Cô và trò Trường mầm non Hoa Sen xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài - Ảnh: K.B
Vất vả trăm bề
Đến Trường mầm non Tân Phú, thị trấn Tân Phú (Đồng Phú) vào giờ ăn trưa, trước mắt chúng tôi là những cô giáo phụ trách các nhóm, lớp đang tất bật phục vụ trẻ ăn trưa. Vừa chia khẩu phần ăn cho trẻ, cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên lớp chồi nói: “Chúng tôi luôn tay từ lúc đón đến khi trả trẻ. Do quá vất vả nên một số giáo viên trẻ đã xin nghỉ”.
Nếu như các ngành trong khối nhà nước thời gian làm việc từ 7 giờ 30 phút sáng thì giáo viên mầm non phải có mặt tại trường lúc 6 giờ 20 phút để quét dọn, lau phòng học, chuẩn bị đồ dùng học tập để đón trẻ. Sau đó, các cô cho trẻ ăn sáng. Trung bình mỗi cô chăm 10 cháu đối với nhóm nhà trẻ và 20 cháu ở lớp mẫu giáo. Bữa ăn của các cháu thường kéo rất dài. Các cô phải bón từng miếng cơm, cháo cho các cháu và lau dọn khi bé ói, tiểu, đại tiện. Ngoài ra còn cho các bé ăn, uống các món ăn, nước uống do phụ huynh gửi kèm. Những bé mới đến lớp chưa quen nên quấy khóc, cô giáo phải bế, dỗ dành...
Vì đặc thù công việc nên hầu như giáo viên mầm non ít được ăn trưa cùng gia đình. Bữa ăn của các cô thường vội vàng ngay tại trường khi các cháu ngủ trưa.
Một lớp trung bình khoảng 40 trẻ, mỗi cháu mỗi tính nên rất khó khăn trong việc dạy và chăm sóc. Không ít phụ huynh cho rằng, đã trả tiền học phí thì giáo viên phải đáp ứng mong muốn của họ. Nhiều phụ huynh xúc phạm, mắng chửi cô giáo nếu con họ bị ngã, bạn cào xước hay đùa nghịch va chạm làm xây xát...
Giờ đón trẻ theo quy định từ 16 giờ 30 phút đến 17 giờ nhưng có bé phải đợi đến 18 giờ ba mẹ mới tới. Nhiều hôm chờ mãi không thấy người nhà đến đón, giáo viên phải chở trẻ về tận nhà. “Mặc dù công việc vất vả, lương không cao. Nhưng với lòng yêu nghề mến trẻ, chúng tôi động viên nhau vượt qua. Tôi gắn bó với nghề đã hơn 15 năm. Lương của tôi hiện hơn 5 triệu đồng/tháng. Vì yêu nghề nên không thể bỏ được”- cô Đặng Thị Nguyệt, giáo viên lớp mầm chia sẻ.
Cần được hỗ trợ nhiều hơn
Giáo viên mầm non vất vả nhất so với đồng nghiệp ở các bậc học khác nhưng lương của họ lại rất thấp. Hiện chúng tôi đang đề xuất hỗ trợ giáo viên mầm non công lập và ngoài công lập. Vì ở nhóm trẻ, các cháu quá nhỏ nên không thể nào phân ca được. Bên cạnh đó, số giờ vượt của giáo viên khi đổi ca cũng rất nhiều. Rất mong lãnh đạo tỉnh và ngành giáo dục quan tâm hơn đến giáo viên ở bậc học này. Cô Vũ Thị Kim Huệ, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT) đề nghị |
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, giáo viên mầm non làm việc 8 tiếng đồng hồ/ngày. Trong đó, 2 tiếng chuẩn bị đồ dùng học tập, 6 tiếng đứng lớp. Nhưng thực chất số giờ giáo viên phải đứng lớp vượt rất nhiều.
Trước đây, giáo viên mầm non được hỗ trợ tiền 2 buổi trực trưa/tuần với những trường có tổ chức bán trú 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, Sở GD-ĐT không cho các trường thu khoản tiền này.
Theo quy định, cô này xong việc thì cô khác thay ca. Tuy nhiên, số trẻ trong lớp nhiều nên một giáo viên khó có thể quản được hết. Nhất là với nhóm nhà trẻ, khi một cô làm vệ sinh cho trẻ thì cần phải có một giáo viên khác quán xuyến. Nếu được hỗ trợ hoặc trả thêm tiền tăng giờ thì một lớp sẽ có 2 giáo viên cùng đứng lớp. Vì vậy, ở nhiều trường, mỗi phụ huynh học sinh đã tự nguyện hỗ trợ 20-60 ngàn đồng/tháng. Chừng đó, mỗi cô cũng chỉ thêm từ 200-500 ngàn đồng/tháng.
Cô Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường mầm non Minh Hưng, xã Minh Hưng (Bù Đăng) cho biết: “Đầu năm học, phụ huynh tự nguyện đóng 50 ngàn đồng/người/tháng. Số tiền này được trích ra một phần để hỗ trợ cấp dưỡng cho giáo viên và nhân viên theo hệ số lương. Tuy không nhiều nhưng cũng phần nào khích lệ tinh thần làm việc của giáo viên”.
Không phải trường nào cũng có sự đồng tình ủng hộ của bậc phụ huynh. Đơn cử như Trường mầm non Thuận Lợi (Đồng Phú), hiện có 14 lớp với 323 trẻ. Khi đưa ra ý kiến vận động hỗ trợ thì phụ huynh phản đối.
Với các trường ở trung tâm huyện, thị xã thì việc đến lớp của trẻ là bình thường nhưng với trường như mầm non Thuận Lợi, ngoài điểm chính còn có 5 điểm lẻ, trong đó 3 điểm dành cho trẻ em người dân tộc thiểu số. Vì vậy, việc vận động các cháu ra lớp rất khó khăn. Cô Đinh Thị Luận Hiền, Hiệu trưởngTrường mầm non Thuận Lợi chia sẻ: “Đa phần các cháu chưa nói sõi tiếng Việt. Các cháu thường nghỉ học nên giáo viên phải vào tận nhà vận động phụ huynh đưa con đến lớp.Chúng tôi còn vận động hỗ trợ quần áo, đồ dùng học tập để các cháu có thêm điều kiện đến trường”.
Trang Hương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065