BP - Suối Cần Lê - dòng suối phục vụ nước tưới chủ lực cho một vùng rộng lớn của 2 xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh và Thanh Lương, thị xã Bình Long nhưng gần nửa tháng nay đã cạn trơ đáy. Đưa chúng tôi tới hiện trường, từ lãnh đạo xã đến bí thư chi bộ, trưởng ấp và nhiều người dân của ấp Thanh An, ai nấy đều ngao ngán khi chứng kiến suối Cần Lê trơ đáy. Sự sống còn của 1.000 ha cây trồng các loại, trong đó phần lớn là cây ăn trái của ấp Thanh An đang bị đe dọa nghiêm trọng. Để cứu vườn cây, người dân nơi đây đã lên tỉnh Đắk Lắk mua 100 máy bơm nước công suất lớn, trị giá 30 triệu đồng/máy nhưng suối hết nước, máy phải trùm mền, còn vườn cây thì đang khô héo, chết dần.
“Gần 1 tháng nay, nhiều hộ dân ở đây đã khoan từ 5 đến 10 cái giếng trong vườn để tìm nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Cá biệt, có hộ khoan đến 11 cái nhưng vẫn không có nước” - ông Trần Tuấn Dũng, Trưởng ấp Thanh An, xã Thanh Lương cho biết.
Ở NƠI “RỐN HẠN”
Ông Trần Tuấn Dũng khẩn thiết: “Bà con đã xoay xở hết cách. Tôi thay mặt bà con kiến nghị các cấp chính quyền giúp nhân dân có giải pháp lâu dài để ứng phó với hạn hán. Trước mắt sớm xả nước từ thượng nguồn về để dân có nước sinh hoạt và cứu lấy vườn cây”.
Nhà máy cấp nước sinh hoạt cho thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp đã xây dựng xong năm 2015, nhưng đến nay chưa hoạt động vì... chưa có nước - Ảnh: Đông Kiểm
Ông Nguyễn Văn Rộng ở tổ 5, ấp Thanh An có 2,7 ha cam, quýt, xoài, nhãn, bưởi. Vườn cây đang trong thời kỳ ra hoa, đậu trái, thế nhưng không có nước tưới, nhà ông Rộng sẽ bị thất thu hoàn toàn. Riêng cây có múi như cam, quýt, bưởi, trong vòng 1 tháng không có nước tưới, cây sẽ chết là điều tất yếu. “Tôi canh tác cây ăn trái ở vùng đất này hơn 20 năm nhưng chưa năm nào hạn hán khốc liệt và đến sớm như năm nay. 1 ha cây ăn trái đã cho thu hoạch, trị giá không dưới 500 triệu đồng. Nếu không có nước tưới, cây chết, nông dân trắng tay. Chúng tôi chỉ biết mong chờ các cấp có cách gì sớm cứu lấy vườn cây” - ông Rộng kêu cứu.
TÌNH NGƯỜI TRONG CƠN KHÁT
Nước cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày ở khu định canh định cư của 77 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại tổ 4, ấp Thanh An, đang là vấn đề được quan tâm nhất. Năm 2009, từ Chương trình 134 đã khoan 3 giếng nước tập trung, trị giá mỗi giếng 100 triệu đồng do nhà nước đầu tư. Thế nhưng do mạch nước ngầm đã cạn kiệt nên nhiều năm nay nguồn nước không còn đủ để phục vụ cho người dân. Mùa khô năm nay đến sớm và hạn hán gay gắt hơn những năm trước. Đã 1 tháng nay, người dân nơi đây thiếu nước sinh hoạt. May thay, 2 giếng khoan của hộ bà Phan Thị Thanh Tâm là nguồn nước quý giá, cứu bà con. “Mình may mắn có nguồn nước dồi dào cho sinh hoạt và phục vụ tưới 3 ha cây ăn trái, bà con thiếu thì mình cho” - bà Tâm chia sẻ.
Điều đáng quý và trân trọng là việc làm này đã được gia đình bà Tâm duy trì từ năm 2011 đến nay. Mỗi năm khoảng 4 tháng mùa khô, mỗi tháng gia đình bà phải chi trả 5,5 triệu đồng tiền điện để bơm nước nhưng không lấy của bất kỳ hộ nào một đồng. “Nếu không có gia đình cô Tâm cho nước dùng, vào mùa khô bà con không biết lấy đâu ra nước để ăn uống. Chúng tôi rất biết ơn nhà cô Tâm” - chị Thị Lược, hộ dân trong khu tái định cư nói.
