Ngôi trường của những điều đặc biệt
Xã Đắk Nhau có 3 trường tiểu học, trong đó Tiểu học Trần Quốc Toản có nhiều điều đặc biệt. Trường cách trung tâm xã Đắk Nhau 5km, một phần giáp xã Thọ Sơn, còn lại giáp xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Học sinh của trường thuộc địa bàn 4 thôn, trong đó Đắk Nung, Đắk Liên và Đăng Lang là 3 thôn thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của xã Đắk Nhau. Thầy Phạm Văn Luận, Hiệu trưởng cho biết: Trường hiện có 510 học sinh/19 lớp, trong đó 73% học sinh người dân tộc Mơnông. Phần lớn phụ huynh làm rẫy, ở cách trường hàng chục kilômét, giao thông rất khó khăn. Cứ đến mùa mưa, phụ huynh ở xa lại khăn gói lương thực, thực phẩm, tư trang đưa con xuống trường thuê phòng ở trọ hoặc gửi người quen để tiện việc học hành của con. Xa cha mẹ, người thân nên mọi việc học tập, sinh hoạt của các em đều phải nhờ đến thầy cô.
Cô Lê Thị Lan rèn cho học sinh từng nét chữ
Đầu năm học mới, các em ra lớp hầu như đầy đủ. Tuy nhiên đến mùa thu hoạch điều và dịp Noel thì lớp học thưa dần. Vì thế, việc vận động học sinh nghỉ, bỏ học ra lớp được xem là nhiệm vụ quan trọng song hành với dạy chữ. Học sinh nghỉ, bỏ học thuộc 2 đối tượng hoàn cảnh khó khăn và lực học yếu, ham chơi, gia đình ít quan tâm. Những học sinh hoàn cảnh khó khăn được trường vận động hỗ trợ cặp sách, quần áo, gạo, miễn giảm tối đa các khoản đóng góp và khi nhu cầu được đáp ứng thì vận động ra lớp dễ dàng hơn. Nhưng với học sinh chán học, học lực yếu thì vận động vô cùng gian nan, vất vả.
Đó là câu chuyện của những năm học trước, khoảng 5 năm trở lại đây, dù công tác chuyên cần vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong mùa thu hoạch điều và dịp Noel nhưng không còn tình trạng học sinh bỏ học vì việc vận động tuyên truyền được đẩy mạnh, điều kiện kinh tế - xã hội, ý thức người dân được nâng lên. Cùng với đó, những năm qua trường được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo nhu cầu dạy - học; đội ngũ thầy cô giáo nhiệt huyết, yêu nghề, hết lòng vì học sinh. Mỗi giáo viên của trường tự nguyện giúp đỡ 2 học sinh nghèo vươn lên học tập tốt. Việc làm của thầy cô được học sinh tin yêu, quý trọng, phụ huynh ghi nhận, đánh giá cao. Nhờ vậy năm học 2011-2012, trường có 7 học sinh bỏ học thì 5 năm vừa qua đã không còn, tỷ lệ trẻ 6 tuổi ra lớp luôn đạt 100%, tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%. Từ năm học 2015-2016 đến nay, trường luôn đạt tập thể lao động tiên tiến...
Điều đặc biệt nữa là mỗi dịp tết đến, xuân về, theo thông lệ học sinh sẽ đến chúc tết thầy, cô giáo nhưng ở Trường tiểu học Trần Quốc Toản thì ngược lại. Nói là chúc tết nhưng thực chất nhà trường vận động hỗ trợ quà tặng các em vui xuân, đón tết, bởi phần lớn học sinh nơi đây là con em hộ nghèo, dân tộc thiểu số khó khăn. Vào cuối năm, ngoài vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ quà thì Công đoàn trường còn trích quỹ mua bánh, kẹo tặng các em. Vật chất tuy không lớn nhưng đây là cả tấm lòng mà thầy cô dành cho học sinh nghèo vùng sâu đón tết thêm vui tươi, đầm ấm.
