BP - Điều 314 trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi là những quy định về tội bắt cóc con tin, với nội dung như sau: Người nào bắt giữ, giam người làm con tin và đe dọa giết, làm bị thương hoặc tiếp tục giam người đó nhằm cưỡng ép một quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân phải làm hoặc không làm một việc như một điều kiện để thả con tin thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với phụ nữ mà biết là đang có thai, người chưa thành niên, người già từ 70 tuổi trở lên; Phạm tội đối với người thi hành công vụ; Đối với từ 2 người trở lên; Gây hậu quả nghiêm trọng. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Người chuẩn bị phạm tội theo khoản 3 Điều này thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Như vậy, ở tội danh này, dự thảo đã bỏ khung hình phạt cao nhất là tử hình. Tôi hoàn toàn nhất trí với đề xuất này. Tuy nhiên, trong nội dung của điều luật còn có nhiều vấn đề cần được cụ thể, rõ ràng hơn thì tính khả thi mới cao và luật mới thực sự đi vào cuộc sống, mới có sức răn đe và ngăn chặn tội phạm. Cụ thể là ở Khoản 2 của điều này có những khái niệm như sau: ...Gây hậu quả nghiêm trọng. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng... Đây là những quy định rất trừu tượng, không thể định lượng, định tính và với quy định này thì vô tình gây khó cho thẩm phán trong lượng hình khi xét xử. Vì không ai biết rõ như thế nào mới là “gây hậu quả nghiêm trọng” và thế nào là “gây hậu quả rất nghiêm trọng” hoặc “đặc biệt nghiêm trọng”. Liệu có phải người thực hiện hành vi bắt cóc con tin và làm cho con tin bị thương dẫn đến tàn tật vĩnh viễn, hoặc dẫn đến chết người?
Bên cạnh đó, bất cập thứ hai trong điều này là ở quy định: Đối với phụ nữ mà biết là đang có thai... Thực tế đời sống cho thấy, phụ nữ có thai phải từ tháng thứ 4 hoặc thứ 5 thì mới dễ nhận biết. Nếu phụ nữ mới mang thai từ tháng thứ nhất cho đến tháng thứ 3, nếu nhìn bên ngoài thì khó ai có thể nhận biết rõ. Trong trường hợp khi phạm tội mà người bị hại nói cho kẻ phạm tội biết rằng mình đang có thai thì định tội như thế nào? Và trong trường hợp này, người phạm tội có bị áp dụng tình tiết tăng nặng hay không? Cũng trong Khoản 2 của điều này, còn bất cập nữa đối với các trường hợp “người chưa thành niên, người già từ 70 tuổi trở lên” vì những trường hợp này cũng tương tự như đối với người có thai. Vì thực tế có người nhìn bên ngoài ai cũng tưởng là ngoài 70 tuổi nhưng thực tế mới hơn 60 tuổi và người vị thành niên cũng vậy.
Điều 133 trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi là những quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Và tại Khoản 4 của điều này có quy định như sau: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Làm chết từ 2 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho từ 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể mỗi người từ 61% trở lên; Gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này; Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác. Như vậy, ở tội danh này có khung hình phạt cao nhất chỉ là chung thân. Và điều muốn nói ở đây là ranh giới giữa tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người với tội giết người rất mong manh, thậm chí có khi là không thể phân biệt đâu là hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người và đâu là hành vi giết người. Cụ thể, tại các điểm a, b, c, d, đ của Khoản 1, Điều 93 trong Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định: Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: Giết nhiều người; Giết phụ nữ mà biết là có thai; Giết trẻ em; Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;... Thế nhưng trong Điều 133 của dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi lại quy định: Người nào cố ý gây thương tích... làm chết từ hai người trở lên... cũng chỉ bị phạt tù với mức án cao nhất là chung thân.
Bất cập ở đây, từ hai người chết trở lên được xem là nhiều người nhưng ở tội giết người thì mức án là tử hình, còn tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết từ hai người trở lên nhưng lại chỉ bị phạt mức án chung thân. Và cũng theo quy định “từ hai người trở lên”, vậy nếu một người cố ý gây thương tích nhưng dẫn đến làm chết ba, bốn và thậm chí là năm hay sáu người thì cũng chỉ bị phạt chung thân là không công bằng, không nghiêm minh và không có sức răn đe, ngăn chặn tội phạm. Trong khi đó, theo quy định ở tội giết người trong Điều 93 của Bộ luật Hình sự hiện hành thì giết một người nhưng biết người đó đang có thai cũng bị xử phạt tử hình. Người đang mang thai cũng chỉ là một người chứ không thể gọi là hai người hoặc người đó đang mang song thai thì cũng không thể gọi là ba người.
Vì vậy, tôi kiến nghị ban soạn thảo cần xem xét, phân tích kỹ và có điều chỉnh nội dung của các điều luật trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi để phù hợp với thực tế và đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh trong pháp luật hình sự.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065