Phụ hồ kiếm tiền vào đại học
Vừa rời sách vở sau kỳ thi đại học, Nguyễn Hữu Trường, học sinh lớp 12A1, trường THPT Ngô Quyền (Bù Gia Mập) xin đi phụ hồ để kiếm tiền nuôi ước mơ vào đại học. Hoàn cảnh gia đình Trường rất khó khăn khi chỉ có mẹ là lao động chính, nuôi 3 anh em, trong đó 2 người đang đi học. Trường chia sẻ: Bố mất lúc em vừa lên lớp 6. Gánh nặng kinh tế gia đình đều dồn lên vai mẹ. Lo sợ mẹ gục ngã, chúng em đã tự bảo ban nhau sống tự lập và thương mẹ nhiều hơn.
Nguyễn Hữu Trường (trái) - Điểu Việt Minh Chí
Ít ai biết được đã nhiều năm nay ngoài giờ lên lớp, thời gian còn lại Trường ra chợ Long Hà phụ dì bán cá và làm thịt gà thuê. Buổi tối, Trường cùng em gái cạo vỏ lụa hạt điều để kiếm thêm tiền. Tuy đã dành gần hết thời gian bươn chải với cuộc sống nhưng em là học sinh khá, giỏi suốt 12 năm học. Trường nói: Nhận được giấy báo em đậu cả 2 trường đại học Công nghệ và Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, mẹ vui lắm. Để mẹ bớt phần lo lắng, em đã xin đi làm phụ hồ để có tiền nhập học. Trước ngày em đi thi đại học, mẹ đã mượn 2 triệu đồng cho em làm lộ phí, đến nay chưa trả được.
Trường cho biết, đây là lần thứ 2 em được nhận học bổng. Số tiền lần này em sẽ trích một phần mua áo quần, sách vở cho em gái chuẩn bị vào lớp 10, còn lại em để nhập học. Trường hồ hởi: Bước đầu em sẽ xin ở ký túc xá và đi phụ ở các quán để có tiền trang trải cuộc sống. Nếu cần thiết, em sẽ vay nguồn vốn sinh viên. Các năm sau, khi quen đường em sẽ xin đi làm gia sư.
Cô Lê Thị Thúy, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1, trường THPT Ngô Quyền cho biết: Sự nỗ lực vươn lên để nuôi dưỡng ước mơ của Trường khiến nhiều bạn đồng trang lứa ngỡ ngàng. Trong mắt thầy cô, Trường là một học sinh nhanh nhẹn, có tinh thần cầu tiến và là tấm gương sáng cho nhiều người học hỏi.
Tự hào là sinh viên người Xêtiêng
Dáng người thấp nên khi gặp mặt ít ai biết Điểu Việt Minh Chí đã là sinh viên năm thứ 4 khoa Kỹ thuật Hóa học, trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh. Chí kể: Ba mẹ chia tay khi em vừa 3 tuổi. Lúc đó còn quá nhỏ nên em chưa cảm nhận hết sự thiệt thòi, mất mát khi không được sống cùng ba mẹ. Chí lớn lên trong vòng tay của bà nội (nay đã 70 tuổi) và gia đình người chú. Tuy cuộc sống vất vả và thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ nhưng từ nhỏ Chí đã rèn cho mình thói quen học tập và tự lập trong cuộc sống nên bớt bỡ ngỡ với môi trường sinh viên. Do ba mẹ đã có cuộc sống riêng nhưng kinh tế khó khăn nên thỉnh thoảng em mới được ba hoặc mẹ về thăm trong chốc lát. Ngay cả khi vào đại học, nguồn chu cấp chủ yếu cho em vẫn từ người dì, cô, mà cũng lúc có lúc không.
Nhờ chi tiêu hợp lý và sống tiết kiệm đã giúp Chí vượt qua 3 năm học đại học. Sống trong ký túc xá của trường, để có tiền đóng học phí, trang trải cuộc sống, Chí vay vốn sinh viên và đi dạy thêm. Thi thoảng em được nhận học bổng dành cho sinh viên nghèo vượt khó.
Minh Chí cho biết, “phần lớn thời gian em dành cho việc học trên thư viện. Khi có những khoản tiền dành dụm được, em đầu tư mua sách. Việc chăm học và tự giúp em củng cố kiến thức và hệ thống lại một cách khoa học. Tất cả những điều em đã và đang cố gắng là để khi ra trường có việc làm phù hợp để phục vụ quê hương Bình Phước, đặc biệt là bà con dân tộc Xêtiêng”.
Dung Thuyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065