Sinh sống cùng 41 dân tộc anh em trong tỉnh, đồng bào Xêtiêng đã sớm hình thành các giá trị văn hóa. Mỗi ấp, sóc người Xêtiêng có ít nhất vài ba tộc người khác nhau sinh sống. Đó là thuận lợi lớn để giao lưu văn hóa. Sống gắn bó lâu đời với người Mơnông, Mạ, Chơ Ro... nên tiếng nói của người Xêtiêng dễ hiểu. Các dân tộc này đều hiểu ngôn ngữ và phong tục tập quán người Xêtiêng. Mái nhà sàn “Xêtiêng Bù Đek mang dáng dấp văn hóa Chăm và cũng không khó nhận ra khi những chiếc váy truyền thống phụ nữ Xêtiêng mặc hiện nay trong các lễ hội gần giống với những chiếc váy quấn của người Khơme, sinh hoạt thường ngày của đồng bào hiện nay cũng theo nhịp sống hiện đại như người Kinh” (*)... Đó là kết quả của sự giao lưu, ảnh hưởng văn hóa được tích tụ trong thời gian dài. Tuy nhiên, những lễ hội Quay đầu trâu, Mừng lúa mới, lễ hội Bà bóng, lễ Đặt tên thành viên mới, lối hát kể sử thi hay hình ảnh tiếng chày trên sóc Bom Bo thì lại mang đậm nét Xêtiêng.
Thông qua việc khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của tộc người để không chỉ hiểu cái hay, cái đẹp của dân tộc mình mà còn hiểu cái hay, cái đẹp của dân tộc khác. Giữa núi rừng hoang sơ, trong các buôn, sóc, người Xêtiêng có thể được thưởng thức những làn điệu chèo, cải lương, hát quan họ, hát ví, dặm... từ đó “đời sống tinh thần trở nên phong phú, với nhiều món ăn tinh thần khác nhau. Có như vậy, đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc Xêtiêng mới phát triển theo đúng quy luật của nó, tiếp biến gắn liền với trao đổi văn hóa” (*).
Trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa của đồng bào dân tộc Xêtiêng ở Bình Phước hiện nay, có một số vấn đề cần giải quyết như: Với vai trò là dân tộc đại diện cho nền văn hóa các dân tộc thiểu số của tỉnh, “dân tộc Xêtiêng phải đi tiên phong trong xây dựng và phát triển một nền văn hóa đa dạng, là cầu nối trong giao lưu văn hóa các tộc người trong tỉnh cũng như các dân tộc thiểu số ở Tây nguyên và Đông Nam bộ” (*). Nhắc đến Bình Phước là nhắc tới dân tộc Xêtiêng với “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, chứa đựng nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, phong phú, đa dạng.
Muốn tồn tại và phát triển phải có sức mạnh nội sinh. Vì vậy, để hòa nhịp, giao lưu văn hóa với cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, nhất thiết phải xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc Xêtiêng ở tỉnh. Hiện nay, khoảng cách về “đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Xêtiêng so với các dân tộc khác trong tỉnh là khá lớn” (*). Ngoài sự phát triển kinh tế - xã hội, còn đòi hỏi những “quyết sách lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ” (*). Nói cách khác, việc đầu tư cho chiến lược đào tạo và phát triển con người phải thực sự ưu tiên hàng đầu.
Trong đồng bào dân tộc Xêtiêng ở Bình Phước đã xuất hiện và hoạt động trên lĩnh vực sáng tác, biểu diễn văn học nghệ thuật. 15 nghệ sĩ (chủ yếu là già làng ở các huyện, thị) đang là thành viên của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Số lượng này còn quá ít so với cộng đồng người Xêtiêng trong tỉnh. Các văn nghệ sĩ người Xêtiêng là những người am hiểu sâu sắc nhất những giá trị truyền thống dân tộc mình, lại có thêm sự hiểu biết về văn hóa các dân tộc anh em, sẽ là điều kiện để nâng cao vốn văn hóa nghệ thuật của dân tộc trong thời kỳ lịch sử mới. Từ đó tạo nên chất keo dính kết cho quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa tộc người được phát triển một cách bền vững và phong phú. Bên cạnh xây dựng sức mạnh nội sinh, trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa, cộng đồng Xêtiêng rất cần sự xã hội hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm tạo nguồn lực tổng hợp để phát triển.
* (Bài viết có tham khảo một số tài liệu).
Bùi Văn Tuyển
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065