Lương thấp, đời sống giáo viên mầm non gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, đối với giáo viên vùng sâu, vùng xa thì khó càng chồng khó. Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giáo viên mầm non, mẫu giáo thôn, bản thuộc vùng khó khăn được hưởng phụ cấp bằng 50% so với mức lương tối thiểu đã đem đến niềm vui cho nhiều giáo viên. Thế nhưng, đã 3 năm qua, giáo viên mầm non vùng sâu, vùng xa trong tỉnh vẫn chưa chạm được niềm vui.
GIÁO VIÊN VÙNG KHÓ: QUÁ KHÓ
Trong số 83 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã được hưởng chính sách như Tây nguyên gồm: Phước Long, Bù Gia Mập, Bù Đốp, Lộc Ninh, Bù Đăng, Đồng Phú, Chơn Thành, Hớn Quản, Bình Long thì có 89 trường mầm non, mẫu giáo với 1.560 cán bộ, giáo viên được hưởng chính sách.
|
Cô Đỗ Vũ Như Ý (23 tuổi), giáo viên trường Mẫu giáo Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) chia sẻ: “Về trường giảng dạy được 2 năm, lương cơ bản của tôi là 1,1 triệu đồng/tháng. Mỗi ngày phải đi 20km đến trường, chi phí đi lại, mua sắm đồ dùng hỗ trợ giảng dạy thì lương không đủ. May mắn là ngoài lương chính, giáo viên vùng sâu còn được hưởng thêm 70% lương theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP của Chính phủ (chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn). Tuy nhiên, chế độ này đã bị cắt từ tháng 10-2012”.
Cô Phan Thị Thu Hương trong giờ đứng lớp ở điểm chính trường Mẫu giáo Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập)
Ngoài thời gian đứng lớp, giáo viên vùng trung tâm huyện, thị xã còn có việc làm thêm để tăng thu nhập như bảo mẫu, nấu ăn ở các nhà giữ trẻ. Nhưng giáo viên vùng sâu, vùng xa ngoài thời gian đứng lớp không có việc gì làm thêm.
Cô Phan Thị Khánh Ly, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Phú Nghĩa cho biết: “Gắn bó với trường từ những ngày mới thành lập, tôi hiểu rõ những khó khăn, thiếu thốn của giáo viên. Trường có 1 điểm chính và 9 điểm lẻ nên giáo viên phải luân phiên chuyển công tác. Những điểm lẻ ở xa, gặp ngày mưa không đi được xe máy, các cô phải lội bộ đến trường”. Cô Hương cho biết: “Các cháu học điểm lẻ chủ yếu là đồng bào Xêtiêng, truyền đạt bằng tiếng Việt các cháu không hiểu. Cô phải học tiếng của đồng bào để thuận tiện giao tiếp và dạy các cháu 5 tuổi làm quen với tiếng Việt”.
Tại trường Mẫu giáo Phước Tín (TX. Phước Long), một trường có khá nhiều điểm lẻ, giáo viên phải tự bỏ tiền ra làm dụng cụ học sinh. Vào thời điểm chúng tôi đến, 4 cô giáo có con nhỏ phải thuê người giữ con để ở lại trường trông trẻ, nhưng họ lại không được hưởng một khoản phụ cấp nào. Cô Phan Thị Phương Trang thu nhập 3,4 triệu đồng/tháng, có con 15 tháng tuổi phải thuê người giữ. Cô Hoàng Thị Tuyền, con 6 tháng tuổi, cũng tương tự. Muốn duy trì sĩ số lớp, các cô vận động nhau bỏ tiền để mua phiếu ăn trưa cho những em 5 tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Vì nếu 1-2 em nghỉ học sẽ ảnh hưởng đến việc huy động trẻ 5 tuổi đến lớp.
Ở trường Mầm non Bình Minh, xã Bình Minh (Bù Đăng), đa số các cháu trong độ tuổi đến trường là người dân tộc thiểu số, nhà cách xa trường. Muốn vận động các cháu đi học, cô giáo phải đi xa, đi nhiều lần nhưng không có tiền hỗ trợ xăng xe. “Trường không có nhà tập thể cho giáo viên ở xa, các cô phải thuê nhà trọ. Rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non để chúng tôi yên tâm công tác”, cô Lại Thị Tiện, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Liên, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Phước Thiện, xã Phước Thiện (Bù Đốp), cho biết: “Trường có một điểm lẻ cách điểm chính 18km, đường đi lại không thuận lợi. Điểm lẻ của trường phải mượn nhà văn hóa thôn, không có bàn ghế và đồ dùng dạy học, các cô phải tự làm đồ chơi cho các em. Vì mượn nhà văn hóa nên mỗi lần dạy xong các cô phải mang đi mang về rất vất vả. Trường không đủ nhà tập thể nên 8 giáo viên phải ở chung một phòng rộng 20m2. Những năm trước giáo viên dạy ở điểm lẻ được hưởng trợ cấp theo Nghị định 61 nhưng đã bị cắt từ tháng 11-2012. Chúng tôi rất mong có những chính sách hỗ trợ để các cô yên tâm công tác”.
VÌ SAO CHÍNH SÁCH CHƯA ĐƯỢC THỰC HIỆN?
Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg, ngày 5-3-2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định giáo viên mầm non, mẫu giáo thôn, bản ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn được hưởng phụ cấp bằng 50% so với mức lương tối thiểu; hỗ trợ một phần chi phí đi lại, ăn ở cho bệnh nhân đang sinh sống ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn quy định tại Quyết định số 30 khi điều trị nội trú tại các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh và trung ương.
|
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên vùng sâu, vùng xa yên tâm công tác, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ: Nghị định số 61/2006/NĐ-CP về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn với mức phụ cấp 70%. Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg, quy định cán bộ, giáo viên mầm non, mẫu giáo làm việc lâu dài tại các xã, phường, thị trấn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh được hưởng chính sách như Tây nguyên. Cụ thể là được hưởng phụ cấp bằng 50% mức lương tối thiểu. Đề án thực hiện Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2010, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Thầy Nguyễn Tuấn Anh, Phó phòng Giáo dục và đào tạo huyện Bù Đăng chia sẻ: “Quyết định về việc được hưởng chính sách như Tây nguyên đối với giáo viên mầm non ở các xã, phường, thị trấn khó khăn và đặc biệt khó khăn đã được ban hành khá lâu nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Sự quan tâm của Nhà nước đến đời sống giáo viên vùng khó sẽ là động lực để các cô gắn bó hơn với nghề”.
Còn bà Vũ Thị Kim Huệ, Phó phòng Tổ chức cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non được hưởng chế độ như Tây nguyên đến nay vẫn chưa được thực hiện do trung ương chưa có kinh phí”.
Ngân Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065