Không chấp hành tín hiệu đèn đỏ hay đèn vàng cũng bị phạt với mức như nhau là không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ. Trong ảnh, người tham gia giao thông chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông ở nội ô thị xã Đồng Xoài - Ảnh: S.H
Có thể khẳng định rằng, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định chặt chẽ hơn, chế tài xử phạt tương ứng hơn với tính chất, mức độ, hậu quả của các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Và nghị định này được kỳ vọng sẽ bảo đảm tính răn đe, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngay sau khi nghị định này được ban hành, dư luận đã có không ít ý kiến băn khoăn về tính khả thi của một số quy định trong nghị định này, vì nó không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ hiện hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Thứ nhất là tại Điểm a, Khoản 5, Điều 5 về xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ có quy định: Phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Tại Điểm c, Khoản 4, Điều 6 về xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ có quy định như sau: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;... Tại Điểm g, Khoản 4, Điều 7 về xử phạt người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng (sau đây gọi chung là xe) vi phạm quy tắc giao thông đường bộ đã quy định: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông. Tại Điểm h, Khoản 2, Điều 8 về xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ quy định: Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Với quy định này thì người không chấp hành tín hiệu đèn đỏ hay đèn vàng cũng bị phạt với mức như nhau và như vậy là không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ. Vì, người có hành vi vượt tín hiệu đèn vàng trong khi đang tiếp tục di chuyển khác về tính chất, mức độ đối với việc vượt đèn đỏ. Người tham gia giao thông có hành vi vượt đèn tín hiệu vàng có thể do vô ý nhưng với người có hành vi vượt đèn đỏ thường là lỗi cố ý. Đồng thời, tín hiệu đèn vàng thường xuất hiện nhanh và nếu người có thẩm quyền xử phạt ở gần bên thì mới xác định được thời điểm mà người điều khiển phương tiện khi đó đã qua trước vạch dừng hay chưa? Và chính quy định này sẽ gây khó khăn cho người thực thi, đồng thời còn có thể gây tranh cãi giữa người thực thi công vụ và người tham gia giao thông. Và nếu như chuyện này xảy ra trên đường phố thì quả là rất phản cảm. Hơn nữa, trong nghị định đã quy định rõ là người có hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, thì bị phạt. Như vậy, nếu chỉ phạt người vượt đèn vàng mà không phạt người có hành vi vi phạm khi có đèn xanh là cũng không công bằng. Vì khi có tín hiệu đèn xanh, nhưng người điều khiển phương tiện vẫn cố tình dừng làm ách tắc, cản trở nhiều người ở phía sau.
Điều bất cập thứ hai là ở Khoản 9, Điều 6 về xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, với quy định như sau: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; Dùng chân điều khiển xe; Ngồi về một bên điều khiển xe; Nằm trên yên xe điều khiển xe; Thay người điều khiển khi xe đang chạy; Quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe; Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị; Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh; Điều khiển xe thành nhóm từ 2 (hai) xe trở lên chạy quá tốc độ quy định. Đây là nhóm hành vi lỗi đua xe trái phép và có mức phạt hoàn toàn giống với mức phạt quy định tại Khoản 7, Điều 6 của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP. Trong khi đó, các hành vi vi phạm khác ở Nghị định số 171/2013/NĐ-CP khi chuyển sang Nghị định số 46/2016/NĐ-CP đều được tăng mức phạt. Vì vậy, quy định này là không công bằng, đó là chưa nói đến việc hành vi đua xe trái phép có thể mang lại cho xã hội hậu quả rất nghiêm trọng. Do đó, dư luận không đồng tình với mức phạt quy định ở khoản này.
Từ những phân tích này, rất mong Bộ Công an xem xét lại những bất cập trên và sớm ban hành thông tư hướng dẫn, để bảo đảm sự đồng thuận của người dân khi thực thi. Đồng thời, các cơ quan được giao soạn thảo nghị định cần nghiên cứu kỹ các nội dung và đưa ra để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của người dân. Có như vậy thì khi văn bản quy phạm pháp luật một khi được ban hành sẽ tránh được sai sót, bất cập và sớm đi vào cuộc sống.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065