>> Bài 1: Trung Quốc nuốt dần Hoàng Sa
Sự kiện Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngụy xưng chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa vào ngày 11-1-1974 là lời thách thức trắng trợn đối với chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa. Ngay lập tức, chính quyền Sài Gòn đã có phản ứng bằng ngoại giao và quân sự.
Sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhận vơ chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa, “ngay ngày hôm sau, 12-1-1974, với tư cách Ngoại Trưởng VNCH, tôi đã chính thức và cương quyết lên tiếng bác bỏ lời tuyên bố vô căn cứ của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc và lên án hành động gây hấn của nước này”, ông Vương Văn Bắc, nguyên là Ngoại trưởng Việt Nam Cộng Hòa, nhớ lại trong một bài viết được công bố tại Paris vào năm 2007.
Bốn chiến hạm của Việt Nam Cộng Hòa ra chiến đấu bảo vệ quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1.1974 - Ảnh: Tư liệu
Ông Bắc, là một luật sư, còn cho biết: “Ngày 16-1-1974, cũng với tư cách Ngoại Trưởng VNCH, tôi đã gửi công điện cho ông Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để lưu ý Hội đồng Bảo an tới tình hình căng thẳng nghiêm trọng gây ra bởi lời tuyên bố ngang ngược và những hành vi trái phép của Trung Cộng trong vùng Hoàng Sa, có khả năng đe dọa hòa bình và an ninh tại vùng này. Chính phủ VNCH yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ban bố mọi biện pháp thích nghi để cải thiện tình hình”.
Lệnh hành quân
Giữa lúc tình hình căng thẳng leo thang tại Hoàng Sa, song song với các động thái ngoại giao, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã tăng cường chiến hạm ra vùng biển đảo này. Ngày 15-1-1974, Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên hải lệnh cho tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16) trực chỉ Hoàng Sa phối hợp với lực lượng quân sự thường trực tại đây sử dụng biện pháp hòa bình để bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải. Trước đó, tàu Hải quân VNCH chỉ đến Hoàng Sa trong những chuyến tuần tra định kỳ; còn lực lượng trú đóng chỉ bao gồm một trung đội Địa phương quân thuộc Chi khu Hòa Vang với 24 quân nhân.
Trung tá Lê Văn Thự, Hạm trưởng HQ-16, kể lại trong một bài viết vào năm 2004: “Ngày 15-1-1974, tàu tôi - HQ-16 - được lệnh ra công tác đảo Hoàng Sa, chở theo một cố vấn Mỹ và một thiếu tá Bộ binh thuộc Quân đoàn I. Tàu khởi hành tối 15-1-1974 và đến Hoàng Sa sáng ngày 16-1-1974. Khi đến nơi, Địa phương quân trên đảo thấy tàu đã lái xuồng ra đón viên thiếu tá Bộ binh lên đảo. Trong khi chờ đợi để đưa thiếu tá Bộ binh về lại Đà Nẵng, tôi vận chuyển tầu rời đảo Hoàng Sa ra biển, thả trôi tàu gần đảo Quang Hòa”.
Ông Thự còn cho biết khi dùng ống nhòm quan sát đảo Quang Hòa thì thấy “có một dãy nhà sườn gỗ còn đang xây cất dở dang, chỉ có sàn nhà, chưa có mái” và ông đã gọi báo về Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên hải. Vào trưa 16-1, HQ-16 phát hiện một tàu chiến Trung Quốc tiến vào vùng biển trong khu vực cụm đảo Lưỡi Liềm.
Lúc bấy giờ, khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) do trung tá Vũ Hữu San làm hạm trưởng đang tuần tra vùng biển gần cù lao Ré (đảo Lý Sơn) thì nhận được lệnh trở về Đà Nẵng để chuẩn bị ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Lúc rời Đà Nẵng ra Hoàng Sa, HQ-4 có quân số 170 người và một trung đội Biệt hải quá giang. Công điện hành quân thượng khẩn số 50.356 của Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên hải, sau khi thông báo việc tàu và quân Trung Quốc xâm chiếm một số đảo ở Hoàng Sa, đã nêu nhiệm vụ: “Lực lượng tham dự hành quân tiến chiếm lại các đảo nói trên khởi sự vào ngày “N”… HQ-16 tiến chiếm lại đảo Money(Quang Ảnh - NV) vào ngày “N” bằng nhân viên cơ hữu… HQ-4 nhận 32 nhân viên biệt hải từ Đà Nẵng vào ngày “N”… đổ bộ chiếm đảo Robert (Hữu Nhật), sau đó là Drummond (Duy Mộng) và Duncan (Quang Hòa)”. Theo thông tin do Hạm trưởng San chia sẻ với Thanh Niên mới đây, thì vào giai đoạn ban đầu, ông là chỉ huy trưởng cuộc hành quân bảo vệ Hoàng Sa, gồm hai tàu HQ-4 và HQ-16.
