Học viên lớp xóa mù do Trung tâm học tập cộng đồng xã Minh Tâm mở năm 2014 và Bà Xáy là người giảng bài
Gần 1 năm nay, đều đặn mỗi tối từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, nhà bà Út Phở lại rôm rả. Tiếng lũ trẻ đánh vần, tiếng bà giáo già giảng bài xôn xao một vùng quê...
Chúng tôi đến nhà bà Út Phở, thấy trước thềm có một dãy bàn học sinh được xếp ngay ngắn, cạnh đó là 2 tấm bảng treo trên tường làm bằng nhựa mỏng. Các hàng chữ vẫn còn nguyên nét phấn, trên bàn có những cái thước giảng làm bằng thanh tre.
Bà Út Phở cho biết: “Lớp xóa mù chữ giờ chỉ còn 14 đứa nhỏ tuổi. Mấy đứa lớn nghỉ vì ngại ngồi chung với đám nhỏ. Hơn nữa, ban ngày đi làm mướn, tối đến chắc mệt nên không còn đến học. Còn mấy bài nữa là kết thúc chương trình sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 rồi. Tui dạy chữ nào chắc chữ đó nên mấy đứa nhỏ đứa nào cũng đọc và viết cứng rồi”.
Bà Út Phở quê ở huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, lên Bình Phước lập nghiệp năm 1995. Bà kể, thời chiến tranh chống Mỹ, bà phải bơi xuồng qua sông Vàm Cỏ Đông rồi đi bộ cả chục cây số, còn phải tránh bom chạy đạn cực khổ mà vẫn học được chữ. Học hết lớp nhất (tương đương lớp 6 bây giờ) thì phải nghỉ. Sau đó, bà được chính quyền cách mạng cho đi học bổ túc nghiệp vụ sư phạm 1 năm để về dạy học. Bà Út Phở dạy cấp 1 ở xã Mỹ Thạnh Đông được 3 năm thì trường giải tán vì chiến tranh ác liệt.
Lễ khai giảng lớp xóa mù chữ do Trung tâm học tập cộng đồng xã Minh Tâm mở năm 2014 và bà Xáy là người giảng bài
Mười mấy năm sống gần gũi với người dân xóm gầm cầu nên bà Út Phở hiểu rõ hoàn cảnh của cư dân nơi đây. Năm nào bà cũng chứng kiến cảnh mưa lũ nước sông dâng ngập mé cầu, các gia đình lại phải dắt díu nhau lên chỗ đất cao ven đường dựng lán ở tạm, đợi nước rút lại dời xuống. Bà thấy mà thương, nhất là lũ trẻ. Lũ trẻ xóm nghèo lớn lên chỉ biết quanh quẩn dưới chân cầu, lấm lem bùn đất và đằm mình cùng sông nước, không đứa trẻ nào đến trường. Thương hoàn cảnh những cư dân sống dưới gầm cầu, nhất là những đứa trẻ chịu cảnh thiệt thòi, bà Út Phở cũng thường đến động viên, hướng dẫn họ ăn ở hợp vệ sinh, tặng quà, tiền, ai không có việc làm thì bà giới thiệu giùm... Còn chuyện dạy chữ thì mãi đến đầu năm 2014 bà mới có điều kiện mở lớp. Để mở được lớp, bà phải đi từng nhà gặp người lớn để vận động. Thời gian đầu chỉ có dăm bảy đứa nhỏ, tối đến xúm lại nghe bà dạy đánh vần từng con chữ. Cái chữ bà Út Phở dạy tuy lạ lẫm nhưng tụi nhỏ thấy thích. Ban ngày thay vì lang thang đùa giỡn, tắm sông, chúng lại đưa sách ra ngồi đánh vần rộn cả xóm nghèo.
Biết bà Út Phở mở lớp xóa mù chữ, tháng 5-2014, UBND xã Minh Tâm đã phối hợp với bà để mở lớp. Phòng học được tổ chức ngay tại quán ăn nhà bà. Lớp có 24 học viên, tuổi từ 7-25. Lớp học đặc biệt là có cả người đã lập gia đình. Một vài thầy cô giáo của xã Minh Tâm được điều động vào đứng lớp ban đêm cùng bà Út Phở. Bàn ghế, sách vở cho học sinh cũng được trang bị thêm. Ông Cao Xuân Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Minh Tâm xác nhận: “Lớp xóa mù chữ chỉ mở được 1 tháng và bà Út Phở là người tích cực hỗ trợ giảng bài. Sau bế giảng, những em nhỏ tuổi thích học tiếp nên bà Xáy vẫn duy trì lớp cho tới bây giờ”.
Đời ông bà, ba mẹ chúng có đi học đâu, nhà cửa đất đai cũng không có, chỉ mỗi chiếc thuyền lênh đênh trên sông rày đây mai đó, từ Biển Hồ Campuchia về dựng chòi dưới chân cầu ở nhiều năm rồi. Đến quốc tịch Việt Nam, hộ khẩu còn chưa có, hàng ngày lo đi bắt cá, lo cái ăn còn chưa đủ thì còn đâu tâm trí nghĩ đến chuyện học của con, lấy đâu phương tiện đưa chúng đi học trường cách xa gần 4 cây số... Bà Ngô Thị Xáy (Út Phở) |
Quang Trung
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065