>> Gợi ý bài giải thi tốt nghiệp THPT môn lịch sử
>> Đề thi Ngữ văn hướng về Hoàng Sa và Trường Sa
>> Đìu hiu buổi thi môn lịch sử, thí sinh vắng ngắt
Vụ Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan trên vùng biển Việt Nam vào đề thi Văn
Sáng nay 2-6, thí sinh cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2013 - 2014 với môn thi đầu tiên là ngữ văn. Phần đọc hiểu trong đề thi này nói về việc Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam.
Học sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM sau khi thi tốt nghiệp môn văn |
Nói về đề thi văn sáng nay, thí sinh Huỳnh Văn Hoàng (thi tại Hội đồng thi Trường THPT Quốc Học Quy Nhơn) cho biết: “Câu 1 đề thi năm nay bám sát tình hình thời sự của đất nước, nếu thí sinh nào quan tâm thì sẽ làm được bài. Đề thi nhắc đến vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển của Việt Nam thì đúng là đã “gãi trúng chỗ ngứa” của học sinh nên chúng em làm bài rất kỹ, bạn nào cũng có cơ hội thể hiện sự bức xúc của mình".
Tại TP.HCM, cầm đề thi trên tay, Thúy Nhi, học sinh lớp 12 A10 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM) cho biết: Đề thi văn năm nay khá là bất ngờ nhưng thú vị. Bất ngờ vì câu làm văn 7 điểm ra một trích đoạn trong bài đọc thêm, không phải là trọng tâm. Nhưng hay ở chỗ có sự kết hợp giữa nghị luận văn học và nghị luận xã hội, từ khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba từ đó trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề con người cần được sống là chính mình.
Thúy Nhi chia sẻ thêm: “Đề đọc hiểu thì ra vấn đề Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam, mang tính thời sự nên em đã làm bài thể hiện lòng yêu nước của mình và phản đối Trung Quốc”.
Thí sinh Kim Ngọc (lớp 12A7 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM) chia sẻ: đề thi năm nay tuy có chút bất ngờ khó khăn với câu làm văn nhưng trong phần đọc hiểu thì em làm tốt vì em rất quan tâm đến vấn đề biển Đông. Trong bài em thể hiện vào sự tin tưởng vào cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam trước sự hung hăng, uy hiếp của tàu Trung Quốc.
Tại Quảng Nam: Nhiều thí sinh sau khi bước ra khỏi phòng thi cho biết, đề thi môn ngữ văn gần gũi với câu hỏi phần đọc hiểu.
Kết thúc giờ làm bài môn thi ngữ văn, nhiều thí sinh tại điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) cho biết câu hỏi ở phần đọc hiểu liên quan đến vấn đề Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam là rất gần gũi và mang tính thời sự.
“Em giải quyết khá tốt câu hỏi phần 1. Bởi những ngày qua, em thường xuyên theo dõi tình hình biển Đông qua tivi, đài báo nên nắm được thông tin”, thí sinh Châu Quốc, học sinh lớp 12/10 Trường THPT Phan Bội Châu, nói.
Tại Hà Nội: Ghi nhận tại Hội đồng thi THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình, Hà Nội), hầu hết các thí sinh dự thi tỏ ra hào hứng với môn văn vừa kết thúc.
|
Em Hoàng Thu Trang, (học sinh lớp 12A10, Trường THPT Nguyễn Trãi) cho biết: câu 1 (3 điểm) của đề thi đề cập vấn đề biển đảo. Đề thi đưa ra câu chuyện khá gần gũi. Em thấy câu hỏi này dễ gây cảm xúc và bạn nào cũng có thể làm được.
Tại Đà Nẵng: Hầu hết các thí sinh đều tỏ ra thoải mái khi kết thúc môn văn. "Vấn đề biển Đông giúp chúng em làm bài khá ổn. Biển Đông là vấn đề thời sự mà em theo dõi mỗi ngày trên các phương tiện truyền thông, nên việc bày tỏ thái độ với sự kiện Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam đối với em là không khó", thí sinh Võ Huỳnh Trúc Tiên, thi tại Hội đồng thi THCS Nguyễn Huệ, Đà Nẵng, nhận định.
Tại Thừa Thiên-Huế: Sau khi hoàn thành môn ngữ văn, môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh tại Thừa Thiên-Huế tỏ ra thích thú và hài lòng với đề thi văn năm nay.
Thí sinh Hồ Ngọc Uyên Uyên, học sinh lớp B1, Trường THPT Hai Bà Trưng (TP.Huế), cho biết: Tuy bất ngờ nhưng em và nhiều bạn rất thích thú khi kỳ thi năm nay đưa vấn đề giàn khoan Hải Dương-981 vào đề thi. Em cũng theo dõi hằng ngày vấn đề này qua ti vi và báo chí nên em làm bài cũng ổn.
