>> Bài 1: Đa dạng hình thức tuyên truyền, kiên quyết tấn công tội phạm
>> Bài 2: Cần cụ thể hóa chính sách cai nghiện
ĐIỂM DỪNG CHÂN CUỐI CÙNG
BP - Vào một ngày giữa tháng 10, tôi đến thăm Bệnh viện Nhân Ái ở xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập. Đây là cơ sở chữa bệnh cho những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối thuộc sự quản lý của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh. Đường tới bệnh viện xuyên qua những cánh rừng và bạt ngàn cao su. Có người nói nơi đây chỉ phù hợp để xây dựng một khu nghỉ dưỡng cao cấp chứ không phải cho ngưới sắp từ giã cõi đời. Tại đây, những bệnh nhân vừa được điều trị vừa được nuôi dưỡng bằng ngân sách nhà nước.
Điểm “dừng chân” cuối cùng
Bệnh viện nằm giữa thung lũng, bốn bề bao quanh đồi núi nên không khí như lạnh lẽo hơn. Bệnh nhân ở đây hầu hết độ tuổi từ 18-40. Ở độ tuổi này, đáng lẽ họ đang nỗ lực thực hiện những ước mơ, hoài bão của bản thân, phải gánh trên vai trách nhiệm lớn lao với gia đình, đất nước thì giờ đây, những phận người ấy đang hằng ngày vật lộn với nỗi đau đớn do căn bệnh thế kỷ mang lại. Có người nằm thoi thóp trên giường chờ chết. Có người mê sảng la hét. Lại có người nhìn trân trân lên trần nhà mà như không cảm nhận được cuộc sống xung quanh. Càng vào sâu phía sau khuôn viên bệnh viện và đến điểm cuối cùng là nhà lưu cốt - nơi hương khói cho những người đã khuất thì cảm giác lạnh lẽo, rờn rợn càng tăng.
Hiện trong nhà lưu cốt có khoảng 100 hũ tro cốt của những bệnh nhân qua đời vì HIV/AIDS, không có người nhà đến nhận mang về hương khói. Bác sĩ Mai Thị Hồng Thúy, công tác tại Bệnh viện Nhân Ái cho biết: “Bệnh nhân đến đây rồi thì xem như không còn đường về. Đa phần họ sống nhờ vào sự giúp đỡ của các y, bác sĩ và xem đây là ngôi nhà của mình trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời. Hơn 10 năm công tác tại bệnh viện, đã rất nhiều lần chứng kiến bệnh nhân qua đời vì AIDS, tôi vẫn không thể kiềm chế lòng mình. Tôi thấy xót thương cho họ vì cuộc đời quá ngắn và hoàn cảnh ai cũng bi đát, éo le. Dù được chăm sóc tận tình và được cảm thông, chia sẻ, họ vẫn cảm thấy cô đơn, hiu quạnh, bởi cho dù đội ngũ cán bộ, nhân viên ở đây có tận tình đến đâu cũng không thể thay thế được tình cảm gia đình. Vậy mà lúc họ lâm chung, không một người thân đến đưa tiễn, chỉ có những bệnh nhân cùng cảnh và các y, bác sĩ làm nhiệm vụ mà thôi”.
Tại Bệnh viện Nhân Ái, tất cả bệnh nhân đều nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối, sống chết là chuyện thường tình và hậu sự đều phải nhờ vào bệnh viện. Nhiều người chỉ mong được chết sớm để thoát khỏi sự hành hạ của căn bệnh thế kỷ. Bác sĩ Thúy cho biết thêm: “Khi bệnh nhân có dấu hiệu không qua khỏi, chúng tôi đều tìm cách liên lạc với gia đình để họ có thể gặp mặt lần cuối. Cũng có gia đình không quản đường sá xa xôi lên gặp mặt bệnh nhân và đưa thi thể về quê an táng. Nhưng không ít trường hợp người nhà từ chối không nhận. Những trường hợp này, bệnh viện đều thực hiện đầy đủ thủ tục trước khi đưa vào nhà hỏa táng. Hài cốt của họ được đưa vào nhà lưu cốt để hương khói”.
