Tiết kiệm cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng
Những ngày tháng đấu tranh chống tham nhũng gian khó dần dần gặt hái những “trái ngọt”. Đơn từ tố cáo của ông Uẩn tới các cơ quan địa phương đã được lắng nghe, tỉnh Bắc Ninh cử cán bộ thanh tra xuống điều tra và đưa nhiều sai phạm ra ánh sáng.
Kết quả là năm 2009, Uỷ ban nhân dân huyện Thuận Thành đã ra quyết định kiểm điểm và xử lý kỷ luật, cách chức một số cán bộ xã Ngũ Thái và các ban quản lý thôn Bùi Xá, Liễu Ngạn, trong đó có Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Lê Xuân Hào về các sai phạm trong quản lý đất đai, xây dựng giao thông và thu chi tài chính...
Cuối năm 2009, ông Uẩn được Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng khen thưởng. Đầu năm 2010, Tòa án Bắc Ninh đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án tham ô tài sản và tuyên các cán bộ xã Ngũ Thái là Nguyễn Văn Sự 4 năm tù giam, Nguyễn Văn Tráng 3 năm tù treo.
Ông Nguyễn Công Uẩn nhận bằng khen của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng khen thưởng. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Năm 2010, những đơn từ tố cáo hồ sơ thương binh giả của ông Uẩn và ông Lãng cũng được Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tiếp nhận. Ông Tạ Văn Thiều, Phó Cục trưởng Cục Người có công ngày ấy đã trực tiếp điện thoại và kết hợp cùng Thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về gặp hai ông để tiếp cận hồ sơ.
Để làm sáng tỏ sự việc, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xác minh nội dung tố cáo với 10 trong số hàng trăm đối tượng bị tố cáo và thấy đều có dấu hiệu sai phạm trong hồ sơ thương binh. Kết quả giám định thương tật không đúng với tình trạng sức khoẻ, các hồ sơ này bị tẩy tên và thay tên người khác, kết quả trưng cầu giám định tài liệu cho thấy toàn bộ phần chữ viết bằng tay trên các giấy chứng nhận bị thương của ông Nguyễn Đức Nhâm, Nguyễn Gia Khu, Nguyễn Bá Chình, Nguyễn Đắc Nhưng... đều do cùng một người viết ra.
Từ kết quả nội dung tố cáo với một số đối tượng tại xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chuyển các hồ sơ trên cho tỉnh Bắc Ninh và Bộ Quốc phòng thu hồi giấy chứng nhận thương binh và phối hợp tiếp tục xác minh, làm rõ các trường hợp bị tố cáo liên quan.
Sau khi điều tra theo nội dung tố cáo, ngày 14-6-2013, cơ quan Cảnh sát Công an tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định khởi tố 5 bị can: Nguyễn Bá Bi, Nguyễn Bá Trình, Nguyễn Gia Khu, Nguyễn Đức Nhâm và Nguyễn Đắc Ngưng, cư trú tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đồng thời mở rộng điều tra vụ án.
Ông Nguyễn Công Uẩn gửi đơn tố giác về hồ sơ thương binh giả tại Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Từ vụ việc này, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 cũng tiến hành khởi tố điều tra về việc làm giả hồ sơ hưởng chế độ thương binh. Kết quả sau khi điều tra, số đối tượng khai man, giả mạo hồ sơ phải kiến nghị đình chỉ trợ cấp lên tới 2.745 người, 24 người bị xử lý hình sự, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 150 tỷ đồng, đồng thời giảm chi ngân sách nhà nước 20 tỷ đồng mỗi năm do chi sai đối tượng người có công.
Năm 2012, 2013, 2014 là những năm mà hàng loạt các vụ sai phạm về quản lý đất đai, làm hồ sơ giả thương binh do ông Uẩn và ông Lãng tố cáo được đưa ra ánh sáng, hàng loạt cá nhân bị xử phạt. Thời gian này, ông Uẩn và ông Lãng vẫn bị một số đối tượng hành hung, đánh đập, phá hoại tài sản vì đã tố cáo một số đối tượng lập hồ sơ giả để hưởng chế độ ưu đãi người có công.
