BP - Nội dung của Điều 366 trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi là những quy định về các khung hình phạt đối với tội tham ô tài sản. Theo đó, điều này có nội dung như sau: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 2-7 năm: Gây hậu quả nghiêm trọng; Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Có tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; Phạm tội từ 2 lần trở lên; Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; Gây hậu quả rất nghiêm trọng. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trong khi đó, tại Khoản 4, Điều 278 trong Bộ luật Hình sự hiện cũng là những nội dung quy định về tội tham ô tài sản, nhưng lại có quy định như sau: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác. Như vậy, trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đã bỏ khung hình phạt cao nhất là “tử hình” đối với tội tham ô tài sản. Có ý kiến cho rằng quy định như vậy là phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì ngày nay, nhiều nước trên thế giới đã bỏ hình phạt tử hình. Lại có người cho rằng, nếu người phạm tội này mà có tinh thần, trách nhiệm khác phục hồi hậu quả hoặc có thành tích xuất sắc trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của người khác, thì... nên cho họ có cơ hội sửa sai. Điều này còn thể hiện tính nhân văn, nhân đạo trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, trên đây cũng chỉ là những ý kiến cá nhân và mới chỉ nhìn phiến diện từ góc độ nhân đạo. Còn theo suy nghĩ của cá nhân, tôi hoàn toàn không đồng ý với việc sửa đổi như trên vì các lý do như sau:
Thứ nhất là việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh này trong thời gian này là chưa đúng, chưa phù hợp với thực tế tình hình của nước ta. Vì hiện nay, ở nước ta còn quá nhiều vụ án tham ô tài sản của nhà nước nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. Điều đáng lo ngại hơn là trong lúc nạn tham ô, tham nhũng diễn ra ở quá nhiều nơi, nhiều lĩnh vực và ngành nghề. Trong khi đó, việc áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình từ nhiều năm nay nhưng thực tế vẫn chưa ngăn chặn được “quốc nạn tham nhũng”. Vì thế, nếu bỏ khung hình phạt “tử hình” đối với tội tham ô tài sản, xét ở góc độ nào đó cũng giống như việc tạo điều kiện cho những kẻ làm liều, những kẻ sẵn sàng “hy sinh đời bố để củng cố đời con”.
Thứ hai là với hành vi tham ô tài sản của nhà nước cũng là hành vi ăn cắp, ăn cướp tài sản của nhân dân. Vì ai cũng biết rõ rằng, ngân sách nhà nước là nguồn thu từ thuế mà ra. Mà thuế là do toàn dân và các loại hình doanh nghiệp đóng góp. Vì thế, nếu bỏ án tử hình thì sẽ chẳng khác nào tạo điều kiện cho những người có chức, có quyền trong bộ máy nhà nước thực hiện hành vi tham ô tài sản, nhưng lại không bị luật pháp xét xử nghiêm minh. Và điều này vô hình trung sẽ làm gia tăng hành vi tham ô, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế và niềm tin của người dân vào hệ thống pháp luật, vào bộ máy của nhà nước, vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thứ ba, điều lo ngại hơn là từ chỗ làm giảm lòng tin của nhân dân vào hệ thống pháp luật, hệ thống chính trị sẽ là cơ hội cho các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” đối với những kẻ bất mãn, những kẻ tự đánh mất niềm tin, những kẻ phạm pháp. Và như vậy sẽ làm tăng nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong xã hội. Thực tế lịch sử đã chứng minh 85 năm từ ngày có Đảng, mọi người dân Việt Nam đều chung một mong muốn là có một hệ thống pháp luật nghiêm minh, có một chính phủ hiệu quả, bộ máy nhà nước là “của dân, do dân và vì dân”. Vì lý do trên, tôi đề nghị không bỏ án tử hình đối với tội tham ô. Đồng thời, ban soạn thảo cần bổ sung các điều, khoản quy định cụ thể, rõ ràng về thời hạn thi hành án tử hình sau khi bản án có hiệu lực trong Bộ luật Tố tụng hình sự để đảm bảo tính công minh trong thi hành án.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065