BPO - Nội dung của Khoản 2, 3 và 4 của Điều 173 trong Bộ luật Tố tụng Dân sự sửa đổi là những quy định về thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp cho cá nhân, với nội dung như sau: 2. Trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo đã chuyển đến nơi cư trú mới và đã thông báo cho tòa án việc thay đổi nơi cư trú thì phải cấp, tống đạt hoặc thông báo theo nơi cư trú mới của họ. 3. Trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo từ chối nhận văn bản tố tụng thì người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo phải lập biên bản trong đó nêu rõ lý do của việc từ chối, có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc đại diện công an xã, phường, thị trấn về việc người đó từ chối nhận văn bản tố tụng. 4. Trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo vắng mặt thì người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo giao cho người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng nơi cư trú với họ hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc để thực hiện việc ký nhận và yêu cầu người này cam kết giao lại tận tay ngay cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo. Trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ thì người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc cấp, tống đạt hoặc thông báo, có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc đại diện công an xã, phường, thị trấn; đồng thời, thực hiện thủ tục niêm yết công khai văn bản cần tống đạt theo quy định tại Điều 175 của bộ luật này.
Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì quy định như trên trong dự thảo là sẽ rất khó khăn trong việc tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự. Bởi vì thực tế cho thấy không phải lúc nào đương sự cũng có mặt tại nơi cư trú để nhận văn bản.
Bên cạnh đó, với quy định như ở khoản của điều này: Trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo từ chối nhận văn bản tố tụng thì người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo phải lập biên bản trong đó nêu rõ lý do của việc từ chối, có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc đại diện công an xã, phường, thị trấn về việc người đó từ chối nhận văn bản tố tụng..., thì chẳng khác nào gây khó cho người tống đạt. Đó là chưa kể tới việc nếu như người nhận tống đạt ở vùng sâu, vùng xa thì việc thực thi quy định này vô cùng khó khăn và tốn kém thời gian. Đồng thời, theo xu hướng giảm thủ tục hành chính mà quy định như trên vừa nhiêu khê, vừa phải tăng biên chế mới có khả năng thực hiện đúng quy định như trên.
Bên cạnh đó, với việc quy định phải niêm yết công khai văn bản cần tống đạt theo quy định tại Điều 175 của Bộ luật này, trong trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ, cũng sẽ gây không ít phiền phức, nhiêu khê cho người tống đạt. Vì việc này có nghĩa là người thực thi nhiệm vụ tống đạt phải niêm yết bản chính tại trụ sở tòa án, hoặc tại trụ sở của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận tống đạt cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng và nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt hoặc thông báo.
Từ phân tích trên, tôi đề nghị giữ lại Khoản 2 và 3 trong Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành và bổ sung vào dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự sửa đổi. Nội dung của Khoản 2 và 3 như sau: 2. Trong trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo vắng mặt thì văn bản tố tụng có thể được giao cho người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với họ ký nhận và yêu cầu người này cam kết giao lại tận tay ngay cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo. Ngày ký nhận của người thân thích cùng cư trú được coi là ngày được cấp, tống đạt hoặc thông báo. Trong trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo không có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú hoặc có nhưng họ không chịu nhận hộ văn bản tố tụng thì có thể chuyển giao văn bản đó cho tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, khóm, buôn, phum, sóc (sau đây gọi chung là tổ trưởng tổ dân phố), ủy ban nhân dân, công an xã, phường, thị trấn nơi người được cấp, tống đạt hoặc thông báo cư trú và yêu cầu những người này cam kết giao lại tận tay ngay cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo. 3. Trong trường hợp việc cấp, tống đạt hoặc thông báo qua người khác thì người thực hiện phải lập biên bản ghi rõ việc người được cấp, tống đạt hoặc thông báo vắng mặt, văn bản tố tụng đã được giao cho ai; lý do; ngày, giờ giao; quan hệ giữa họ với nhau; cam kết giao lại tận tay ngay văn bản tố tụng cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo. Biên bản có chữ ký của người nhận chuyển văn bản tố tụng và người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo, người chứng kiến.
Có như vậy thì việc tống đạt sẽ thuận tiện hơn, vì người tống đạt sẽ đễ dàng thực thi công việc của mình, đồng thời vẫn đảm bảo được văn bản cần tống đạt đến tay người nhận. Hơn nữa, quy định như trên sẽ không làm bộ máy thừa phát lại phình ra hoặc bộ phận làm công việc tống đạt phải tăng thêm biên chế.
NV
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065