Người phương Tây, người Nhật Bản, người Hàn Quốc buổi đầu đặt chân đến Việt Nam rất ngạc nhiên khi thấy thanh niên “ngồi vỉa hè uống nước trà” ở Hà Nội và “ngồi lê uống cà phê” ở TP. Hồ Chí Minh sao lại nhiều đến thế. Rồi họ nói với những người bạn Việt Nam của họ rất thẳng thắn, đại ý rằng: Các bạn hay kêu ca các bạn nghèo, đất nước các bạn nghèo. Không nghèo sao được khi các bạn dành thời gian cho làm việc thì ít mà thời gian cho hưởng thụ, cho uống trà đá, hút thuốc lào thì nhiều?
Người Việt Nam thông minh, cần cù, chịu khó. Chúng ta thường hay tự hào như vậy. Bởi điều này không phải do chúng ta tự nhận, mà do bạn bè trên thế giới đánh giá. Nhưng khoan. Hãy bình tĩnh xem liệu đánh giá này có chính xác, đầy đủ, hay là một lời khen xã giao? Thực tế, rất nhiều người Việt Nam được bạn bè thế giới tôn trọng, nể phục tài năng, trí tuệ và cả đức tính cần cù, chịu khó. Song ở góc độ tổng thể cả xã hội, nhìn lại chính mình, không khó nhận ra thời gian và cường độ làm việc của người Việt Nam thấp đến mức nào so với bạn bè ở các nước phát triển. Người Việt Nam có tư tưởng hưởng thụ, cầu chỉ “vừa đủ xài”, có bao nhiêu xài bấy nhiêu... Nhiều người còn cho rằng mình xài cho nhiều là góp phần kích cầu tiêu dùng; nghỉ dưỡng, đi chơi nhiều là góp phần thúc đẩy nền du lịch... chứ không đặt lên trước việc tạo ra của cải và đóng góp cho xã hội.
Xã hội thuần nông xưa, nhà nông phụ thuộc vào nông lịch tính bằng thủy triều và theo mùa... Vì thế tháng giêng là thời điểm nông dân ít việc nhất trong năm. Đây cũng là tháng có nhiều lễ hội nhất (cả nước có gần 10 ngàn lễ hội) và câu thành ngữ “Tháng giêng là tháng ăn chơi” ra đời từ đó. Chính vì thế, tết đã qua, công chức, viên chức đi làm đến nay tròn 1 tuần nhưng hoạt động tại nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn chệch choạc, rời rạc, kém hiệu quả. Hương vị tết vẫn còn khá đậm đặc. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức đến cơ quan chủ yếu để điểm danh, tới trưa hoặc đến cuối giờ chiều là tiếp tục ăn tết tại từng gia đình bạn bè, đồng nghiệp. Điều này chỉ xảy ra ở nước ta và một số nước chưa phát triển. Còn ở những nước phát triển, thời gian nghỉ lễ Quốc khánh, Noel, đầu năm mới... rất ít, chỉ 1-2 ngày và ngay sau khi nghỉ họ lập tức trở lại guồng máy làm việc công nghiệp rất gắt gao.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2015 năng suất lao động của Việt Nam đạt 3.660 USD, chỉ bằng 4,4% của Singapore, tương đương mỗi người Singapore làm việc có năng suất bằng 23 người Việt cộng lại. Tương tự, năng suất lao động của người Việt Nam chỉ bằng 14,2% của người Hàn Quốc, 17,4% của Malaysia, 35,2% của Thái Lan, 48,5% của Philippines, 48,8% của Indonesia và đến năm 2016, 2017 còn thấp hơn cả Lào. Dĩ nhiên năng suất lao động phụ thuộc nhiều yếu tố, song yếu tố quan trọng nhất vẫn là năng lực lao động. Năng lực lao động đã thua kém, thời gian lao động lại ít ỏi hơn, sao người Việt Nam và đất nước Việt Nam có thể giàu khi không có những mỏ dầu như ở Qatar, Ả Rập, Brunei...?
Dân cường nước thịnh, dân giàu nước mới mạnh, đó là chân lý không thay đổi. Nghèo mà lại vừa lười biếng, vừa ham ăn chơi, ham hưởng thụ thì đến bao giờ mới giàu, mới góp sức làm cho đất nước cường thịnh?
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065