Đảo Hòn Dấu dường như là một thế giới đối lập hoàn toàn với những xô bồ, ồn ã của bãi biển Đồ Sơn. Đến đảo, du khách được tận hưởng khoảng không gian bao la, khoáng đạt giữa biển trời, núi non và trải nghiệm các hoạt động thú vị về văn hóa, lịch sử, tâm linh như: Đi thuyền tham quan bãi sỏi trắng bao quanh hòn đảo, tham quan rừng nguyên sinh với hàng ngàn loài động - thực vật. Đặc biệt, loài cây đặc trưng trên Hòn Dấu không phải dừa, phi lao... mà là cây si cổ thụ tới vài người ôm chưa khép vòng. Những chiếc rễ giả to bằng bắp chân tua tủa đâm xuống đất tạo thế đứng vững chắc cho cây và làm nên vẻ u tịch, cổ kính. Người ta ví những cây si cổ thụ như “mái nhà” khổng lồ che chắn cho mọi người. Trên đảo còn có đền thờ Nam Hải Thần Vương - vị tướng thời Trần. Tương truyền thần Nam Hải rất linh thiêng, nếu ai dám lấy đi bất cứ thứ gì trên đảo, kể cả một lá cây, sẽ bị ngài phạt, phải đem trả lại mới yên. Có lẽ chính vì lẽ đó, trải qua hàng trăm năm, đảo Hòn Dấu vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ kỳ vĩ.
Hải đăng Hòn Dấu ở Hải Phòng được mệnh danh là “Mắt ngọc” của Tổ quốc - Ảnh internet
Đảo Hòn Dấu còn được người dân địa phương gọi là “đảo đèn”, được mệnh danh “mắt ngọc” của Tổ quốc bởi trên đảo có ngọn hải đăng hơn trăm tuổi. Đây là ngọn hải đăng đầu tiên được người Pháp xây dựng ở nước ta. Hải đăng Hòn Dấu do kiến trúc sư người Pháp thiết kế, được xây dựng từ năm 1892, hoàn thành năm 1898. Đó là tòa nhà 2 tầng bề thế (nay được dùng làm bảo tàng hải đăng), chính giữa tòa nhà là tháp đèn. Tháp cao 5 tầng, đỉnh đèn cao 140m so với mặt nước biển, có độ chiếu xa đến 40km. Từ xa nhìn lại, ngọn hải đăng như một pháo đài cổ vút lên giữa đảo.
Bảo tàng hải đăng Hòn Dấu trưng bày các loại đèn biển, đèn tín hiệu được sử dụng tại các hải đăng khác trên khắp Việt Nam; là khu trưng bày ngoài trời với những quả ngư lôi đế quốc Mỹ đã trút xuống trong những năm tháng đánh phá vùng biển đảo Hải Phòng nhằm dập tắt ánh đèn chỉ đường cho các con tàu không số. Nơi đây còn có dấu tích của hệ thống hầm ngầm trên đảo trong những ngày chiến đấu chống đế quốc Mỹ, đường ray hạ thủy những con tàu không số... Tất cả vẫn đang còn đó như chứng tích sinh động của một thời hào hùng, oanh liệt của các công nhân giữ đảo, thắp đèn nơi đây.
Lịch sử còn ghi, hải đăng Hòn Dấu ngày ngày dẫn dắt tàu thuyền qua lại trên vùng biển Hải Phòng và chỉ đường vào cảng Hải Phòng trong những năm Pháp tiến hành khai thác thuộc địa tại Việt Nam. Ngày 15-5-1955, sau khi Hải Phòng giải phóng, bộ đội Việt Nam tiếp quản ngọn đèn biển này. Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt, hải đăng Hòn Dấu là điểm sáng dẫn đường cho những chuyến tàu không số bắt đầu từ Bến tàu không số tại Đồ Sơn vận chuyển hàng hóa theo tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, chi viện cho đồng bào miền Nam đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước. Do đó, hải đăng Hòn Dấu là một trong những mục tiêu bắn phá, oanh tạc của không quân Mỹ.
Trải qua hơn 100 trận oanh tạc, hải đăng Hòn Dấu chưa lúc nào ngừng sáng. Năm 1967, hải đăng Hòn Dấu bị đánh sập, nhưng những công nhân Ty Bảo đảm hàng hải vẫn anh dũng, quyết tâm bám trụ giữ đảo giữ đèn, dựng cột đèn bằng sắt thay thế, đảm bảo cho đèn hoạt động với khẩu hiệu “còn người còn đảo, trái tim còn đập, đèn còn ánh sáng”. Họ đã góp một phần công sức “đảm bảo an toàn cho tàu của các nước xã hội chủ nghĩa chở hàng vào cảng Hải Phòng, Hòn Gai viện trợ cho Việt Nam, phục vụ đoàn tàu không số tiếp vận cho đồng bào miền Nam, thực hiện cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước” (trích lời ghi trên bia cắm ở cửa hầm, ngay bên đường dẫn lên hải đăng). Năm 1986, ngọn hải đăng được xây dựng lại trên nền móng cũ, theo kiến trúc ban đầu.
Trải qua thời gian, hải đăng Hòn Dấu đã qua nhiều lần sửa chữa, cải tạo nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ. Công trình được công nhận là danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngày nay, hải đăng đảo Hòn Dấu vẫn luôn sáng đèn soi đường cho tàu bè qua lại ra vào cảng Hải Phòng.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065