Tại Khoản 3, Điều 9, trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có quy định như sau: 3. Nhóm đất chưa sử dụng bao gồm các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng. Nếu quy định như trên quả là quá chung chung và vô cùng khó hiểu, đồng thời dẫn đến việc thực thi luật không hiệu quả. Vì thế, tôi đề nghị ở khoản này cần làm rõ khái niệm như thế nào là “các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng”.
Vì trong thực tế hiện nay, khi thống kê đất, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và ngành tài nguyên - môi trường ở các tỉnh, thành phố thường đưa ra số liệu không thống nhất. Lý do vì cách thống kê loại đất chưa sử dụng không thống nhất. Cụ thể là ngành nông nghiệp thì thống kê theo loại đất rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng, trong đó thường bao gồm cả một số diện tích đất trống đồi núi trọc chưa sử dụng. Còn ngành tài nguyên - môi trường thì thống kê đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng chỉ thống kê đất có rừng, đất trống đồi núi trọc thì cho vào loại đất chưa sử dụng. Vì vậy, tôi đề xuất là trong dự thảo luật cần nói rõ về loại đất này để có sự thống nhất chung.
Việc giao cho cấp huyện thực hiện việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là không cần thiết - Ảnh: C.Trung
Tại Khoản 7, Điều 34 quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dung đất với nội dung như sau: 7. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đảm bảo ưu tiên quỹ đất cho các mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là chưa phù hợp, chưa đầy đủ, đồng thời khó ngăn chặn được tình trạng quy hoạch treo, quy hoạch chồng chéo và quy hoạch không đúng với mục đích sử dụng, thậm chí là quy hoạch với mục đích xí phần. Thực tế từ nhiều năm qua cho thấy, ở không ít địa phương thực hiện quy hoạch đất phát triển công nghiệp, đất đô thị và thủy lợi, thủy điện ngay cả trên đất trồng lúa, đất trồng hoa màu, đất rừng đặc dụng hoặc đất rừng phòng hộ... Cụ thể là đã có tỉnh nông nghiệp và lúa là cây trồng chủ lực, nhưng lại quy hoạch xây dựng tới 13 sân gôn trên diện tích trồng lúa. Điều này nếu diễn ra thì an ninh lương thực của Việt Nam trong những thập niên tới sẽ như thế nào. Vì vậy, ở Khoản 7 của Điều 34 theo tôi cần được chỉnh sửa, bổ sung và viết lại như sau: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đảm bảo ưu tiên quỹ đất cho các mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; duy trì diện tích trồng lúa, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và trồng rừng che phủ đồi núi trọc để bảo vệ môi trường.
Cũng với Điều 37, theo ý kiến của cá nhân tôi thì cần phải bổ sung thêm một khoản mới. Vì đây là điều quy định về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mà như chúng ta đã biết, đất đai thuộc loại nguồn quốc lực vô cùng quý và có giới hạn nên phải thực hiện trên nguyên tắc triệt để tiết kiệm, có hiệu quả. Do đó, tôi đề nghị ở Điều 34 cần bổ sung thêm khoản thứ 8 với nội dung như sau: 8, Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải tiết kiệm và có hiệu quả.
Đồng thời, xuất phát từ quan điểm trên, tôi đề nghị trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi không nên giao quyền cho cấp huyện thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (ngoại trừ việc lập các đặc khu kinh tế, thì Nhà nước thực hiện cơ chế đặc biệt). Lý do là thực tế từ nhiều năm nay cho thấy, việc quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng đất ở cấp huyện không hiệu quả, do thiếu cán bộ có năng lực chuyên môn. Bên cạnh đó, việc giao nhiệm vụ quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng đất hiện nay chưa thống nhất. Hiện nay công việc này ở cấp huyện có nơi thì giao cho phòng địa chính, có nơi lại giao cho phòng kinh tế kỹ thuật hoặc phòng quản lý đô thị (đối với thị xã, thành phố thuộc tỉnh và quận đối với thành phố trực thuộc Trung ương).
Hơn nữa, cấp huyện là đơn vị hành chính trị thuộc tỉnh, phạm vi hành chính, cũng như tầm ảnh hưởng rất hạn hẹp. Mặt khác, theo quy định hiện hành thì khi xây dựng các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở cấp huyện phải gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế đã có quy hoạch sử dụng đất của cấp tỉnh. Và một lý do nữa là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện phải được thông qua Hội đồng nhân dân. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 43 trong Dự thảo Luật đất đai sửa đổi có quy định như sau: 4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt... Nhưng hiện nay, chúng ta đang thực hiện thí điểm bỏ HĐND cấp huyện. Vì vậy, việc giao cho cấp huyện thực hiện việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là không cần thiết.
Hồ Văn
(Hội Luật gia tỉnh)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065