Tại Cà Mau: Sau khi thi xong môn văn, nhiều thí sinh nhận xét đề thi văn năm nay khá thú vị.
Đào Nhã Uyên, thí sinh thi tại Hội đồng thi Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP.Cà Mau) cho biết: "Câu một liên quan đến vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam em thấy không khó, quan trọng là nêu lên được ý kiến của bản thân, theo sát thực tế...”.
Em Phạm Thị Tú Trinh, thí sinh thi tại Hội đồng thi Trường THPT Cà Mau (TP.Cà Mau) chia sẻ: “Với câu một, chỉ cần đọc tin tức nhiều, hiểu được vấn đề và nêu rõ quan điểm của bản thân thì sẽ hoàn thành được tốt, không phụ thuộc quá nhiều vào kiến thức văn học”.
Gợi ý giải đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn năm 2014: I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) 1. Nêu những ý chính của văn bản: - Hành động hung hăng cản phá lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam là vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. - Trái tim hơn 90 triệu người dân Việt Nam trong nước, hơn 4 triệu kiều bào Việt kiều ở nước ngoài, và nhân dân tiến bộ của thế giới luôn hướng về Biển Đông, hướng về Hoàng Sa và Trường Sa với một tâm trạng nhiều bức xúc và âu lo. - Một lần nữa, chúng ta được chứng kiến tinh thần yêu nước và đoàn kết trong mỗi người dân Việt Nam; chứng kiến được lòng quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc và lên án mạnh mẽ hành động sai trái, phi lí của Trung Quốc. - Trước tình hình hiện nay chúng ta phải bình tĩnh sáng suốt để có hành động phù hợp. 2. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản : Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận biểu hiện trong một bài bình luận trên báo về một vấn đề chính trị, thời sự. Việc sử dụng các từ được gạch dưới trong văn bản tạo được sắc thái biểu cảm, gây được hiệu quả truyền cảm; qua đó nêu bật được thái độ hung hăng sai trái, trắng trợn của Trung Quốc khi hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trên vùng lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam. 3. Viết đoạn văn ngắn bày tỏ thái độ của anh/chị về sự kiện trên : Đây là một yêu cầu nằm trong phần đọc hiểu (3,0 điểm). Vì thế, thí sinh nên thực hiện đúng yêu cầu viết một đoạn văn ngắn để bày tỏ thái độ của mình về sự kiện trên. Thí sinh có thể viết với những nội dung cụ thể khác nhau. Tuy nhiên, phải biểu hiện tập trung được thái độ của bản thân. Sau đây là một ví dụ gợi ý. Ngay từ khi còn bé chúng ta đã được dạy về lòng yêu nước. Những câu nói như : “… thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước…”, “… Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách…” cũng như những lời thơ trong bài Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong suy nghĩ của những người dân Việt. Tình hình nghiêm trọng đã và đang xảy ra ở Biển Đông đã đánh thức lòng yêu nước, sự căm giận và sự trăn trở đối với những con người biết yêu chuộng hòa bình. Lứa tuổi học sinh chúng em cũng không thể nào vô cảm và làm ngơ trước những biến động lớn lao của đất nước. Chúng ta phải nhận thức rõ hành động ngang ngược của Trung Quốc là vi phạm chủ quyền thiêng liêng của đất nước, vi phạm luật pháp quốc tế. Chúng ta ủng hộ các hoạt động của chính phủ, của các cơ quan thông tấn trong và ngoài nước, của lực lượng kiểm ngư, tầm soát biển, của ngư dân… trong việc đấu tranh trên thực địa cũng như trên các mặt trận ngoại giao, chính trị… ở trong nước cũng như các diễn đàn quốc tế. Yêu nước nhưng chúng ta phải bình tĩnh, sáng suốt trước diễn biến và tình hình không để kẻ xấu lợi dụng, kích động; không để lòng yêu nước cực đoan điều khiển, chi phối dẫn đến những hành động “giận cá chém thớt”, gây rối, phá phách… ảnh hưởng xấu đến sự ổn định và uy tín của đất nước. Chúng ta phải yêu nước một cách chính đáng, sáng suốt; phải phân biệt nhân dân Trung Quốc với những kẻ hiếu chiến, ngạo mạn trong giới cầm quyền Trung Quốc. Trong phạm vi cụ thể, chúng ta cần tham gia những hành động thiết thực như đóng góp ủng hộ các ngư dân, lực