BP - Điều 151 trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi là những quy định về việc khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại, với nội dung như sau: Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 106, 107, 108, 109, 110, 111, 113, 115, 123, 124, 144, 147, 173 của Bộ luật Hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện theo pháp luật của bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án. Bị hại hoặc người đại diện theo pháp luật của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.
Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trong dự thảo nêu trên là không hợp lý. Thứ nhất là vì ngay trong Bộ luật Hình sự hiện hành và trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi cũng chỉ cho rằng các trường hợp thuộc Điều 13 Bộ luật Hình sự thì mới không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, tại Điều 13 của Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định như sau: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại Khoản 1 điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Vì vậy, tôi kiến nghị ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung nội dung của Điều 151 trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng này. Vì chỉ có những người hoàn toàn mất khả năng nhận thức hoặc thể chất có những vấn đề như: liệt, thiểu năng trí tuệ... hoàn toàn không thể điều khiển suy nghĩ, hành động, không thể hiểu được hành vi và hậu quả hành vi yêu cầu truy tố vụ án hình sự mới được liệt vào diện này. Hơn nữa, vấn đề đại diện của người đã chết hiện vẫn còn nhiều tranh cãi chưa rõ ràng. Ví dụ như trường hợp nếu trước khi chết, bị hại không có ý muốn khởi tố nhưng sau khi bị hại chết thì người đại diện theo pháp luật của họ lại yêu cầu khởi tố. Nếu có căn cứ xác minh sự không đồng nhất ý chí như trên thì các cơ quan tham gia tố tụng sẽ xử lý trường hợp này như thế nào?
Góp ý thứ hai trong bài viết này là quy định tại Điều 10 của dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi. Nội dung của điều này là những quy định bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người, với quy định như sau: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, tạm giữ, tạm giam người phải theo quy định của Bộ luật này. Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe đều bị xử lý theo pháp luật.
Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là chưa phù hợp, vì nó chưa thể hiện hết tinh thần của nguyên tắc suy đoán vô tội. Vì vậy, tôi đề nghị ban soạn thảo cần bổ sung thêm quy định sau: Khi không có đủ chứng cứ để chứng minh người bị buộc tội đã thực hiện tội phạm thì tòa án có trách nhiệm tuyên bố người đó không phạm tội. Vì quy định này một mặt nhằm nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cơ quan tham gia tố tụng, như: Cơ quan điều tra, viện kiểm sát trong việc điều tra, thu thập chứng cứ. Mặt khác, có quy định như vậy thì mới có thể hạn chế các vụ án kéo dài từ năm này qua năm khác, xử đi xử lại nhiều lần như hiện nay. Và như vậy là xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065