BP - Bộ luật Hình sự 2015 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27-11-2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. Tuy nhiên, ngay sau khi được công bố, các chuyên gia pháp luật trong cả nước đã phát hiện có nhiều sai sót trong bộ luật này. Vì thế, ngày 29-6-2016, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Vừa qua, Bộ Tư pháp vừa trình Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung các điều của Bộ luật Hình sự 2015, để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành ở Trung ương, địa phương và nhân dân trong cả nước.
Theo dự thảo, Bộ luật Hình sự năm 2015 có 93 điều được sửa đổi, bổ sung, trong đó có 48 điều bị sửa đổi về nội dung và 45 điều chỉ sửa lỗi thuần túy về kỹ thuật. Nhân đây, tôi xin có ý kiến đóng góp sửa đổi Điều 71 và Điều 81. Cụ thể, ở các khoản 1, 2 và 3 của Điều 71 là những quy định về xóa án tích theo quyết định của tòa án, với nội dung như sau: Xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này... Người bị kết án được Tòa án quyết định xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây: 3 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 5 năm; 5 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 5 năm đến 15 năm; 7 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án. Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a khoản này thì thời hạn được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung... Người bị kết án được tòa án quyết định xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại Khoản 2 điều này.
Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên vừa dài dòng, lại khó thực thi vì có nội dung bị thừa, không cần thiết và thậm chí trong thực tế cuộc sống chưa bao giờ xảy ra. Cụ thể là tại Khoản 3 của điều này là hoàn toàn không cần thiết nên nó bị thừa. Bởi một người bị kết án được tòa án quyết định xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định... thì là lẽ đương nhiên tòa án phải xóa án tích. Do đó, tôi đề nghị bỏ Khoản 3 trong Điều 71. Cũng từ phân tích trên, ở Khoản 1 của Điều 71, tôi đề nghị bỏ cụm từ sau: “hoặc hết thời hiệu thi hành bản án” và cụm từ “và khoản 3”. Vì xóa án tích theo quyết định của tòa án được áp dụng đối với người đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án... là lẽ tất nhiên. Vì vậy, trong điều luật không cần thiết phải có cụm từ “hoặc hết thời hiệu thi hành bản án”. Đồng thời, như đã phân tích ở trên, một khi Khoản 3 của điều này không cần thiết thì trong Khoản 1 cũng không nên để lại cụm từ “và khoản 3”.
Đồng thời, việc bỏ Khoản 3 trong Điều 71 và sửa đổi, bổ sung nội dung như phân tích ở trên là để cho phù hợp với nội dung của Điều 61 về không áp dụng thời hiệu thi hành bản án. Cụ thể, tại Điều 61 có quy định như sau: Không áp dụng thời hiệu thi hành bản án đối với các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này.
Về quy định cấm huy động vốn, tại Điều 81 có quy định như sau: Cấm huy động vốn được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án huy động vốn thì có nguy cơ tiếp tục phạm tội. Các hình thức cấm huy động vốn bao gồm: Cấm vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc các quỹ đầu tư; Cấm phát hành, chào bán chứng khoán; Cấm huy động vốn khách hàng; Cấm liên doanh, liên kết trong và ngoài nước; Cấm hình thành quỹ tín thác bất động sản. Tòa án quyết định áp dụng một hoặc một số hình thức cấm huy động vốn quy định tại khoản 2 Điều này. Thời hạn cấm huy động vốn là từ 1 năm đến 3 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
Theo ý kiến của cá nhân tôi thì cách dùng từ như Điểm a, Khoản 2 của điều này: Cấm vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc các quỹ đầu tư, là không phù hợp với tình hình thực tế của đất nước ta hiện nay. Vì ở nước ta hiện nay không những chỉ có ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư, mà quỹ tín dụng cũng có chức năng cho vay vốn. Trong khi đó, hiện chúng ta lại có Ngân hàng Nhà nước, nhưng đây chỉ là cơ quan quản lý chuyên ngành chứ không phải là đơn vị kinh doanh tiền. Vì vậy, tôi đề nghị thay cụm từ “cấm vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc quỹ đầu tư” bằng cụm từ “các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc các quỹ đầu tư” tại Điểm a, Khoản 2 của điều này.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065