HỌC “NGOẠI NGỮ” MỚI
>> Bài 1: Rào cản trong dạy và học tiếng Việt
>> Bài 2: Giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS
BP - Song song với việc dạy tiếng Việt cho học sinh, để nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số (DTTS), tại các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh đang triển khai dạy tiếng DTTS cho giáo viên và cho chính các em người DTTS. Đây không chỉ là một chương trình giáo dục mà còn là một giải pháp văn hóa đậm chất nhân văn.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 trường dân tộc nội trú, trong đó 3 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS gồm: Bình Long, Lộc Ninh, Bù Đăng đã và đang tổ chức lớp học tiếng DTTS cho giáo viên và học sinh.
THẦY CÔ CÙNG HỌC
Đến Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Lộc Ninh, chúng tôi thấy cô Phạm Ngọc Trâm, Hiệu trưởng trường đang cầm tập tài liệu tiếng Khơme. Hai quyển “Tài liệu học vần chữ Khơme” tập 1 và 2, một quyển giáo trình của Bộ GD-ĐT, một quyển “Đàm thoại Việt - Khơme” của tác giả Ngô Chân Lý được cô Trâm đặt trên bàn làm việc hằng ngày. Phổ thông dân tộc nội trú THCS Lộc Ninh là trường có học sinh thuộc 4 thành phần dân tộc, trong đó người Khơme khoảng 60% nên Ban giám hiệu quyết định chọn ngôn ngữ này dạy cho cả học sinh và giáo viên. Là huyện giáp biên giới Campuchia nên tiếng Khơme trở nên phổ biến, việc học ngôn ngữ này cần thiết. Năm 2011, thực hiện chỉ đạo của Sở GD-ĐT, trường mở lớp dạy 2 buổi/tuần cho giáo viên, cán bộ, nhân viên và năm 2013 mỗi tuần một buổi đối với học sinh từ lớp 6 đến lớp 9.
Giáo viên, cán bộ, nhân viên Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Lộc Ninh trong buổi học tiếng Khơme và xem như học môn ngoại ngữ mới
Hiện cán bộ, giáo viên, nhân viên trường đã học được những vấn đề cơ bản của tiếng Khơme. Trong tiết học, ngoài việc trau dồi thêm từ mới và cách phát âm cho chuẩn, hầu hết học viên đều có thể giao tiếp, tự giới thiệu về bản thân, cách chào, hỏi thăm sức khỏe. Nhiều từ thường sử dụng trong đời sống được thầy cô nói rất lưu loát. Trong quyển giáo trình trường tự trang bị, chúng tôi thấy bên cạnh chữ Khơme, các thầy cô dùng bút chì phiên âm sang tiếng Việt để dễ đọc. Những tờ giấy được đóng thành từng quyển nháp đã chi chít chữ, vì người học phải ghi rất nhiều lần mới có thể nhớ mặt chữ và phát âm đúng.
Phòng học nhạc cụ, cứ thứ 4 và thứ 7 hằng tuần lại được dọn dẹp, sắp bàn ghế để học. Lớp học chia làm 2 ca, giáo viên luân phiên đứng lớp, ca 1 học, ca 2 dạy học sinh. Cứ như vậy, lớp học của các thầy cô kéo dài hơn 4 năm qua. Những thầy cô vốn dĩ là người truyền đạt kiến thức cho học sinh nhưng sau giờ đứng lớp, họ cũng cặm cụi, nắn nót từng nét chữ, cố gắng phát âm cho thật chuẩn, thuộc hết mặt chữ, tập đối thoại.
HỌC ĐỂ HIỂU RÕ HƠN VĂN HÓA DÂN TỘC MÌNH
Tiếng Khơme đối với học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Lộc Ninh đã trở thành môn học chính thức. Hằng tuần, mỗi tiết học giáo viên đến lớp chuẩn bị giáo án, ghi sổ đầu bài, kiểm tra bài cũ và có cả bài đánh giá chất lượng cuối kì, không khác những môn học thông thường khác.
