So với thời điểm cuối tháng 11-2016, người chăn nuôi bị “bốc hơi” trên 10 ngàn đồng/kg. Giá đã “chạm đáy” nhưng heo vẫn rất khó xuất chuồng vì không có thương lái mua. Nguyên nhân là do việc xuất khẩu heo thịt bằng đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc đột ngột “đóng băng”!?
Theo nhiều nông dân có thâm niên trong nghề chăn nuôi heo, thông thường giá heo xuất chuồng vào cuối năm bao giờ cũng tăng, vấn đề là tăng nhiều hay ít chứ hiếm khi giảm “không phanh” như năm nay. Trong khi các nhà quản lý cho rằng, do chúng ta phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu “sáng nắng, chiều mưa” như Trung Quốc, cộng với việc nông dân đầu tư phát triển đàn heo “chờ” tết với số lượng quá lớn ở khắp các vùng miền trong cả nước đã dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Nghịch lý chưa dừng lại ở đó. Trong khi giá heo hơi giảm mạnh thì người tiêu dùng trong nước vẫn hằng ngày mua thịt heo với giá cao, khi thắc mắc thì được các tiểu thương hàng thịt giải thích: Tết mà!?
Mặc dù đang trong giai đoạn đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; cơ cấu nền kinh tế đã có sự chuyển dịch đúng hướng và tích cực, song số hộ nông dân gắn bó với trồng trọt, chăn nuôi vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn. Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc đầu tư phát triển nông nghiệp nói chung, trọng tâm là trồng trọt và chăn nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, chưa đi vào chiều sâu. Việc khảo sát lập quy hoạch, đầu tư vốn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ còn hạn chế; phần lớn nông dân chưa chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn về nguồn gốc, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; tâm lý chạy theo nhu cầu của thị trường nên vẫn trong vòng luẩn quẩn “trồng - chặt, chặt - trồng; nuôi - dẹp, dẹp - nuôi”. Đáng báo động hơn, nhiều hộ nông dân vì lợi ích trước mắt sẵn sàng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, pha trộn tạp chất vào các nông sản làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng và uy tín của những nông dân làm ăn chân chính. Đó là thực trạng chung của cả nước và tỉnh ta không là ngoại lệ.
Trong chuyến thăm và dự lễ kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh vào đầu tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với những điều kiện lý tưởng về đất đai, khí hậu nên lối ra của Bình Phước là trồng rau, củ, quả sạch. Bình Phước có thể trở thành một thủ phủ của cả nước về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao. Bình Phước phải là tỉnh tiên phong trong đổi mới để phát triển, tạo ra những nông sản có giá trị lớn, đại diện xứng đáng cho thương hiệu nông sản Việt Nam trong chuỗi giá trị quốc tế. Tỉnh cần nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, đi đôi với làm tốt công tác quy hoạch sử dụng đất, phát triển mạnh các hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp.
Để thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đạt hiệu quả cao nhất đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó, bản thân mỗi người nông dân phải đổi mới tư duy làm kinh tế; cố gắng, nỗ lực không ngừng để xứng đáng với vai trò chủ thể của nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, góp phần làm giàu cho bản thân, gia đình, quê hương và đất nước.
Bảo Ngọc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065