CHỦ ĐỘNG ĐỐI PHÓ ĐỂ GIẢM THIỆT HẠI
Mùa khô 2015-2016, theo dự báo của UBND thị xã Bình Long, toàn thị xã có trên 1.300 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng nặng do hạn hán. Trong đó, chủ yếu là cây công nghiệp, cây ăn trái. Gần 6.000 người dân sẽ bị thiếu nước sinh hoạt, tập trung ở xã Thanh Lương và phường Phú Đức. Trước tình hình hạn hán đến sớm và gay gắt, UBND thị xã Bình Long đã có phương án cải tạo, nâng cấp 800 công trình cấp nước; đắp đập tạm, khơi thông dòng chảy gần 7.000m3 đất. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài cần có chiến lược và kinh phí lớn để đầu tư các công trình ngăn dòng, đắp đập trữ nước mới hy vọng hạn chế được tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất tái diễn mỗi mùa khô đến.
Suối Cần Lê đã cạn trơ đáy gần 1 tháng nay
Tại huyện Lộc Ninh, tình hình khô hạn cũng ở mức gay gắt. Một tháng nay, giếng hết nước, nhiều người dân ấp 4, xã Lộc Hưng phải mua nước. Còn ở ấp 7, trên 30 ha cây ăn trái, cây có múi đứng trước nguy cơ mất mùa, cây chết do không còn đủ nước tưới. Trong khi đó, ở 2 ấp Bù Núi A và B, xã Lộc Tấn, khoảng 500 hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt trên 30 hộ thiếu gay gắt.
Hộ ông Đinh Xuân Thu ở ấp Bù Núi A có 2 giếng đào, một giếng đào từ năm 1979 đã tắt nước cách đây 2 năm. Năm 2014, gia đình ông đào thêm 1 giếng, có ít nước nhưng lại dơ bẩn không thể sử dụng nên phải đi xin nước hàng xóm. Thời điểm này, đến xã Lộc Tấn ở đâu cũng bắt gặp cảnh khoan giếng. Thế nhưng, có hộ khoan có nước, có hộ không do kết cấu địa chất nơi đây chủ yếu là đá, không thể khoan sâu được.
Không riêng gì thị xã Bình Long, huyện Lộc Ninh mà nhiều huyện, thị khác cũng đang phải đối diện với tình trạng hạn hán gay gắt. UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 17 ngày 24-11-2015 và Kế hoạch số 27 ngày 2-2-2016 để phòng chống hạn hán trên địa bàn tỉnh, trong đó có dự báo tình hình, phân công, phân nhiệm cho từng ngành, lĩnh vực, huyện, thị. Theo kế hoạch, tuần này, UBND tỉnh sẽ có cuộc họp với các đơn vị để đánh giá tình hình và đề ra phương án cụ thể, sát thực tế hơn nhằm ứng phó với hạn hán được dự báo là gay gắt nhất trong vòng 20 năm qua ở Bình Phước. |
Ông Hoàng Nhật Tân, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh cho biết: Để chủ động phòng tránh, giảm thiệt hại do hạn hán gây ra, từ cuối năm 2015 UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, đề ra nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, khuyến cáo các xã, thị trấn không tăng diện tích trồng rau, củ, quả. Từ sau tết đến nay, các đơn vị chức năng tập trung nạo vét giếng đào, giếng khoan, hướng dẫn người dân sử dụng nước sinh hoạt, sản xuất tiết kiệm, nhất là đối với hồ tiêu. Huyện cũng đã phối hợp với các trạm thủy nông tổ chức vận hành, điều tiết, cân đối lưu lượng nước phù hợp; tiến hành khoan các giếng nước tập trung. Những khu vực đã đấu nối với hệ thống ống nước của nhà máy nước, huyện đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng sớm vận hành, cấp nước cho dân sử dụng. Những điểm thiếu nước sinh hoạt cục bộ, huyện dùng xe bồn chở nước đến cho dân. Phương châm hành động của huyện lúc này là: Phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do hạn hán gây ra là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Không để dân đói, khát, bị dịch bệnh do thiếu nước sinh hoạt, phải sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh.
Theo dự báo của huyện Lộc Ninh, mùa khô năm 2015-2016, toàn huyện sẽ có gần 1.000 ha cây trồng các loại; gần 10.000 người, chiếm gần 10% số dân của huyện sẽ thiếu nước tưới và sinh hoạt. Gay gắt nhất là các xã Lộc Tấn, Lộc Hưng, Lộc Thiện, Lộc Thuận, Lộc Hòa, Lộc Quang.
Quốc Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065