Ngày 21-4-2015, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phải có công văn gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh yêu cầu có phương án bảo vệ sức khoẻ, tính mạng và tài sản của ông Lãng và ông Uẩn. Đến ngày 12-5-2015, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh cũng đã có công văn yêu cầu Uỷ ban nhân dân huyện Thuận Thành bảo vệ người tố cáo là ông Lãng và ông Uẩn.
“Bằng khen” của hai ông lão
Đã qua rồi những ngày tháng mà cứ mỗi lần gặp hai ông lão cầm túi nilon đựng tài liệu người dân lại e ngại, thì thầm với nhau “lại đi khiếu kiện đấy” đã qua. Giờ đây, người dân đã nể trọng và yêu quý hai ông lão chống tham nhũng.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xem xét tặng bằng khen của Bộ trưởng đối với ông Nguyễn Tiến Lãng và ông Nguyễn Công Uẩn vì có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng, góp phần tích cực trong việc phát hiện, xử lý hành vi khai man, giả mạo hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng tại tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh thuộc địa bàn Quân khu 1.
Cho đến ngày hôm nay, hành trình tìm kiếm lẽ phải của hai ông đã chiến thắng và phần nào được ghi nhận. Cuộc sống của hai ông cũng vì thế mà đã yên bình hơn, những ngày tháng sống trong nỗi sợ bị đánh, bị đe doạ, bị cô lập đã không còn nữa.
Ông Lãng cười nói: “Dần dần thì người dân họ cũng hiểu ra rằng tôi không chống lại một ai, tôi chỉ chống lại sự sai trái, bất công mà thôi!”
Ông Nguyễn Tiến Lãng chưa bao giờ nghĩ tố giác để được khen thưởng. (Ảnh: Hồng Kiều-Vietnam+
Gần 4 năm trôi qua, vụ việc ông Lãng và ông Uẩn tố cáo được làm sáng tỏ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã hai lần có văn bản gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh xin ý kiến về tình hình chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại địa phương của ông Nguyễn Tiến Lãng và ông Nguyễn Công Uẩn để tiến hành khen thưởng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang tiếp tục xin ý kiến của Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) để xem xét khen thưởng với hai ông.
Nhắc đến việc khen thưởng, ông Uẩn bảo: “Khi làm thì không bao giờ nghĩ đến ngày được khen thưởng đâu, tôi sống đã đến 80 tuổi rồi, sống chết cũng không biết thế nào nữa để mà mong mỏi khen thưởng. Nhưng tôi nghĩ nếu vụ việc được khen thưởng thì sẽ thúc đẩy phong trào chống tham nhũng, vì nếu chúng tôi được khen thưởng công khai thì nhiều người dân sẽ có niềm tin tích cực chống tham nhũng.”
“Hơn 11 năm qua, chúng tôi lúc nào cũng đi đầu với việc chống tham nhũng, nhất là vấn đề chế độ chính sách đãi ngộ cho người có công. Được ghi nhận công lao bởi đông đảo nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ là phần thưởng cao quý nhất của một công dân khi gửi đơn tố giác. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tố giác để được khen thưởng, chỉ biết phải đòi được sự công bằng xã hội. Chúng tôi tuy đã 80 tuổi nhưng vẫn còn sống ngày nào sẽ đấu tranh chống tham nhũng đến hơi thở cuối cùng,” ông Lãng tâm sự.
Với hai ông lão 80 tuổi ấy, ngay cả khi không có ai bênh vực vẫn có niềm tin vào công lý thì tấm “bằng khen” quan trọng nhất trong lòng hai ông đã được trao vào ngày mà lẽ phải chiến thắng. Còn tấm bằng khen thưởng được đề xuất trong hai năm nay là để những người còn lại có thêm động lực vào chống tiêu cực, chống tham nhũng, còn niềm tin vào pháp luật, vào công lý của hai ông chưa bao giờ vơi.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065