Học sinh mặc trang phục của dân tộc mình trong ngày thứ hai đầu tuần
Cán đích chuẩn quốc gia
Thầy Dương Minh Châu, Hiệu trưởng cho biết: “Muốn xây dựng trường chuẩn phải xác định chất lượng giáo dục là hàng đầu. Để làm được điều đó trước hết phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Do vậy, hàng năm trường đều cử giáo viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trong đó ưu tiên những giáo viên trẻ. Đến nay, 100% giáo viên của trường đạt chuẩn và trên chuẩn. Năm học 2013-2014, trường có 11 giáo viên giỏi cấp trường và 3 giáo viên giỏi cấp tỉnh. Ban giám hiệu yêu cầu giáo viên phải tự đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đặc trưng của từng môn. Trong giảng dạy phải lấy học sinh làm trung tâm, đồng thời lồng ghép các phương pháp dạy tích hợp, liên môn hoặc tổ chức dạy theo nhóm, sơ đồ tư duy... giúp học sinh tiếp thu bài nhanh hơn”.
Để tạo nguồn tài liệu phục vụ giảng dạy và học tập, nhà trường đã xây dựng “nguồn học liệu mở”. Đây là nơi lưu trữ tất cả những câu hỏi, bài tập, giáo án, tài liệu tham khảo, tư liệu dạy học, sáng kiến kinh nghiệm... của thầy cô. Hệ thống tài liệu này được cập nhật trên website của nhà trường để giáo viên, học sinh tham khảo và trao đổi kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Trường còn dạy bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu kém. Nhờ đó, năm học 2013-2014 trường có 66 học sinh giỏi (19,4%), tăng 42 em so với năm học 2012-2013; 165 học sinh khá (48,4%)... Riêng học kỳ I năm học này, trường có 57 học sinh giỏi, tăng 21 em và 159 học sinh khá, tăng 9 em so với cùng kỳ năm học trước. Thầy Dương Minh Châu khẳng định: Thuận lợi lớn nhất đối với trường là 100% học sinh đều ở lại ký túc xá nên mỗi tối trường đều tổ chức học tập trung cho các em ngay tại lớp chính khóa từ 19 đến 21 giờ 30 phút. Thời gian này, những giáo viên trong tổ quản lý học sinh (5 người) chịu trách nhiệm giám sát các em học bài.
Em Hứa Thị Minh Phương, học sinh lớp 12A cho biết: “Mỗi bạn có học lực khác nhau nên qua việc học tập trung, chúng em có thể hỗ trợ nhau học bài. Trong thời gian học, chúng em thường tập trung giải các bài tập khó. Nếu không hiểu có thể hỏi các bạn trong lớp hoặc khác lớp hay thầy cô”.
Nhờ đổi mới phương pháp dạy và quản lý tốt học sinh nên năm học 2013-2014, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia và là 1 trong 2 trường khối THPT đầu tiên của tỉnh đạt kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục - đào tạo.
Giúp học sinh giữ gìn văn hóa dân tộc
Trường xây dựng phong trào “Mỗi thầy cô gắn với một địa chỉ cụ thể” và phối hợp Hội chữ thập đỏ hỗ trợ học sinh nghèo. Tết Nguyên Đán Ất Mùi 2015, trường vận động được 81 phần quà (mỗi phần 300 ngàn đồng) hỗ trợ học sinh nghèo đón tết. |
Trường hiện có 360 học sinh với 13 thành phần dân tộc anh em. Vì vậy, việc gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc cho học sinh được trường đặc biệt quan tâm. Hiện trường đang duy trì môn “Bản sắc văn hóa dân tộc”. Môn học này giúp các em hiểu sâu về bản sắc văn hóa dân tộc mình và các dân tộc bạn, từ đó hiểu nhau, sống đoàn kết hơn. Trường còn mời ông Điểu Hơl, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh về dạy các chuyên đề: văn hóa cồng chiêng, đời sống sinh hoạt văn hóa dân tộc bản địa...
“Trường còn xây dựng phòng truyền thống và vận động thầy, trò tìm dụng cụ đặc trưng của đồng bào DTTS để lưu giữ, làm tư liệu cho học sinh tham quan trong thời gian học ngoại khóa. Đội ngũ giáo viên được dạy tiếng Xêtiêng để có thể nói chuyện và nắm bắt được tâm lý học sinh. Từ đó có phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn” - thầy Châu cho hay.
Nhiều học sinh người DTTS có năng khiếu và đam mê văn nghệ - thể thao. Vì thế, trường thường xuyên tổ chức hội thi văn nghệ, trình diễn nhạc cụ dân tộc và khuyến khích các em tham gia, thể hiện các tiết mục mang đậm bản sắc của dân tộc mình. Thứ hai hàng tuần, trường yêu cầu các em mặc trang phục dân tộc để các em nhớ về cội nguồn và có ý thức gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc. Em Thị Út Nhung, học sinh lớp 12D cho biết: “Những hoạt động trên giúp em có cơ hội thể hiện nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Chúng em cũng tự tin hơn và sống hòa đồng với tất cả các bạn. Thầy cô còn học và nói tiếng Xêtiêng nên chúng em cảm thấy môi trường giáo dục gần gũi, tạo động lực cho chúng em học tốt hơn”.
Thùy Hương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065