An Bang quanh năm có gió to, sóng lớn. Đảo chịu ảnh hưởng bởi khí hậu, thời tiết 2 mùa, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, gió Tây Nam, nhiệt độ trung bình từ 32-340C; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, nhiệt độ trung bình 29-320C, gió Đông Bắc mạnh, sóng lớn đưa lượng nước muối mặn lên đảo nhiều, độ ẩm cao. Thời tiết và khí hậu ở Trường Sa vô cùng khắc nghiệt, song ở đảo An Bang là nơi khắc nghiệt nhất. Vì sóng to, gió lớn quanh năm nên An Bang là đảo mà tàu thuyền khó cập bến nhất trong số các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Có không ít chuyến tàu phải nằm chờ ngoài biển đợi khi thủy triều rút, gió nhẹ hơn mới hạ xuồng cho người lên đảo. Bởi thế không ít người sau khi ra tham quan đảo đã nói rằng: Nếu chưa đặt chân lên đảo An Bang thì không thể nói rằng đã đến Trường Sa.
Toàn cảnh đảo An Bang nhìn từ biển
Đảo có một doi cát vàng rộng chừng 500-700m2. Thế nhưng bãi cát này không nằm yên một chỗ mà quanh năm chạy vòng tròn xung quanh đảo, vì đảo An Bang nằm ở giữa 2 dòng hải lưu ngược chiều nhau. Khi thủy triều lên và gặp gió to thì 2 dòng hải lưu này tạo thành một vòng xoáy xung quanh đảo theo ngược chiều kim đồng hồ. Khi ấy, doi cát bị sóng biển dịch chuyển theo chiều gió với tâm là đảo. Ruồi vàng và bọ chó bị nhiều người ghét nhất và gió ở đảo An Bang cũng bị những người lính không ưa như 2 loại côn trùng này. Bởi thế ở đây mới có câu rằng “Ruồi vàng, bọ chó, gió An Bang”. Tuy vậy nhưng đảo An Bang có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế và quốc phòng, an ninh. Trên biển có đường hàng hải quốc tế từ Đông Nam - Tây Bắc. Trên không có 2 đường hàng không dân dụng quốc tế Tây Nam - Đông Bắc và Đông Bắc đi hướng Nam. Trên đảo có hải đăng được xây dựng vào năm 1995, với hình trụ bát giác, có đế là tòa nhà 2 tầng sơn màu vàng. Chiều cao tháp đèn 24,9m, tầm hiệu lực ban ngày là 14 hải lý, còn ban đêm 15 hải lý.
Đại úy Lã Văn Thành
Mặc dù đóng quân ở vị trí độc lập, xa đất liền, điều kiện khí hậu và thời tiết vô cùng khắc nghiệt lại luôn diễn biến phức tạp, khó lường nhưng cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn duy trì nghiêm chế độ trực; tổ chức tuần tra, canh gác, quan sát chặt chẽ 24/24 giờ và kịp thời phát hiện mục tiêu, xử lý đúng đối sách, báo cáo sở chỉ huy các cấp đúng quy định, không để bị động bất ngờ. Trong năm 2018, đơn vị quan sát được 11 lượt máy bay nước ngoài chưa rõ quốc tịch và 1.479 lượt tàu các loại, trong đó tàu Việt Nam có 1.269 lượt và 1.176 lượt tàu cá. Quán triệt sâu sắc mệnh lệnh chỉ thị của cấp trên, cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn chú trọng công tác huấn luyện, nhờ đó 100% quân số có khả năng thao tác, sử dụng vũ khí, thiết bị, khí tài thành thạo cả ban ngày và ban đêm. Kết quả kiểm tra năm 2018, 100% cán bộ, chiến sĩ đều đạt loại khá, giỏi ở tất cả nội dung và được cấp trên đánh giá là đơn vị nền nếp sẵn sàng chiến đấu cao, huấn luyện giỏi. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ trên đảo còn được quán triệt, giáo dục sâu sắc về tình hình nhiệm vụ của đơn vị, âm mưu, thủ đoạn của nước ngoài đối với biển Đông và khu vực quần đảo Trường Sa. Từ đó, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã xây dựng được ý chí quyết tâm cao, có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, không mơ hồ mất cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hy sinh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc với tinh thần “Còn người, còn đảo, còn chủ quyền quốc gia”.
