Sáng tạo trong dạy học
Thời gian qua, tại các trường mầm non trong huyện, phong trào cô giáo làm đồ dùng dạy học được lan tỏa mạnh mẽ, nhiều đồ dùng dạy học, đồ chơi sáng tạo được làm từ các loại phế liệu như hộp giấy, ly nhựa, chai nhựa, lon sữa... Từ đó góp phần làm cho các tiết dạy thêm phong phú, trẻ có nhiều đồ chơi hơn, đồng thời giáo dục các em nâng cao ý thức trong giữ gìn vệ sinh môi trường. Cô Hoàng Thị Tuệ, Hiệu trưởng Trường mầm non Sao Mai, thị trấn Chơn Thành cho biết: “Ở lứa tuổi mầm non, trẻ học mà chơi, chơi mà học nên các cô luôn có nhiều sáng kiến đổi mới, sáng tạo trong dạy học. Qua đó, giúp trẻ phát triển cả đức, trí, thể, mỹ. Đầu năm học mới, các cô đã tự làm đồ chơi, đồ dùng học tập cho trẻ. Hưởng ứng chủ trương đổi mới giáo dục của ngành, các cô đã phối hợp linh hoạt nhiều phương pháp tổ chức dạy và học để phát huy tính tích cực của trẻ, rèn luyện kỹ năng học tập, vui chơi cũng như kỹ năng sống cho trẻ”.
Giáo dục truyền thống lịch sử cho thiếu nhi Chơn Thành thông qua chuyến về nguồn tại Khu di tích Tà Thiết (Lộc Ninh)
Với phương châm giáo dục trẻ phát triển toàn diện, nhất là dạy kỹ năng sống, cô Nguyễn Thị Phương, giáo viên Trường mầm non Minh Long, xã Minh Long nói: “Trẻ được các cô dạy kỹ năng sống thông qua việc tự phục vụ nhu cầu bản thân như: tự xúc ăn, tự đánh răng, xếp nệm gối... qua đó tạo cho trẻ thói quen ngăn nắp, gọn gàng. Trẻ còn được làm quen với môi trường ngoài lớp, giao lưu, tham quan vườn cổ tích, vườn cây của bé... để khám phá những điều mới lạ và tự tin thể hiện bản thân. Thực hiện hiệu quả giáo dục kỹ năng sẽ giúp trẻ thích nghi tốt trong cuộc sống, khả năng hòa nhập nhanh và tự tin khi bước vào bậc tiểu học”.
giáo dục phát triển toàn diện trẻ em
Thực tế hiện nay, sự tự phục vụ, tự quản của học sinh vẫn yếu, nhiều em còn phụ thuộc cha mẹ, thầy cô, bạn bè, chưa chủ động thực hiện công việc được giao, chưa mạnh dạn, tự tin trước tập thể... Do đó, các trường đã giáo dục kỹ năng cho học sinh tự phục vụ bản thân thông qua hoạt động vệ sinh, lao động, trải nghiệm. Đối với hoạt động vệ sinh ăn trưa và tự phục vụ ăn uống, các em cùng nhau sắp xếp bàn ghế để chuẩn bị ăn, xếp ghế vào chỗ cũ sau khi ăn, dọn khay ăn của mình... Hoạt động này rèn học sinh kỹ năng sống tự lập, có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Anh Nguyễn Văn Thưởng ở khu phố 2, thị trấn Chơn Thành, có con học lớp 3, Trường tiểu học và THCS Lương Thế Vinh chia sẻ: “Trước đây, con hay phụ thuộc vào ba mẹ, tuy nhiên qua 2 năm học ở trường, được giáo dục kỹ năng sống nên con đã biết tự lập, tự phục vụ, tự giác học tập và biết yêu thương các bạn, các em nhỏ hơn mình. Con còn biết làm việc nhà phụ ba mẹ”.
Trong năm học vừa qua, ở một số trường THCS như Minh Long, Nha Bích..., nhà trường đã phối hợp tổ chức giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Các em được chuyên gia tâm lý truyền đạt, phổ biến những kiến thức về: quyền trẻ em, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; kỹ năng phòng vệ, phòng tránh thương tích cho trẻ như tránh xâm hại tình dục, bạo lực học đường, phòng chống đuối nước; trang bị các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, an toàn khi tham gia giao thông. Nhà trường còn tổ chức các hoạt động văn hóa, giải trí, thể dục thể thao, du lịch, tham quan an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong dịp hè. Các em còn được tìm hiểu tâm sinh lý tuổi dậy thì, hướng dẫn kỹ năng, trình bày thông điệp, phát hiện vấn đề và đối thoại, thực hành diễn đàn với chủ đề về tình yêu quê hương đất nước, tình cảm bạn bè, thầy cô và mái trường mến yêu.
Thông qua các chương trình nhằm trang bị thêm cho học sinh một số kỹ năng sống để tự bảo vệ bản thân, hướng tới cuộc sống lành mạnh về thể chất và tinh thần, sống có ích cho gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng xã hội, gia đình và nhà trường việc thực hiện các quyền về trẻ em. Tạo cho các em quyền làm chủ, được mạnh dạn bày tỏ cảm xúc, thể hiện những điều mà trẻ cần được xã hội và người lớn chia sẻ.
Đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đã góp phần giúp các em nâng cao ý thức, tích cực trong học tập, sáng tạo. Điều này được chứng minh qua cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng hằng năm. Năm học 2018-2019, cấp cơ sở ở huyện Chơn Thành đã nhận được hơn 500 mô hình, sản phẩm của các em tham gia cuộc thi. Qua đánh giá, sàng lọc đã nộp về huyện dự thi 57 sản phẩm. Trong đó có 23 sản phẩm được cấp huyện xét chấm vòng chung khảo (3 sản phẩm khối tiểu học, 11 sản phẩm khối THCS, 9 sản phẩm khối THPT). Các mô hình, sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực: công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; cơ khí tự động hóa, vật liệu hóa chất, năng lượng; nông, lâm, ngư nghiệp; tài nguyên, môi trường. Ban giám khảo đã chấm điểm và lựa chọn 11 sản phẩm trao giải cấp huyện; trong đó 3 giải nhất, 3 giải nhì, 1 giải ba và 4 giải khuyến khích.
Việc giáo dục kỹ năng sống và rèn luyện sức khỏe cho học sinh là vấn đề quan trọng, không chỉ khơi dậy và phát huy khả năng, năng khiếu của các em mà còn góp phần hình thành nhân cách đạo đức giúp trẻ phát triển về đức, trí, thể, mỹ.
Tiến Công
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065