BPO - Tại Khoản 2, Điều 162 là những quy định về thời hạn điều tra trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự có nội dung như sau: 2. Trong trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất 10 ngày trước khi hết hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra. Việc gia hạn điều tra được quy định như sau: a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra 1 lần không quá 2 tháng; b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra 2 lần, lần thứ nhất không quá 3 tháng và lần thứ hai không quá 2 tháng; c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra 2 lần, mỗi lần không quá 4 tháng; d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra 3 lần, mỗi lần không quá 4 tháng.
Thế nhưng tại Khoản 2, Điều 163 quy định về thời hạn tạm giam để điều tra lại có nội dung như sau: 2. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam. Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau: a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 1 lần không quá 1 tháng; b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 1 lần không quá 2 tháng; c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 1 lần không quá 3 tháng; d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 2 lần, mỗi lần không quá 4 tháng.
Căn cứ vào nội dung của Khoản 2, Điều 162 quy định về gia hạn thời hạn tạm giam để điều tra và Khoản 2, Điều 163 quy định về gia hạn thời hạn điều tra trong dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi ta thấy rõ sự bất cập. Cụ thể là theo thời gian được gia hạn tạm giam để điều tra lại ngắn hơn so với thời gian được phép gia hạn để điều tra. Như vậy, nếu trong thực tế xảy ra trường hợp vụ án chưa điều tra xong mà đã hết thời hạn tạm giam, nhưng lại không thể áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, thì các cơ quan chức năng sẽ xử lý như thế nào? Và với trường hợp này, theo suy nghĩ của cá nhân tôi, để không phải vi phạm pháp luật về tố tụng thì chắc chắn cơ quan điều tra sẽ buộc phải khắc phục bằng cách vẫn ban hành bản kết luận điều tra. Sau đó, hồ sơ vụ án vẫn được cơ quan này chuyển hồ cho Viện kiểm sát mặc dù chưa thu thập đầy đủ chứng cứ để xác minh sự thật vụ án.
Với trường hợp này, tất nhiên là Viện kiểm sát sẽ trả hồ sơ và yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra lại. Khi đó, thời hạn tạm giam để điều tra sẽ được bắt đầu lại từ đầu. Tuy nhiên, trong thực tế cũng đã xảy ra không ít trường hợp mặc dù cơ quan điều tra kết luận điều tra vụ án một cách sơ sài, vội vã nhưng viện kiểm sát vẫn dùng làm căn cứ để truy tố bị can ra trước tòa. Chính vì vậy mà trong thời gian qua ở các địa phương trong cả nước nói chung và ở Bình Phước nói riêng đã xảy ra không ít vụ án oan sai. Bên cạnh đó, tỷ lệ án bị sửa, bị hủy, bị trả hồ sơ để điều tra lại chiếm tỷ lệ khá cao ở nhiều nơi. Chính vì vậy, tôi đề nghị sửa đổi thời gian gia hạn tạm giam để điều tra cho phù hợp với thời gian gia hạn điều tra. Vì có như vậy thì việc áp dụng pháp luật mới có sự đồng nhất giữa cơ quan điều tra và các cơ quan tha gia tố tụng.
NV
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065