Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Đồng Phú trong giờ học - Ảnh: V.Thuyên
Đánh giá thường xuyên
Theo dự thảo thông tư, việc đánh giá thường xuyên là đánh giá trong quá trình học tập, rèn luyện về kiến thức, kỹ năng, thái độ và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh, được thực hiện theo tiến trình nội dung của các môn học và các hoạt động giáo dục. Đánh giá thường xuyên cung cấp thông tin phản hồi cho giáo viên và học sinh nhằm hỗ trợ, điều chỉnh kịp thời, thúc đẩy sự tiến bộ của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học.
Đánh giá thường xuyên về học tập: Giáo viên dùng lời nói, ký hiệu chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa, biết những yêu cầu để nhớ, thực hiện; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết, có biện pháp cụ thể giúp đỡ kịp thời. Học sinh tự nhận xét và tham gia nhận xét sản phẩm học tập của bạn, nhóm bạn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập để học và làm tốt hơn. Khuyến khích cha mẹ học sinh trao đổi với giáo viên về các nhận xét, đánh giá học sinh bằng các hình thức phù hợp và phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh học tập, rèn luyện.
Đánh giá thường xuyên về năng lực, phẩm chất: Giáo viên căn cứ vào các mức độ nhận thức, kỹ năng, thái độ thông qua biểu hiện của từng năng lực, phẩm chất của học sinh để nhận xét, có biện pháp giúp đỡ kịp thời. Học sinh được tự nhận xét và được tham gia nhận xét bạn, nhóm bạn về những biểu hiện của từng năng lực, phẩm chất để hoàn thiện bản thân. Khuyến khích cha mẹ học sinh trao đổi, phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh rèn luyện và phát triển năng lực, phẩm chất.
Tổng hợp đánh giá thường xuyên: Về học tập, vào giữa học kỳ và cuối học kỳ, giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học, hoạt động giáo dục để đánh giá học sinh theo các mức sau: Mức A: nắm vững kiến thức, thành thạo kỹ năng, vận dụng linh hoạt kiến thức kỹ năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, hứng thú với môn học hoặc hoạt động giáo dục. Mức B: nắm được kiến thức, có kỹ năng, biết vận dụng kiến thức kỹ năng, hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học hoặc hoạt động giáo dục. Mức C: chưa nắm được kiến thức, thiếu hụt kỹ năng, chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học hoặc hoạt động giáo dục.
Về năng lực, phẩm chất: Giữa học kỳ và cuối học kỳ, giáo viên chủ nhiệm căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên để đánh giá mức độ hình thành và phát triển từng năng lực, phẩm chất của mỗi học sinh theo các mức sau: Mức A: nhận thức đầy đủ, làm tốt, hứng thú, tự tin. Mức B: nhận thức được, làm được, chưa thật hứng thú, chưa thật tự tin. Mức C: nhận thức chưa đầy đủ, chưa làm được, chưa hứng thú, thiếu tự tin.
Đánh giá định kỳ kết quả học tập
Đánh giá định kỳ kết quả học tập là hoạt động đánh giá kết quả học tập của học sinh sau một giai đoạn học tập được thực hiện vào giữa học kỳ và cuối học kỳ, nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh so với chuẩn kiến thức, kỹ năng quy định trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Đánh giá định kỳ kết quả học tập được thực hiện đối với các môn học: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc bằng bài kiểm tra. Bài kiểm tra thực hiện vào cuối học kỳ I và cuối năm học. Riêng đối với lớp 4, lớp 5, có thêm bài kiểm tra môn Tiếng Việt, môn Toán vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II.
Đề bài kiểm tra định kỳ phù hợp chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực, gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo các mức độ nhận thức của học sinh như sau: Mức 1 (biết), học sinh nhận biết hoặc nhớ, nhắc lại đúng kiến thức đã học. Mức 2 (hiểu), học sinh hiểu các kiến thức, kỹ năng đã học, giải thích được kiến thức theo cách hiểu của cá nhân. Mức 3 (vận dụng), học sinh hiểu rõ các kiến thức, kỹ năng đã học, biết vận dụng giải quyết tình huống vấn đề quen thuộc trong học tập, tương tự tình huống, vấn đề đã học. Mức 4 (vận dụng nâng cao): học sinh vận dụng sáng tạo các kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết các tình huống, vấn đề mới, khác với tình huống, vấn đề đã học hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trước một tình huống, vấn đề mới trong học tập hoặc trong cuộc sống.
Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang 10 điểm, không cho điểm 0, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh. Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác. Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh. Riêng môn Tiếng Anh, học sinh học thời lượng 4 tiết/tuần trở lên, khuyến khích áp dụng định dạng đề thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh của học sinh cuối lớp 5 (bậc 1 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam).
Xét hoàn thành chương trình lớp học, chương trình tiểu học
Học sinh được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học phải đạt các điều kiện sau: Tổng hợp đánh giá thường xuyên về học tập cuối năm học của từng môn học và hoạt động giáo dục: mức A hoặc mức B. Tổng hợp đánh giá thường xuyên về từng năng lực và phẩm chất cuối năm học: mức A hoặc mức B. Bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt điểm 5 trở lên.
Đối với học sinh chưa được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học, giáo viên lập kế hoạch, hướng dẫn, giúp đỡ; đánh giá bổ sung để xét hoàn thành chương trình lớp học. Đối với học sinh đã được hướng dẫn, giúp đỡ mà vẫn chưa đủ điều kiện hoàn thành chương trình lớp học, tùy theo mức độ chưa hoàn thành ở các môn học, hoạt động giáo dục, mức độ hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất, giáo viên lập danh sách báo cáo hiệu trưởng xem xét, quyết định việc lên lớp hoặc ở lại lớp.
Xét khen thưởng học sinh
Hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh: Khen thưởng cuối năm học đối với học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện: kết quả đánh giá các môn học, các năng lực, phẩm chất đạt mức A; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên. Học sinh hoàn thành tốt các nội dung học tập và rèn luyện: kết quả đánh giá có ít nhất 50% các môn học đạt mức A, các môn học còn lại đạt mức B; các năng lực, phẩm chất đạt mức A hoặc mức B; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên. Học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận. Khen thưởng đột xuất: học sinh có thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc có thành tích đột xuất trong năm học.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065