Hơn 40 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm, dù thời gian có nhiều thay đổi, nhưng nghệ nhân Thị Giôn, dân tộc Xêtiêng ở ấp Lồ Ô, xã Thanh An (Hớn Quản) vẫn giữ niềm đam mê với nghề và luôn tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Nghệ nhân Thị Giôn tại lễ khai giảng lớp dệt thổ cẩm
Xã Thanh An hiện có hơn 3.000 phụ nữ tuổi từ 18 trở lên, trong đó 30% là đồng bào dân tộc thiểu số. Việc vận động, tập hợp chị em dân tộc thiểu số tham gia lớp học nghề dệt thổ cẩm lúc đầu gặp nhiều khó khăn. Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống đã phát triển từ lâu đời, nhưng do tác động khách quan và nếp sinh hoạt thay đổi, nên nhiều gia đình không còn gắn bó dẫn đến nghề bị mai một dần. Rất nhiều phụ nữ có tay nghề dệt tinh xảo nhưng đã bỏ để làm vườn rẫy và kinh doanh buôn bán. Mặt khác, những mô hình dệt thổ cẩm chỉ hoạt động theo quy mô gia đình, mang tính tự phát, chưa thành hàng hóa nên không có đơn vị, doanh nghiệp nào đứng ra tổ chức phát triển sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm...
Sau khi khảo sát, tìm hiểu nhu cầu thực tế từ nghệ nhân Thị Giôn và nhiều phụ nữ người dân tộc Xêtiêng ở xã Thanh An, đầu tháng 6-2013, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã ký hợp đồng kinh tế với nghệ nhân Thị Giôn để thực hiện đề án “Hỗ trợ đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho người dân tộc Xêtiêng ở ấp Lồ Ô, xã Thanh An, huyện Hớn Quản”. Từ sự hỗ trợ này, nghệ nhân Thị Giôn đã mở lớp dệt thổ cẩm cho đồng bào Xêtiêng tại ấp, với 32 học viên tham gia. Trong 2 tháng, nghệ nhân Thị Giôn đã hướng dẫn chị em làm ra những sản phẩm tinh xảo, quy trình kỹ thuật dệt các loại thổ cẩm truyền thống như phương pháp phối màu, dùng màu, màu nền, bố cục hoa văn trên váy, khăn, mền, khăn trải bàn, áo, túi xách... đang thịnh hành trên thị trường hiện nay.
Nghề dệt thổ cẩm cần nhiều yếu tố tác động mới có thể thành công. Không chỉ kiên trì, nhẫn nại, có tay nghề cao là đủ, mà còn đòi hỏi phải có đầu ra bền vững, để người làm sống được với nghề. Mặt khác, cần khuyến khích mọi người sử dụng các đồ dùng làm bằng hàng dệt thổ cẩm... Đó là những vấn đề cần có sự hỗ trợ đắc lực từ các ngành chức năng nhằm nâng cao hiệu quả của đề án đào tạo, khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Thanh An và tỉnh Bình Phước. Mục tiêu cao hơn của đề án đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động của các cơ sở công nghiệp nông thôn là giúp đối tượng được hưởng có cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho gia đình và phát triển bền vững công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Thúy Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065