Lúc bấy giờ, phía Trung Quốc cũng tăng cường tàu cá và tàu chiến tới khu vực. Một số toán lính của họ cũng được triển khai đổ bộ lên các đảo thuộc nhóm Lưỡi Liềm.
Trước tình hình hết sức khẩn trương, Việt Nam Cộng Hòa đã điều thêm hai tàu Trần Bình Trọng (HQ-5) và Nhật Tảo (HQ-10) đến để tăng cường lực lượng bảo vệ đảo. HQ-5 do trung tá Phạm Trọng Quỳnh làm hạm trưởng, đến Hoàng Sa vào trưa 18-1; HQ-10 do thiếu tá Ngụy Văn Thà chỉ huy, đến nơi vào buổi tối cùng ngày (một số tài liệu cho biết HQ-5 và HQ-10 cùng đến Hoàng Sa vào sáng 18-1; dù khác nhau về giờ, nhưng các thông tin đều khẳng định hai tàu này có mặt vào ngày 18-1).
Đến lúc này, đại tá Hà Văn Ngạc, đi theo tàu HQ-5, thừa lệnh Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên Hải làm chỉ huy trưởng toàn bộ công tác trên mặt biển.
|
|
Vờn nhau trước trận chiến
Nhắc lại, sau tuyên bố mạo xưng chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa vào ngày 11-1-1974, Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động quân sự tại nhóm đảo Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Nhóm lưỡi liềm là một cụm đảo nằm ở góc tây nam quần đảo Hoàng Sa, cho tới thời bấy giờ vẫn do Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát; còn cụm đảo An Vĩnh ở đông bắc và đảo Linh Côn ở phía đông đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ thập niên 1950.
Về các hoạt động của Trung Quốc tại nhóm Lưỡi Liềm, sách Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa của Vũ Hữu San và Trần Đỗ Cẩm cho hay đến ngày 15-1-1974, Trung Quốc đã đổ quân lên các đảo Hữu Nhật (Robert), Quang Ảnh (Money), Quang Hòa (Duncan) và Duy Mộng (Drummond). Tài liệu Hoàng Sa - Lãnh Thổ Việt Nam Cộng Hòa do chính quyền Sài Gòn ấn hành cũng đưa thông tin tương tự, và cho biết “chiến hạm ta đã dùng loa và đèn hiệu yêu cầu những người Trung Cộng rời khỏi đảo, nhưng vô hiệu”. Cũng theo tài liệu này, ngày 17-1, vào lúc 7 giờ 45, một tiểu đội xung kích Việt Nam Cộng Hòa đã đổ bộ lên đảo Quang Ảnh mà không gặp sự kháng cự nào. Trên đảo, họ thấy 6 ngôi mộ mới, có bia viết chữ Tàu, có thể là bằng chứng ngụy tạo nhằm chứng tỏ người Trung Quốc đã chiếm giữ đảo từ lâu. Toán xung kích này được lệnh nhổ cờ Trung Quốc, phá hủy hết các dấu tích ngoại bang trên đảo.
Sau khi ra đến khu vực Hoàng Sa vào xế trưa 17-1, HQ-4 đã phối hợp với HQ-16 để bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải. Một số diễn biến căng thẳng đã xảy ra sau đó, khi tàu cá và tàu chiến Trung Quốc tiếp tục tiến sâu vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam Cộng Hòa. Đôi bên dùng loa phóng thanh để tuyên bố chủ quyền và yêu cầu đối phương rời đi. Hạm trưởng Vũ Hữu San kể lại, sau một hồi giằng co không đạt kết quả, ông đã húc mũi tàu HQ-4 vào tàu cá 407 của Trung Quốc, khiến tàu Trung Quốc bị hư hỏng nặng phần buồng lái.
