Học sinh lớp 9A4, Trường THCS Tân Thành trong giờ học
Áp lực giáo viên chủ nhiệm
Học kỳ I, năm học 2015-2016, lớp 9A4 do cô Nguyễn Thị Thanh Hồng chủ nhiệm, có 2 chị em sinh đôi là Võ Thị Hồng Hoa và Võ Thị Hồng Mai, ngụ ấp Tân Lập bỏ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn; mẹ bỏ nhà đi khi 2 chị em còn nhỏ nên không có tiền đóng học phí. Khi đến vận động các em trở lại lớp, cô Hồng hứa sẽ lùi thời gian nộp tiền cho 2 em vào cuối năm và miễn giảm các khoản đóng góp khác. Thêm nữa, được người thân tích cực ủng hộ nên Hoa và Mai đã trở lại lớp trong niềm vui của thầy cô, bạn bè. Niềm vui không được bao lâu thì sau tết Nguyên đán Bính Thân, lớp 9A4 lại có 2 em nghỉ học dài ngày không lý do, đó là Nguyễn Thị Thu Vận và Nguyễn Hoàng Tia, cùng ngụ ấp Tân Hội. Vận thuộc diện học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mẹ mất sớm, cha đi bước nữa nên em phải ở với ông bà ngoại. Cô Hồng cho biết, dù đến nhà vận động 3 lần với nhiều giải pháp khác nhau nhưng do Vận không muốn đi học nên đành chịu. Khác với Vận, em Tia thuộc gia đình khá giả nhưng do học yếu, ham chơi, gia đình lại không hợp tác nên khó vận động. “Đầu năm học nếu ai được phân công làm chủ nhiệm lớp thì năm đó xác định là hoàn thành nhiệm vụ, bởi nếu 1 em trong lớp bỏ học thì không xét thi đua, trong khi để duy trì sĩ số 100% từ đầu đến cuối năm học thì hầu như không năm nào đạt. Trong 14 năm giảng dạy, chỉ có năm học 2012-2013 và 2013-2014 tôi đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, bằng khen của UBND tỉnh, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh môn Địa lý, vì 2 năm đó tôi không làm chủ nhiệm, còn lại đều là hoàn thành nhiệm vụ” - cô Hồng nói.
Gần 20 năm công tác tại trường với nhiều cương vị khác nhau nhưng khi được phân công chủ nhiệm lớp, thầy Hồ Thanh Nghĩa rất lo lắng. Thầy cho biết, năm nào làm chủ nhiệm lớp thì năm đó không xét thi đua, vì lớp luôn có từ 1-3 em bỏ học. Để duy trì sĩ số, vào đầu năm học thầy Nghĩa nắm chắc địa chỉ, số điện thoại phụ huynh, người thân, khi em nào có ý định hoặc bỏ học thì thông tin đến phụ huynh và phối hợp vận động nhưng tỷ lệ học sinh quay lại lớp rất ít. Thầy Nghĩa kể, có trường hợp bỏ học vì nghiện game, khi giáo viên đến vận động, phụ huynh nói thẳng: “Cho cháu đến lớp cũng được nhưng thầy phải cam kết đưa về tận nhà. Con tôi, tôi giữ còn không nổi huống gì thầy”. Có trường hợp là con bí thư chi bộ ấp, gia đình khá giả, lại là học sinh giỏi cấp huyện, đang bồi dưỡng chuẩn bị thi vòng tỉnh thì bất ngờ bỏ học. Khi đến gia đình vận động thì em đã bỏ nhà xuống Bình Dương làm công nhân...
Chưa có “thuốc đặc trị”
Năm học 2015-2016, toàn huyện Bù Đốp có 35 học sinh bậc THCS bỏ học, trong đó phần lớn là học sinh Trường THCS Tân Thành. Thầy Triệu Quốc Anh, Hiệu trưởng cho biết: Năm học này, trường có 19 học sinh bỏ học (trước tết 10, sau tết 9), tăng 7 em so với năm học trước và số lượng có thể tăng, vì còn hơn 2 tháng nữa mới kết thúc năm học. So với nhiều địa bàn, học sinh bỏ học thường là con em người dân tộc thiểu số nghèo nhưng ở Trường THCS Tân Thành thì ngược lại. Hằng năm, trường có khoảng 600 học sinh theo học, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm khoảng 10% và phần lớn là đồng bào Tày, Nùng ngoan, chăm học. Học sinh bỏ học thường ham chơi, học lực yếu, kém, lưu ban, gia đình phó mặc cho trường, ít quan tâm, nhất là con em các hộ mới nhập cư. Tỷ lệ khá, giỏi hằng năm của trường khoảng 35%; yếu, kém 30%; lưu ban trên 3%. Khối 6 có tỷ lệ học sinh yếu, kém, lưu ban nhiều nhất, vì mất kiến thức căn bản ở bậc tiểu học và đây cũng là khối có tỷ lệ bỏ học nhiều.
Để nâng cao chất lượng và duy trì sĩ số, trường đã sử dụng mọi giải pháp như đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường phụ đạo học sinh yếu, kém; tham mưu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ, thể dục - thể thao tạo sân chơi lành mạnh; vận động, quyên góp hỗ trợ sách vở, quần áo, xe đạp, gạo, miễn giảm các khoản đóng góp cho học sinh nghèo, khó khăn... Tuy nhiên, tỷ lệ bỏ học vẫn luôn ở mức báo động, nhất là dịp sau tết Nguyên đán, các em thường theo cha mẹ vào rẫy lượm điều nên trường rất khó vận động.
Nhiều giáo viên cho rằng, để duy trì sĩ số thì các cấp chính quyền, đoàn thể ngoài sự phối hợp vận động cũng nên tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân. Vì phụ huynh là chủ thể trực tiếp mà không hợp tác, quan tâm, tạo điều kiện thì rất khó thực hiện. Hiện UBND huyện Bù Đốp chỉ đạo UBND các xã, thị trấn không xét gia đình văn hóa các hộ có con em bỏ học; không xét khu dân cư, khu phố văn hóa nếu có tỷ lệ học sinh bỏ học cao.
“Từ năm học 2003-2004 đến nay, khi tỷ lệ học sinh bỏ học là một trong những tiêu chí xét thi đua hằng năm thì chỉ duy nhất năm học 2014-2015 (năm có học sinh bỏ học ít nhất 12 em) tập thể trường được xếp loại tiên tiến, Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, ban giám hiệu hoàn thành tốt nhiệm vụ, còn lại đều là hoàn thành nhiệm vụ, nguyên nhân vì tỷ lệ học sinh bỏ học luôn ở mức cao” - thầy Anh cho biết thêm.
Vũ Thuyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065