tùng vẫn nhớ như in từng thời khắc của giai đoạn những năm 1973-1975, khi cuộc chiến tại đây diễn ra khốc liệt nhất. Làm nhiệm vụ cứu chữa cho thương, bệnh binh trong điều kiện thiếu thốn trăm bề của chiến tranh, lại dưới làn mưa bom bão đạn chắc chắn không hề đơn giản. Nhưng thấy đồng đội bị những vết thương đe dọa đến tính mạng, ông và các y, bác sĩ của trạm xá quân y trong vùng căn cứ càng nhiệt tâm chạy chữa bằng đủ mọi cách. Đội ngũ thầy thuốc dốc sức với mong muốn giúp các chiến sĩ mau chóng lành vết thương để trở lại trận tuyến.
Ông Tùng kể lại: “Trong chiến tranh, bom đạn khốc liệt, ngày nào cũng có bộ đội bị thương. Do nằm trong căn cứ nên thuốc men cứu thương không phải lúc nào cũng được cấp kịp thời. Chúng tôi phải đi mua hoặc nhờ dân, cơ sở mua giùm… Nhưng để mua được thì khổ lắm. Người dân phải giấu trong gô cơm để ngụy trang. Nhờ vậy mới có thuốc cho quân y cấp cứu thương binh… Thời đó, chúng tôi không ai nghĩ đến sống chết, chỉ biết phục vụ được đồng chí, đồng đội mau lành vết thương, trở về chiến đấu giải phóng dân tộc là chúng tôi vui rồi”.
Ông Võ Thía năm nay 85 tuổi. Ông là một trong những bác sĩ hiếm hoi của Ban Dân y tỉnh Bình Phước giai đoạn 1972-1975. Khi đó, ông công tác tại bệnh viện Lộc Ninh cũ (xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh hiện nay) và được cấp trên điều động ra tuyến đầu cứu chữa thương, bệnh binh đúng thời điểm cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước ở miền Nam diễn ra vô cùng ác liệt. Nhất là sau ngày Lộc Ninh được giải phóng, địch ra sức đánh phá vào các khu vực từ Lộc Ninh tới Bù Đốp. Bom đạn kẻ thù đã làm thương vong vô số dân thường và bộ đội giải phóng. Khi ấy, bệnh viện chỉ có 4 bác sĩ, cơ số thuốc, trang thiết bị rất thiếu thốn. Bằng cái tâm của người thầy thuốc, bác sĩ Võ Thía cùng đồng nghiệp tận tâm cứu thương không kể ngày đêm. Họ cũng chẳng khác nào những người lính trong cuộc chiến với những cam go, khốc liệt để giành giật lại sinh mạng, sức khỏe cho đồng đội, đồng bào mình.
Ông Võ Thía nhớ lại: “Xác định tư tưởng vì nhiệm vụ giải phóng đất nước nên trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, chúng tôi vẫn động viên nhau cố gắng. Chứng kiến đồng bào, chiến sĩ mình bị hành hạ, đau đớn bởi những vết thương, chúng tôi xót lắm! Chúng tôi đã phục vụ rất tốt, nhiều anh em thương binh được chữa khỏi để trở lại cuộc chiến giải phóng thống nhất đất nước”.
Và gương sáng hôm nay
Những hy sinh, cống hiến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của những thầy thuốc thế hệ đi trước như ông Thía, ông Tùng luôn được cả dân tộc khắc ghi. Còn trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 hôm nay, tuy không có bom cày, đạn xới nhưng một lần nữa hình ảnh người thầy thuốc quân y lại làm nhiều người cảm phục vì sự hy sinh bản thân, thậm chí có những y, bác sĩ đã ngã xuống vì nhiệm vụ để giành lại sức khỏe, sự sống cho nhân dân.
Tại Bình Phước, trong suốt quá trình phòng chống dịch Covid-19, đã có hàng trăm y, bác sĩ lao mình vào cuộc chiến. Trong đó có rất nhiều chiến sĩ quân y ngày đêm cắm chốt nơi địa đầu Tổ quốc, gác lại niềm vui, hạnh phúc cá nhân để thực hiện nhiệm vụ, giúp cho tỉnh an toàn trước đại dịch.
Trong thời điểm chống dịch quan trọng, cấp bách, rất nhiều người đã gác lại niềm vui, hạnh phúc cá nhân để bám trụ tại các điểm, chốt chống dịch nơi biên giới. Trung úy Trần Đức Thiện, chiến sĩ quân y Đồn biên phòng Lộc Thành, huyện Lộc Ninh là một điển hình. Hơn 2 tháng trước, khi đang túc trực làm nhiệm vụ tại các tổ, chốt chống dịch nơi biên giới thì vợ anh hạ sinh đứa con thứ nhưng đến nay, anh chưa một lần về thăm. Biết có phần thiệt thòi cho vợ, con và chính bản thân nhưng anh luôn xác định nhiệm vụ chống dịch quan trọng hơn cả.
Trung úy quân y Trần Đức Thiện chia sẻ: “Là một người cha, khi con mình cất tiếng khóc chào đời, ai cũng muốn ở bên, nhìn thấy mặt con… Nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, khi đất nước cần thì những người chiến sĩ như chúng tôi sẵn sàng gác tình riêng, góp công sức của mình vào công cuộc chung…”.
Nhận xét về đội ngũ thầy thuốc thế hệ hôm nay, ông Võ Thía nói trong niềm hãnh diện và đầy trân trọng:“Thế hệ chúng tôi là thế hệ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc. Hiện nay, chúng tôi cũng cảm thấy rất tự hào vì trong thời bình, anh em ngành y vẫn thể hiện bản lĩnh qua cuộc chiến chống dịch. Anh em y, bác sĩ phục vụ hết mình, quên cả bản thân, tình riêng… Thậm chí có người mẹ mất, cha mất cũng không về được, chấp nhận ở lại chống dịch. Đó là tấm gương, đạo đức của người lương y để toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Cao quý lắm!”...
Qua 2 cuộc chiến chống giặc khác nhau, có một cuộc chiến cách đây tròn 45 năm nhưng những người thầy thuốc quân y đã thể hiện một điểm chung là tấm lòng kiên trung, cao cả, biết hy sinh tình riêng vì sự nghiệp chung. Nhờ đó, cuộc chiến chống “giặc dịch” Covid-19 hiện nay dù chưa kết thúc nhưng với tinh thần Việt Nam hùng cường, đoàn kết và quyết tâm, chúng ta hoàn toàn tin tưởng: “toàn thắng ắt về ta”.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065