Học chữ Khơme cũng như một môn ngoại ngữ mới. Dù bận rộn với công việc chuyên môn nhưng giáo viên, nhân viên trong trường học rất nghiêm túc, chăm chỉ. Tôi học từ mới, ôn lại bài cũ rất thích thú. Tận dụng mọi thời gian rảnh, ngoài việc học trên lớp, chúng tôi được thầy giáo copy những bài đối thoại vào điện thoại di động, nên có thể tranh thủ học mọi nơi, mọi lúc. Thời gian tới, trường sẽ đăng ký lớp 6 tháng, học liên tục, kết thúc khóa học sẽ tổ chức thi theo đề chung và được cấp chứng chỉ. Thầy LÊ VIẾT TUẤT, giáo viên dạy môn Sử, Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Lộc Ninh |
Cùng tham dự một tiết học tiếng Khơme của học sinh lớp 7, chúng tôi ghi nhận, hầu hết các em đều viết và đọc được 33 phụ âm, biết ghép nguyên âm, phụ âm để thành câu có nghĩa. Học sinh là người Khơme có khả năng tiếp thu bài rất nhanh, vì đây là tiếng của dân tộc các em nhưng cũng không khó đối với học sinh dân tộc S’tiêng, Tày, Nùng... Mỗi tiết học, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, các em bước đầu làm quen và nhanh chóng học được tiếng Khơme.
Em Thị Tha nói: “Em đã học được 2 năm. Khó nhất là cách viết nên ngày nào em cũng ôn lại, làm hết bài tập thầy giáo giao. Bây giờ em có thể viết được chữ Khơme”. Thị Tha cho biết, em muốn học chữ Khơme để viết được tên mình và đọc những cuốn sách viết bằng tiếng mẹ đẻ. Qua đó tìm hiểu văn hóa, con người dân tộc mình, học để được đi đây đi đó và không quên nguồn cội.
Có 70% học sinh là đồng bào S’tiêng nhưng nhận thấy sự quan trọng và cần thiết của tiếng Khơme nên Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Bình Long cũng cho học sinh học ngôn ngữ này. Điểu Khoa, học sinh lớp 7A1 cho biết: “Em là người S’tiêng. Năm lớp 6 em đã được học tiếng Khơme. Đến nay em có thể hiểu các bạn người Khơme nói gì. Em sẽ cố gắng học nhiều hơn để có thể giao tiếp bằng tiếng Khơme”.
NẾU NHƯ...
Học tiếng DTTS, cách phát âm khó nhất là âm chân, vì đây là âm hỗ trợ cho việc phát âm rõ nghĩa của từng từ. Nếu được học liên tục và có môi trường giao tiếp tốt, chỉ gần 3 năm là người học có thể giao tiếp lưu loát giống như người bản địa và có thể viết như một ngôn ngữ thông thường. Nếu khắc phục những khó khăn và hạn chế này thì việc học tiếng Khơme, S’tiêng sẽ hiệu quả hơn, góp phần phát triển giáo dục đối với vùng biên giới, nơi có nhiều đồng bào DTTS sinh sống. Thầy LÂM RA ĐÔ, giáo viên Trường tiểu học Tân Hiệp B, xã Tân hiệp, huyện Hớn Quản, là người được Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Bình Long mời làm cộng tác viên giảng dạy tiếng Khơme từ năm học 2013-2014 chia sẻ. |
Khó khăn lớn nhất với cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các trường dân tộc nội trú khi học tiếng DTTS là hạn chế về thời gian và không có giáo viên người DTTS trong trường trực tiếp giảng dạy. Cô Phạm Ngọc Trâm cho biết thêm: “Giáo viên rất bận rộn với công tác chuyên môn, phong trào, họp hành, kiểm tra... nên ít có thời gian trau dồi tiếng DTTS. Bên cạnh đó, trường không có giáo viên người Khơme nên nhờ thầy giáo ở trung tâm giáo dục thường xuyên về dạy. Công việc của thầy nhiều nên học không thường xuyên. Nếu có một biên chế giáo viên tiếng Khơme thì sẽ hiệu quả hơn”.
Với Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Bình Long từ năm 2013 đã tổ chức dạy mỗi tuần 2 buổi tiếng Khơme cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 8, mỗi tuần 1 buổi tiếng S’tiêng cho giáo viên, nhân viên và cũng không tránh được những khó khăn . “Năm 2014, trường có một giáo viên người S’tiêng nên giao việc dạy cho thầy cô trong trường. Với học sinh, chúng tôi vẫn phải nhờ giáo viên người Khơme cộng tác với trường giảng dạy. Chúng tôi đang đề nghị Sở GD-ĐT cho một biên chế giáo viên người Khơme để việc học của học sinh đạt kết quả cao hơn” - cô Hoàng Thị Thiên Kim, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Bình Long chia sẻ.
Hải Yến
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065