SỐT XUẤT HUYẾT DIỄN BIẾN PHỨC TẠP
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến ngày 22-9-2019, toàn tỉnh có hơn 6.900 ca mắc SXH, trong đó 3 ca tử vong. Huyện Bù Gia Mập có tỷ lệ mắc SXH tăng cao thứ 2 của tỉnh, đứng sau huyện Bù Đốp.
Người dân chủ quan
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Bù Gia Mập, đến ngày 22-9-2019, toàn huyện có khoảng 500 ca mắc SXH, so cùng kỳ năm trước tăng 426%. Kết quả giám sát cho thấy, nhiều gia đình còn để dụng cụ chứa nước có lăng quăng, chứng tỏ công tác tuyên truyền cộng đồng mang lại hiệu quả chưa cao; một bộ phận người dân chưa thay đổi hành vi phòng, chống SXH.
Ông Nguyễn Thanh Quang, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bù Gia Mập cho biết: Đa số người dân có kiến thức phòng, chống dịch bệnh, nhưng chưa ý thức chuyển đổi thành hành vi thực hiện để bảo vệ sức khỏe cá nhân, gia đình và cộng đồng. Một số người dân còn chủ quan coi việc diệt lăng quăng là trách nhiệm của ngành y tế, chính quyền cơ sở. Bên cạnh đó, tình hình di biến động dân cư trên địa bàn huyện diễn ra mạnh mẽ nên việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, nhất là tuyên truyền gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận người dân thiếu hợp tác với cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch bệnh, nhất là xử lý môi trường, phun hóa chất.
Cán bộ, nhân viên ngành y tế giám sát chỉ sỗ muỗi và lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết tại địa bàn thị xã Bình Long
Là hộ hiếm hoi ở thôn Đắk Côn, xã Bù Gia Mập không có người mắc SXH, chị Bùi Thị Hà cho biết: Năm trước, gia đình tôi chủ quan không thực hiện các biện pháp phòng, chống nên có thành viên bị mắc SXH. Năm nay, ngay từ đầu mùa mưa tôi nhắc cả nhà để ý úp các vật dụng chứa nước không cần thiết xung quanh nhà để muỗi không có chỗ sinh sản và phát triển. Ban ngày nếu đi rẫy phải mặc quần áo dài tay, ban đêm ngủ màn, chạng vạng tối muỗi bay nhiều thì đốt nhang xua muỗi. Nhờ nhắc thường xuyên nên các thành viên trong gia đình tự giác dọn dẹp nhà cửa, nâng cao ý thức phòng bệnh, vì thế không có ai bị mắc SXH.
Tuy nhiên, xung quanh khu vực gia đình chị Hà sinh sống hầu như nhà nào cũng có người mắc SXH, thậm chí có hộ 4 người cùng mắc phải nhập viện để theo dõi và điều trị. Chị Hà cho rằng, bị mắc SXH chủ yếu là do chủ quan, không chủ động vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh.
Không phối hợp thực hiện phòng dịch bệnh
Đến nay, dù dịch bệnh SXH trên địa bàn huyện Bù Gia Mập có giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp do khí hậu thất thường, số ca mắc ở tất cả các xã... Bên cạnh những khó khăn về yếu tố khoảng cách địa lý thì công tác phối hợp tổ chức phòng chống dịch ở cơ sở còn nhiều bất cập. Ông Điểu Đăng Lang, Trưởng trạm Y tế xã Đắk Ơ cho biết: Thực hiện kế hoạch diệt lăng quăng của huyện, trạm đã tham mưu UBND xã tổ chức triển khai các hoạt động nhưng không có kinh phí nên rất khó khăn, nhất là ở các thôn, ấp vùng sâu, xa. Dù đã tuyên truyền vận động người dân diệt lăng quăng nhưng ít người làm, thậm chí không nghe; nhiều người lơ là, chủ quan với dịch bệnh.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang được theo dõi, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bù Gia Mập
Khó khăn nữa là Trung tâm Y tế huyện Bù Gia Mập không còn dung dịch cao phân tử để chống sốc cho bệnh nhân SXH nặng. Vì vậy, khi thu dung bệnh nhân mắc SXH có dấu hiệu nặng, trung tâm chỉ xử lý ban đầu rồi chuyển tuyến trên. Trước nguy cơ thiếu dung dịch cao phân tử, ngày 23-9-2019, Sở Y tế có Công văn số 1950/SYT-NV đề nghị cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn liên hệ với các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thuốc để chủ động lập dự trù, thực hiện mua sắm, đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh SXH. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Quang, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bù Gia Mập cho biết: Hiện trung tâm đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn dự trù cơ số dịch truyền cao phân tử để cấp cứu bệnh nhân nặng nhưng vẫn chưa mua được vì hầu hết các cơ sở cung cấp thông báo thuốc đã ngưng sản xuất.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH, Trung tâm Y tế huyện Bù Gia Mập đang nỗ lực thực hiện tốt công tác giám sát dịch bệnh, đặc biệt là giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để. Trung tâm chủ động dự báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện để ứng phó hiệu quả trước diễn biến bất thường của dịch bệnh, kể cả dịch bệnh mới phát sinh; đảm bảo cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế cho công tác phòng, chống dịch; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch bệnh.
Phương Dung
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065