GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG TIẾNG VIỆT CHO HỌC SINH DTTS
>> Bài 1: Rào cản trong dạy và học tiếng Việt
BP - Tiếng Việt đối với học sinh lớp 1 người DTTS giống như một môn ngoại ngữ. Điều kiện để trẻ vào tiểu học là phải biết tiếng Việt, từ đó mới có thể tiếp thu kiến thức các môn học khác. Thế nhưng, ở nhiều điểm lẻ các trường tiểu học có đông đồng bào DTTS sinh sống, việc thực hiện điều kiện này lại vô cùng khó khăn. Để giao tiếp được bằng tiếng Việt phải trải qua quá trình rèn luyện lâu dài của các em cùng sự nỗ lực, kiên trì của giáo viên đứng lớp.
TÂM HUYẾT VỚI HỌC SINH
Chúng tôi có dịp tham dự buổi học tăng cường tiếng Việt của học sinh lớp 1 ở điểm lẻ Bù Núi, Trường tiểu học Lộc Tấn B (Lộc Ninh). Để các em dễ tiếp thu, giáo viên đứng lớp vừa chỉ cho học sinh biết tên đồ vật vừa giải thích cặn kẽ cấu trúc của từ, câu thông qua việc nhìn - đọc - hiểu. Tuy vậy, với một số từ khó, những bài tập đọc, tập viết mới, các em phát âm rất hạn chế hoặc ghép vần sai. Cô Lê Thị Quỳnh Như, giáo viên phụ trách lớp cho học sinh đọc từ ghép “tiếng hót” nhưng vẫn có một số em phát âm là “tiêng hot”. Khi ghép trên bảng chữ cái vần “ót”, một số em không biết điền dấu hoặc có điền nhưng bị sai thành “òt”.
Một tiết tăng cường tiếng Việt ở điểm lẻ ấp Bù Núi, Trường tiểu học Lộc Tấn B, xã Lộc Tấn
Cô Như chia sẻ: “Đa số học sinh DTTS, không chỉ lớp 1 mà lớp 2 phát âm vẫn rất khó, nhiều từ không dấu đọc thành có dấu, từ có dấu các em lại tự bỏ dấu... Để rèn cho học sinh đọc đúng, thông thạo tiếng Việt, chúng tôi phải nỗ lực, kiên trì rất nhiều”. Lớp của cô Như có 27 học sinh, trong đó gần 80% là học sinh dân tộc S’tiêng. Điểm trường Bù Núi hầu hết trẻ đều không ra lớp mầm non nên việc học tiếng Việt đối với học sinh lớp 1 rất khó. Khi mới nhận lớp, cô Như phải chỉ cho các em cách cầm bút, cũng như chào hỏi để học sinh dần quen với môi trường học tập. “Có nhiều trường hợp ra lớp 1 nhưng học sinh không có giấy khai sinh, trường vẫn phải nhận và làm giấy khai sinh cho các em. Học sinh tiếp thu bài rất chậm, tôi tranh thủ rèn thêm cho các em vào giờ ra chơi và thường xuyên nói chuyện bằng tiếng Việt với học sinh. Đây cũng là cách dạy hiệu quả nhưng đòi hỏi giáo viên phải kiên trì và tâm huyết” - cô Như nói.
Với các điểm trường xa trung tâm huyện, việc dạy và học tiếng Việt càng khó khăn hơn. Tiểu học Thuận Lợi B là trường xa trung tâm của huyện Đồng Phú. Ngoài điểm chính, trường có 3 điểm lẻ, trong đó 2 điểm lẻ 100% học sinh dân tộc S’tiêng. Đến điểm lẻ Cầu Đôi ở ấp Thuận Tiến, chúng tôi thấy cô giáo Bùi Thị Hà đang dạy 7 học sinh tập đọc. Đứng bên ngoài, nếu không lắng nghe kỹ thì không thể biết các em đang phát âm chữ gì. Cô Hà đang hướng dẫn cho học sinh làm quen với đề kiểm tra học kỳ 1, tập cho các em nối từ với hình ảnh phù hợp. Cô Hà giải thích, ở lớp chú trọng tăng cường tiếng Việt và dạy học sinh làm phép toán nên không đủ thời gian hướng dẫn những mẫu đề kiểm tra.
“Đầu tháng 8 tôi nhận lớp. Cả lớp có 7 học sinh nhưng đến 5 em phải cầm tay uốn chữ, vất vả không khác gì dạy lớp có 25-30 học sinh. Các em gần như không biết sử dụng tiếng Việt. Lớp 1 thường hơn 10 giờ là nghỉ nhưng có hôm đến hơn 12 giờ, tôi mới được về, bởi các em tiếp thu bài rất chậm” - cô Hà cho biết.
NHIỀU GIẢI PHÁP ĐƯỢC ÁP DỤNG
Tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS và học sinh học yếu môn tiếng Việt là chủ trương đúng giúp các em dễ tiếp thu bài. Ngay từ đầu năm học, ngoài chỉ đạo của Sở GD-ĐT, các trường có đông học sinh DTTS đã chủ động xây dựng nhiều phương pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh.
Cô Đoàn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lộc Tấn B cho biết: Kết thúc học kỳ 2 một tuần, giáo viên trong trường có trách nhiệm nắm bắt trẻ ở địa bàn trong độ tuổi ra lớp 1 vào đầu năm học mới. Bằng mọi cách phải vận động được các em đến lớp để dạy 36 buổi tiếng Việt cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1. Nói là 36 buổi nhưng có khi vượt rất nhiều, vì hầu hết trẻ đều chưa qua lớp mẫu giáo.
Học sinh Trường tiểu học Lộc Tấn B trong giờ học tăng cường tiếng Việt
Không phải giáo viên nào cũng có thể dạy được ở các điểm lẻ có học sinh DTTS. Ban giám hiệu phải đưa những giáo viên có thâm niên, nhiệt huyết, kiên trì để đảm nhiệm những lớp học này. Có phụ huynh còn chọn cả giáo viên cho con em họ. Nếu không họ sẽ không cho con đến lớp.
“Ban giám hiệu trường cho phép giáo viên đứng lớp điều chỉnh dạy tiếng Việt bằng cách: Khi đã dạy tăng buổi trong tuần hoặc dạy 2 buổi/ngày cho học sinh lớp 1 và những em học yếu môn Tiếng Việt nhưng vẫn chưa đạt kết quả tốt, giáo viên có thể trao đổi với đồng nghiệp dạy các môn học khác nhường thời gian để tập trung dạy tiếng Việt” - Hiệu trưởng Đoàn Thị Hiền nói.
Tương tự, Trường tiểu học Thuận Lợi B trong chương trình SEQAP (Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học), mỗi tuần có 2 buổi dành thời lượng để học sinh tập phát âm và sử dụng tiếng Việt. Trường còn tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp nhằm tăng cường kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Việt. Giáo viên đứng lớp chọn một học sinh DTTS tiếp thu nhanh, nói thông, viết thạo tiếng Việt để hỗ trợ giáo viên trong quá trình truyền đạt. Trước năm học mới, trường tổ chức dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh 6 tuần, tương đương 114 tiết. “Cái khó nhất là trẻ người DTTS không chịu ra học mầm non nên khi vào lớp 1 các em thường nhút nhát”. Vì vậy, việc dạy tiếng Việt cho trẻ gặp nhiều trở ngại - cô Lê Thị Sinh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thuận Lợi B cho biết.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên đã và đang giúp hàng ngàn học sinh DTTS trong tỉnh vận dụng tốt ngôn ngữ phổ thông, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở Bình Phước.
Hải Yến
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065