Cuối buổi chiều 17-1, hai chiếm hạm Kronstadt trang bị hải pháo 100 và 37 ly, mang số hiệu 271 và 274, của Trung Quốc xuất hiện. Hai tàu Trung Quốc tiến nhanh về phía HQ-16 và HQ-4 để uy hiếp. Đáp lại, tàu Việt Nam Cộng Hòa sử dụng đèn hiệu để yêu cầu tàu đối phương rời đi. Sau khoảng 60 phút vờn nhau, hai tàu chiến Trung Quốc lui về đậu gần đảo Quang Hòa và Duy Mộng.
Qua ngày 18-1, các chiến hạm Trung Quốc tăng cường các hoạt động khiêu khích, mà theo nhận định của phía Việt Nam Cộng Hòa là muốn tái chiếm đảo Hữu Nhật. Trung tá Lê Văn Thự nhớ lại: “Khoảng 10 giờ sáng ngày 18-1-1974, Đại tá Hà Văn Ngạc ra lệnh cho tôi đưa viên cố vấn Mỹ lên đảo Hoàng Sa, sau đó cho toán người nhái đổ bộ lên đảo Quang Hòa và một toán của HQ-16 lên giữ đảo Quang Ảnh. Sau khi đưa viên cố vấn Mỹ lên đảo Hoàng Sa, tôi vận chuyển HQ-16 bên trong lòng chảo để đến gần đảo Quang Hòa đổ bộ toán người nhái lên đảo thì một tàu Trung Cộng xuất hiện, cản trước mũi, không cho tàu tôi tiến gần đến đảo.
Tôi phải ngưng máy, vận chuyển để tránh đụng tàu. Nhưng cả hai tàu cũng cọ vào nhau làm dẹp một số trụ căng dây an toàn chung quanh tàu Trung Cộng và làm rách bè nổi của tàu Trung Cộng. Nhờ xáp lại gần, tôi thấy tàu Trung cộng số hiệu 271, dài chừng 70 mét, có súng tương đương với súng 76.2 ly, 40 ly, 20 ly và đại liên 12-7 của tàu tôi. Tàu Trung Cộng nhỏ hơn tàu tôi nhưng vận chuyển nhanh nhẹn hơn.
Tôi báo cáo với Đại tá Ngạc những gì xẩy ra. Sau đó tôi lái tàu ra khỏi lòng chảo và đổ bộ toán người nhái vào mặt ngoài biển (mặt nam) của đảo Quang Hòa vào chiều ngày 18-1-1974.
HQ-16 chỉ ở cách xa bờ một, hai hải lý rồi người nhái thả xuồng cao su có trang bị máy mà chạy vào bờ chứ HQ-16 không thể vào sát bờ được vì đá ngầm và san hô. Toán người nhái rời tàu chừng non một tiếng thì gọi máy báo cáo là ở trong bờ bắn ra. Tôi hỏi người liên lạc máy là có thấy người ở trên bờ không và các anh đã lên được bờ chưa? Họ trả lời là đang lội nước ngang ống chân, còn chừng vài chục thước nữa mới tới bờ…
Vài phút sau thì nghe báo cáo là một thiếu úy người nhái bị bắn chết. Họ xin rút lui vì không thể vào bờ an toàn được. Tôi báo cáo với Đại tá Ngạc và xin cho người nhái rút lui. Toán người nhái đã trở về lại HQ-16”. Viên cố vấn Mỹ mà ông Thự đề cập là Gerald Kosh, một nhân viên của Phòng tùy viên quốc phòng Mỹ tại Việt Nam (DAO).
Trong buổi chiều và tối 18, hai bên ở trong thế kiềm chế lẫn nhau, sử dụng loa, đèn hiệu hoặc di chuyển để đẩy đuổi đối phương. Những diễn biến căng thẳng này vào ngày hôm sau sẽ dâng lên đến đỉnh điểm, trở thành một trận hải chiến ngắn ngủi nhưng khốc liệt mà kết cục của nó trở nên vô cùng đau đớn cho đất nước Việt Nam. (còn tiếp)
Nguồn TNO
Nguồn ảnh lấy từ tài liệu: “Thế giới lên án Trung Cộng xâm lăng Hoàng Sa của VNCH” của Cục Tâm Lý Chiến-Tổng Cục CTCT-Quân Lực VNCH năm 1974
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 3: Tương quan lực lượng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065