Đất nghèo níu chân người “gieo chữ”
Trường tiểu học Trần Quốc Toản có 36 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Phần lớn từ miền Bắc, miền Trung vào lập nghiệp. Dù công tác ở ngôi trường vùng sâu, xa nhưng trái tim yêu nghề, thương những đứa trẻ vùng sâu đã cho họ sức mạnh tinh thần để vượt qua tất cả.
Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hà Giang, cô Hoàng Thị Hiền (dân tộc Tày) thêm thấu hiểu những khó khăn, vất vả của bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Điều đó đã thôi thúc cô mang con chữ đến với các em nhỏ vùng cao. Năm 2002, tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Hà Giang, cô Hiền nhận công tác tại Trường tiểu học Trần Quốc Toản. Ấn tượng đầu tiên của cô giáo trẻ ở vùng đất mới là đường đi khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn và phần lớn học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế gia đình eo hẹp, nguy cơ nghỉ học, bỏ học cao. Vì thế, cô Hiền cũng như các thầy, cô giáo nơi đây, ngoài truyền thụ tri thức còn nhiệt tình đến tận nhà vận động các em trở lại trường mỗi khi lớp vắng. Để huy động học sinh trong độ tuổi đến trường và duy trì sĩ số, chuẩn bị vào năm học mới, trường cùng chính quyền xã tổ chức vận động từng phụ huynh cho các em ra lớp. Mỗi khi học sinh vắng không lý do, giáo viên đến tận nhà để tìm hiểu, thuyết phục. Có thôn ở xa, để đến được nhà, các thầy, cô phải lội bộ vài cây số đường rừng. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa đi lại rất vất vả, nhiều khi lốp xe máy phải quấn thêm dây xích mà vẫn trơn trượt. “Phần lớn học sinh là người dân tộc Mơnông nên các em chưa thông thạo tiếng Việt. Vì vậy, mình vừa dạy bằng ngôn ngữ phổ thông vừa phiên âm ra tiếng Mơnông, kèm theo ảnh minh họa để các em dễ hiểu hơn” - cô Hiền chia sẻ.
Cô Hoàng Thị Hiền luôn tận tình chỉ dạy học sinh
Dạy ở điểm chính Trường tiểu học Trần Quốc Toản đã vất vả thì ở điểm lẻ lại khó khăn hơn nhiều. Chúng tôi tìm đến điểm lẻ thôn Đắk Liên với mong muốn được trò chuyện với những thầy, cô giáo dành cả tuổi xuân mang con chữ đến với trẻ em vùng sâu. Cô Lê Thị Lan (quê ở Thanh Hóa) đã 9 năm miệt mài “cõng chữ” về vùng sâu cho biết: Điểm lẻ thôn Đắk Liên hiện có 4 lớp/84 học sinh, trong đó chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên việc dạy - học gặp nhiều gian nan. Nhiều học sinh cả năm chỉ có duy nhất bộ quần áo nên thầy, cô phải góp nhặt từng đồng hỗ trợ các em. Tuy nhiên, áp lực với giáo viên hơn cả chính là việc vận động học sinh ra lớp. Có hôm giáo viên phải vào tận rẫy để động viên các em đến lớp, nhưng khi thấy giáo viên thì cả phụ huynh và học sinh đều chạy trốn. Dù vất vả đến đâu nhưng mỗi sáng điểm danh lớp không vắng em nào là không gì vui sướng bằng.
Sau nhiều năm gắn bó với trường, lớp, giờ đây các thầy cô ở Trường tiểu học Trần Quốc Toản đã trở thành những người dân bản địa thực thụ. Họ thuộc làu từng con đường, nóc nhà của người dân. Vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, các thầy cô vẫn ngày ngày thầm lặng “gieo chữ” cho học sinh với hy vọng trong tương lai không xa các em sẽ “thắp sáng” quê hương. Những người “lái đò” nơi đây như những bông hoa rừng dù trong điều kiện khắc nghiệt nhưng vẫn vươn lên khoe sắc, tỏa hương giữa đại ngàn.
Vũ Thuyên - Xuân Túc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065