BPO - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục và rèn luyện thanh niên trở thành con người mới xã hội chủ nghĩa, con người làm chủ xã hội tương lai. Khi nước nhà mới giành được độc lập, trong thư gửi các bạn thanh niên vào ngày 17-8-1947, Người đã khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra làm việc để chuẩn bị cho cái tương lai đó…”, (Hồ Chí Minh toàn tập, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội năm 2002, tập 5, trang 185).
Bác Hồ với thanh niên
Ngày 2-9-1965, trong thư gửi thanh niên nhân dịp chúc mừng lần thứ 20 Cách mạng tháng Tám thành công và nước Việt Nam dân chủ công hòa 20 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Phải luôn nâng cao chí khí cách mạng “trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Không sợ gian khổ, hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Phải tin tưởng sâu sắc ở lực lượng và trí tuệ của tập thể, của nhân dân. Tăng cường đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do. Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng, tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh, để giúp nhau cùng tiến bộ mãi. Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân. Luôn luôn chú ý dìu dắt và giáo dục thiếu niên và nhi đồng, làm gương tốt về mọi mặt cho đàn em noi theo”, (Sđd, tập 11, trang 504).
Có thể nói, những điều Bác dạy thanh niên là nội dung cơ bản của giáo dục cộng sản chủ nghĩa mà Bác đã khái quát hóa nhằm giáo dục và rèn luyện thanh niên để trở thành con người mới, phục vụ sự nghiệp cách mạng. Nâng cao chí khí cách mạng “trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, biểu hiện trước hết ở bản lĩnh chính trị, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở mỗi đoàn viên thanh niên. Người thanh niên có lý tưởng cách mạng phải là có dũng khí chiến đấu kiên cường bất khuất, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, giám xả thân vì nghĩa lớn, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng. Thanh niên trung thành với cách mạng là người thanh niên hiếu nghĩa với nhân dân, quán triệt và quyết tâm thực hiện tốt quan điểm, đường lối, các nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước. Bởi lẽ thực hiện những nghị quyết, chính sách ấy chính là quá trình thanh niên cụ thể hóa mục tiêu cách mạng, nhằm phục vụ lợi ích của Đảng và nhân dân lao động.
Thanh niên Việt Nam cần xung kích đi đầu trong sự nghiệp cách mạng, phải có tinh thần đổi mới tạo ra động lực lớn phát huy khả năng sáng tạo của thế hệ trẻ. Xung phong tình nguyện là thể hiện người thanh niên có lý tưởng cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật tự giác, có lòng tự trọng, trọng phẩm chất, danh dự. Lòng tự trọng đó rất phù hợp với yêu cầu của kỷ luật cách mạng cần được nâng lên thành ý thức tôn trọng kỷ luật, tôn trọng tập thể, tin tưởng sâu sắc ở lực lượng và trí tuệ của tập thể, của nhân dân. Bởi ý thức tổ chức kỷ luật cách mạng bao giờ cũng gắn liền với tình cảm, niềm tin và tinh thần tập thể. Bởi đó là nguồn gốc của sức mạnh và sức mạnh này lại được thể hiện ở lòng tin tưởng sâu sắc vào lực lượng và trí tuệ của tập thể, của nhân dân. Bác khuyên nhủ thanh niên không được đứng ra ngoài tập thể, đứng lên trên tập thể và tổ chức mà phải ở trong tập thể và tổ chức. Tinh thần tập thể và niềm tin cách mạng bắt nguồn tự chỗ người ta tự giác ngộ lý tưởng cách mạng, thất rõ con đường chiến đấu hy sinh là nghĩa vụ thiêng liêng cao đẹp, vì độc lập dân tộc và hạnh phúc của mình, là tinh thần đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau, nâng cao tình cảm cách mạng và ý thức tập thể “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”.
Bác căn dặn thanh niên phải luôn luôn đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Vì theo người, “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất cứ việc gì cũng xuất phát từ lòng ham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân. Chủ nghĩa cá nhân là kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội”, (Sđd, tập 9, trang 292). Đồng thời, Bác cũng căn dặn thanh niên phải luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị, chống kiêu căng, tự mãn, chống lãnh phí, xa hoa. Bác chỉ ra cho thanh niên đâu là đạo đức chân chính của người thanh niên chách mạng là đạo đức mới. Và theo Người, đạo đức mới “Như người hai chân đứng vững dưới đất, đầu ngẩng lên trời”, còn “đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất, chân chổng lên trời”, (Sđd, tập 6, trang 320). Và đạo đức mới chính là đạo đức cách mạng, là “cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”. Đạo đức cách mạng là biểu hiện của lối sống cao đẹp của người cách mạng, sống trung thực, thủy chung, tôn trọng con người, chính trực, không thiên vị, luôn phấn đấu hết mình để thực hiện những lý tưởng cao đẹp. Vì thế, thanh niên phải ra sức học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật để giúp nhau rèn đức, luyện tài, xung phong tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, Bác dạy thanh niên phải có trách nhiệm lớn với sự nghiệp chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng, luôn luôn chú ý dìu dắt và giáo dục thiếu niên, nhi đồng, làm gương tốt về mọi mặt cho đàn em noi theo. Vì thiếu nhi là thế hệ măng non của đất nước, nên cần được vun đắp và bồi dưỡng làm sao cho bản chất tốt đẹp và khả năng cách mạng trọng các em ngày càng được phát huy. Và thực tế cho thấy, trẻ em bao giờ cũng nhìn vào thanh niên để học tập. Do đó, đoàn viên thanh niên phải là tấm gương sáng cho thiếu niên, nhi đồng noi theo. Trong quan hệ với thiếu nhi, đoàn viên thanh niên phải là người giúp Đảng phụ trách chính, phải xung phong làm gương mẫu trong công tác, trong đạo đức cách mạng, làm tốt nhiệm vụ chăm lo, dìu dắt các em, mà nội dung chính của công việc này là hướng dẫn các em thiếu nhi thực hiện tốt 5 điều Bác dạy: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; học tập tốt, lao động tốt; đoàn kết tốt kỷ luật tốt; giữ gìn vệ sinh thật tốt; khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”, (Sđd, tập 10 trang 356).
NV
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065