Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Xã Bình Minh, huyện Bù Đăng có 42% số dân là đồng bào DTTS (1.079 hộ/4.681 người) với 14 thành phần dân tộc anh em, trong đó, đa số là đồng bào Stiêng với 524 hộ/2.576 người. Các dân tộc anh em trên địa bàn có sự giao thoa về phong tục, tập quán sản xuất tạo nên nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc là niềm đau đáu đối với nhiều người. Và ông Điểu Lên, người có uy tín ở thôn Bom Bo, xã Bình Minh lại càng trăn trở hơn ai hết. “Hiện nay, với xu thế toàn cầu hóa đã làm cho bản sắc văn hóa các DTTS nói chung và dân tộc S’tiêng nói riêng bị mai một. Tại thôn, những ngôi nhà gỗ, nhà dài, lá tranh, lá mây, vách lồ ô - nét văn hóa đặc trưng của người S’tiêng cũng dần thay bằng nhà xi măng kiên cố; đàn ông đóng khố, phụ nữ mặc váy thổ cẩm cũng được thay bằng những bộ quần áo hiện đại. Đặc biệt, ngày nay lớp trẻ không mấy mặn mà với những công việc thủ công truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm... Vì thế, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các DTTS nói chung và người Stiêng nói riêng phải được chú trọng và làm ngay” - ông Điểu Lên nói.
Là người có uy tín ở thôn, đồng thời là thành viên Ban quản lý Khu bảo tồn văn hóa dân tộc Stiêng sóc Bom Bo, ông Điểu Lên đã phối hợp các cấp chính quyền, người có uy tín tuyên truyền và vận động bà con tham gia tổ sản xuất rau nhíp, tổ ẩm thực, dệt thổ cẩm nhằm duy trì văn hóa truyền thống và phục vụ du khách. Am hiểu phong tục, luật tục, nếp sống cộng đồng, ông tích cực phát huy, tuyên truyền, vận động bà con bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp. Cụ thể, ông khuyến khích thế hệ đi trước hướng dẫn nghề đan lát, dệt thổ cẩm, khung cửi cho con cháu; vận động thanh niên phát huy nghề nấu rượu cần; kể cho lớp trẻ nghe những giá trị văn hóa của dân tộc mình như tục cà răng, căng tai, lễ mừng lúa mới...
Qua tuyên truyền, vận động, hiện nay trong thôn Bom Bo đã thành lập 1 tổ dệt thổ cẩm; nghề nấu rượu cần, trồng lá nhíp, đọt mây cũng đang được nhân rộng tạo việc làm, tăng thu nhập cho các gia đình. Mỗi gia đình S’tiêng, bên cạnh tiếng Kinh, họ duy trì giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ dân tộc mình; các vật dụng gắn với đời sống đồng bào được lưu giữ và sử dụng như: cung, nỏ, kèn bầu, chày, cối giã gạo... Trong thôn còn nhiều hủ tục, ông Điểu Lên vừa tuyên truyền, vận động bà con theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” và bản thân tự nêu gương bằng việc phản đối con cháu kết hôn sớm, không thách cưới, không tổ chức ăn uống linh đình mà tiết kiệm phù hợp với kinh tế gia đình.
Chung tay xây dựng nông thôn mới
Thực tế những năm qua cho thấy, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM). Đạt kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ già làng, người có uy tín và sức ảnh hưởng từ các gương cá nhân DTTS sản xuất, kinh doanh giỏi. Điển hình tại xã Tân Thành, TP. Đồng Xoài, người uy tín, già làng thực sự là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, là lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước. Nhờ hiểu rõ lợi ích NTM đem lại, đồng bào đã đóng góp 600 triệu đồng xây dựng 2 tuyến đường nhựa dài 4km; hiến 6.000m2 đất, cưa 650 cây cao su, điều, quýt để làm đường nông thôn và kéo 1 đường điện trung - hạ thế; xây dựng 14 tuyến đường bê tông xi măng dài 18,8km, tổng kinh phí 3.520 triệu đồng. Đồng thời, bà con đã lắp đặt 91 bóng đèn trên 3 tuyến đường với kinh phí 84 triệu đồng; gắn camera an ninh tại khu vực trọng điểm trị giá 25 triệu đồng; tu sửa, mua sắm thêm trang thiết bị nhà văn hóa khu dân cư...
Phát huy tinh thần gương mẫu, những người có uy tín trong đồng bào DTTS còn là hạt nhân trong phát triển kinh tế, vận động đồng bào áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng và chăm sóc các loại cây cao su, điều, tiêu, cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm tăng năng suất, thu nhập gia đình. Nhờ vậy, đến nay, toàn xã có 100 hộ DTTS giàu, 155 hộ DTTS khá, còn 8 hộ nghèo DTTS, phấn đấu đến cuối 2019 sẽ thoát nghèo 100% hộ DTTS. Có được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, năm 2018 Tân Thành được công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Còn đối người dân xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi Điểu Nông là người có uy tín, gương mẫu trong lao động sản xuất và thực hiện chính sách, pháp luật. Anh Điểu Nông xuất thân trong gia đình nông dân, cha mẹ mất sớm, năm 2000 sau khi lấy vợ, anh tích cực lao động và tích cóp tiền mua 2 ha đất cao su canh tác. Có động lực, vợ chồng anh càng chăm chỉ làm việc và mua thêm 2 ha cao su, 1 ha điều cao sản. “Hằng năm, ngoài chăm sóc vườn cao su, tôi kết hợp trồng xen canh cây mì, dưa hấu mỗi năm một vụ để tăng thu nhập, lấy ngắn nuôi dài. Gia đình tôi tích cực học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nên sản lượng mủ cao su luôn ổn định” - anh Điểu Nông cho biết. Nhanh nhạy nắm bắt thị trường, khi có vốn tích lũy, anh vay thêm ngân hàng để đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi gà, đào ao thả cá. Vì vậy, hằng năm gia đình anh thu lời hơn 400 triệu đồng; đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa bàn. Anh đã xây được căn nhà khang trang, mua sắm trang thiết bị trong gia đình tương đối đầy đủ và nuôi 2 con ăn học.
Ngoài chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả kinh tế, anh tích cực tham gia các hoạt động, phong trào tại địa bàn. Trong xây dựng NTM, anh gương mẫu đi đầu, cùng giám sát các công trình xây dựng, tuyên truyền vận động người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS đồng thuận đóng góp thực hiện các công trình. Từ năm 2015, anh là công an viên của ấp thực hiện tuyên truyền giúp người dân nắm bắt, hiểu biết về pháp luật; đồng thời phối hợp Công an xã đi tuần ban đêm đảm bảo trật tự an toàn địa bàn.
Từ thực tế đồng bào còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, anh Điểu Nông tham gia và làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm - vay vốn, tạo điều kiện cho bà con tiếp cận vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, anh luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn trong cuộc sống, vì với anh “làm một việc tốt như thêm một đóa hoa góp hương sắc trong vườn hoa cuộc đời”.
Thanh Trà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065