lượng kiểm ngư, lực lượng cảnh sát biển… nơi đầu sóng ngọn gió; giúp đỡ gia đình của những người trong các lực lượng nói trên để họ yên tâm hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tổ quốc. Chúng ta cũng cần có tinh thần và thái độ sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của tổ quốc khi cần thiết: gia nhập lực lượng vũ trang… II. LÀM VĂN (7,0 điểm) A. GIỚI THIỆU VẤN ĐỀ - Vị trí của tác giả trong đời sống văn học nghệ thuật và phong cách sáng tác. - Nêu chủ đề tác phẩm - Yêu cầu của đề : khát vọng sống của nhân vật Hồn Trương Ba và suy nghĩ của bản thân thí sinh được sống là chính mình. B. PHÂN TÍCH (Thí sinh cần làm rõ 2 luận điểm ) 1. Khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba : a) Khái quát vở kịch : - Đây là vở kịch nói về tấn bi kịch của con người không được sống là chính mình, được tác giả Lưu Quang Vũ xây dựng, khắc họa chân thực, sinh động và giàu tính triết lý qua điển hình nhân vật Hồn Trương Ba. b) Vị trí đoạn trích : - Thuộc cảnh 7 phần kết của vở kịch - viết về cuộc đối thoại giữa Hồn Trương Ba với Đế Thích c) Sự tắc trách của thế lực cầm quyền (Nam Tào, Bắc Đẩu, Đế Thích) - Cái chết của Trương Ba xuất phát từ sự tắc trách của Nam Tào. - Trương Ba phải sống nhờ trong xác anh hàng thịt xuất phát từ sự tùy tiện của Đế Thích. - Khi Trương Ba muốn rời khỏi xác anh hàng thịt, thì Đế Thích tiếp tục muốn cho ông nhập vào xác Cu Tỵ, điều đó thể hiện thế lực cầm quyền đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. d) Diễn biến tâm lý nhân vật và khát vọng sống: - Đau khổ, dày vò vì phải rơi vào cảnh hồn và xác “chia lìa đôi ngã”. - Bản thân bị gia đình xa lánh, vì từ con người thanh cao trở nên thô lỗ trong tính cách. - Trách móc thái độ vô cảm “ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!”. - Trăn trở và khát vọng sống cháy bỏng “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Qua đó, tác giả ngợi ca trước khi chết, Hồn Trương Ba có một nhân sinh quan cao đẹp khi chấp nhận từ chối cuộc sống vay mượn giả dối. 2. Suy nghĩ của bản thân về vấn đề “con người được sống là chính mình” (Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng phải đảm bảo những ý chính sau đây. Đồng thời đây là bài nghị luận tích hợp giữa nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Vì vậy, thí sinh cần linh hoạt liên kết cho hợp lý) - Con người là một chỉnh thể thống nhất (thể chất và tâm hồn). - Quan niệm xưa : đề cao phần hồn. - Quan niệm hiện đại : đặt ngang tầm giá trị của thể chất và tâm hồn (không thể có một tâm hồn lành mạnh sáng suốt khi thể chất yếu ớt đau ốm). - Hậu quả của việc không được sống là chính mình: + Bị lệ thuộc vào người khác, mất quyền được sống chân chính. + Nhân cách có nguy cơ bị tha hóa, có thể bị những thế lực xấu sai khiến gây nguy hại cho xã hội. + Ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, gây đau khổ cho người thân. - Ý nghĩa của việc được sống là chính mình: + Được tự do suy nghĩ, mơ ước, hành động và phát triển các năng lực. + Được tôn trọng. + Góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng bền vững. 3. Nhận định chung: - Khát vọng sống là chính mình của Hồn Trương Ba là khát vọng chính đáng, cần được tôn trọng và phát huy. - Tác giả Lưu Quang Vũ đã chọn được một đề tài vừa mang tính thời sự, vừa có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Từ đó tác giả đã nêu lên được một triết lý sống đẹp đẽ đối với mọi thời đại. - Trong cuộc sống hiện nay, con người được khuyến khích phát huy mọi khả năng của bản thân. Học sinh nói riêng, tuổi trẻ nói chung cần có nhu cầu “được sống là chính mình”; cần có ý thức khẳng định “cái tôi cá nhân” – không phải tự tôn, đề cao bản thân. III. KẾT LUẬN: - Ngợi ca nhân sinh quan cao đẹp của Hồn Trương Ba. - Bản thân mỗi người cần sống trung thực, tránh lối sống vay mượn, giả dối. - Sức sống của tác phẩm đối với độc giả hiện nay. Nguyễn Hữu Dương, Nguyễn Đức Hùng |
Nguồn TNO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065