Một trong những nhiệm vụ được cán bộ, chiến sĩ trên đảo chú trọng quan tâm là công tác phòng, chống lụt, bão. Như đã nêu, đảo An Bang nằm trong khu vực khí hậu phức tạp nên quanh năm có gió bão. Cơn bão Tembin diễn ra ngày 24-12-2017, do tâm bão đi qua đúng khu vực đảo, với thời gian mưa to, gió lớn tàn phá nhiều từ 10 giờ 45 phút đến 17 giờ 30 phút, với sức gió giật trên cấp 14, kèm theo mưa to, sóng biển đánh cao hàng chục mét. Vì vậy, một lượng lớn nước mặn từ phía ngoài bờ kè đã bị hất tung lên đảo, gây nhiễm mặn, làm thiệt hại nặng về cơ sở vật chất, phương tiện và môi trường, cây xanh trên đảo. Do bão đổ bộ vào quá mạnh, sức tàn phá quá lớn đã làm thay đổi toàn bộ cảnh quan môi trường mà các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã dày công chăm sóc mấy chục năm qua; đồng thời làm hư hỏng nhiều thiết bị điện, nước, phương tiện sinh hoạt, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của quân và dân trên đảo. Nhưng với tinh thần đoàn kết, chủ động, quân và dân trên đảo đã động viên nhau, đẩy lùi những khó khăn trước mắt, nhanh chóng bắt tay vào xây dựng lại, khắc phục kịp thời thiệt hại do bão gây ra, khôi phục tăng gia sản xuất, chăm sóc cây xanh bảo vệ môi trường, xử lý môi trường đất và nước bị nhiễm mặn.
Trong những năm qua, công tác cứu hộ, cứu nạn và giúp đỡ ngư dân cũng được cán bộ, chiến sĩ trên đảo chú trọng và thực hiện hiệu quả. Trong năm 2018, đảo đã tổ chức cấp cứu kịp thời cho 8 ngư dân với các bệnh: Trụy mạch, liệt tứ chi, giảm áp mức độ nặng do lặn sâu, chấn thương ngực, gãy xương sườn, quắn ruột thừa, viêm cơ thắt lưng chậu, nhiễm khuẩn lan rộng bàn tay. Đội ngũ y tế của đảo đã kịp thời phẫu thuật cho 3 ngư dân: 1 trường hợp bị áp-xe lan rộng bàn tay, 2 trường hợp tiểu phẫu lấy dị vật kết mạc và khâu vết thương phần mềm. Đồng thời, khám, cấp thuốc cho trên 250 lượt ngư dân, cấp hơn 3.000 lít nước ngọt; hỗ trợ các loại nhu yếu phẩm cần thiết cho ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận và Quảng Ngãi... Những việc làm ý nghĩa đã giúp ngư dân bám biển, bám ngư trường phát triển kinh tế, đồng thời tạo thế trận chiến tranh nhân dân trên biển vững chắc.
Ở An Bang quanh năm có gió lớn nên vườn rau ở đây được che chắn kỹ
Trong chuyến thăm, làm việc tại An Bang vừa qua, cũng vì sóng to, gió lớn mà cả đoàn công tác của tỉnh chỉ duy nhất mình tôi đặt chân lên đảo. Tại đây, tôi đã gặp người đồng hương Bình Phước là Đại úy Lã Văn Thành, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng đảo An Bang. Đại úy Thành sinh ra, lớn lên ở thị xã Bình Long và nhập ngũ năm 2002. Hiện gia đình anh Thành đang cư trú tại khu phố 8, phường An Lộc (Bình Long). Tháng 7-2017, anh Thành chuyển ra công tác tại đảo An Bang. Gặp người Bình Phước trên đảo, anh Thành mừng lắm: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, em được biết quê hương Bình Long nói riêng, Bình Phước nói chung đã có sự phát triển vượt bậc trong năm 2018. Em rất mừng trước những đổi thay nhanh chóng ấy. Để xứng đáng với truyền thống oai hùng của quê hương, mong mọi người ở đất liền hãy tin tưởng rằng, không có sức mạnh sóng gió, gian truân nào có thể quật ngã những người lính ở Trường Sa. Đó là những người đầu đội nắng, ngực chắn sóng, chân đạp trên cát bỏng và luôn rực cháy tình yêu đất nước, khát vọng cống hiến cho biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tôi hiểu ra rằng, những “lũy thép” sừng sững hiên ngang giữa biển Đông được dựng xây từ xương máu, nước mắt, ý chí, lòng kiên trung, bản lĩnh can trường của những người lính trực tiếp thực thi nhiệm vụ ở Trường Sa. Sự hy sinh và cống hiến lặng thầm của họ mãi là mạch ngầm tinh khiết, là nơi khởi nguồn, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước và sự trường tồn của dân tộc.
DV
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065