Một phút “thăng hoa” đổi bằng án tử
Không giấu được sự hối hận vì bồng bột của tuổi trẻ, giờ đây anh H.Q.L (38 tuổi) ở phường Thác Mơ, thị xã Phước Long phải đối mặt với căn bệnh HIV/AIDS giai đoạn cuối. Anh L tâm sự: “Năm 16 tuổi, do đua đòi cùng bạn nên tôi đã sa ngã vào con đường nghiện hút ma túy. Lúc đầu chỉ nghĩ tuổi trẻ thì cái gì cũng phải thử cho biết nhưng rồi tôi nghiện lúc nào không hay”.
Tốt nghiệp cấp 3 cũng là lúc anh L lún sâu vào nghiện ngập. Từ hút, anh chuyển sang tiêm chích. Do không có tiền nên mỗi lần sử dụng ma túy, anh L phải dùng chung kim tiêm. Khi thấy nổi mẩn đỏ ngoài da, gia đình đưa anh L đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, thành phố Hồ Chí Minh khám thì phát hiện dương tính với HIV. “Nhận kết quả xét nghiệm, tôi không tin vào mắt mình. Không thể ngờ sự bồng bột của tuổi trẻ mà giờ đây tôi mất hết. Tương lai không, công việc không, vợ con không, bổn phận một người con tôi cũng không hoàn thành và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Trong thời gian tôi bệnh, ba cũng mất vì bạo bệnh. Mẹ tôi phần vì công chuyện kinh doanh, phần vì xấu hổ với bà con xóm giềng nên đã ra nước ngoài định cư. Giờ tôi phải chấp nhận căn bệnh này. Tôi uống thuốc ARV do Bệnh viện bệnh Nhiệt đới cung cấp điều độ và đã cai nghiện thành công. Nhưng vi-rút HIV phát triển mạnh nên bệnh tôi trở nặng và được chuyển lên Bệnh viện Nhân Ái điều trị từ tháng 5-2017 đến nay. Vào đây rồi, sống nay, chết mai không ai biết trước được. Điều tôi muốn nhắn nhủ các bạn trẻ là đừng vì phút nông nổi mà đánh mất tất cả như tôi. Nếu không muốn kết thúc cuộc đời quá sớm, hãy tránh xa ma túy” - anh L nói.
Ma túy không chỉ phá vỡ hạnh phúc gia đình mà còn là gánh nặng cho xã hội. Nhiều người nhiễm HIV còn lây cho người thân. Nhiều gia đình, cả chồng lẫn vợ đều nhiễm AIDS, để rồi các con của họ phải sống trong cảnh mồ côi cha mẹ. Nhiều đứa trẻ là con của những bệnh nhân AIDS đã qua đời được ông bà, họ hàng nhận nuôi nhưng cũng không ít trẻ phải vào trại mồ côi vì không người chăm sóc.
Chị P.T.N đang điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái. Mới 32 tuổi nhưng nét mặt chị N có vẻ già nua, khắc khổ. Chị cho biết: “Tôi bị lỡ một lần đò và có 1 con riêng với chồng cũ. Năm 2008, tôi đi thêm bước nữa. Những tưởng cuộc đời tôi sẽ mở sang trang mới khi có một người chồng quan tâm, lại không bận tâm về quá khứ của vợ. Chúng tôi sống với nhau rất hòa thuận, hạnh phúc. Khi biết tôi mang thai, anh ấy càng yêu thương vợ hơn. Khi thai được 3 tháng, tôi bị tai nạn giao thông và được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Vết thương nhẹ không ảnh hưởng tới thai nhi nhưng khi xét nghiệm máu, tôi bàng hoàng khi bác sĩ thông báo bị nhiễm HIV”. Truy hỏi chồng thì được biết anh ấy nghiện ma túy đã lâu và bị nhiễm HIV do dùng chung kim tiêm. Chỉ vì muốn có con nối dõi mà anh ta nhẫn tâm giấu chị N để kết hôn. Giờ đây, cả vợ, chồng đều mắc căn bệnh thế kỷ. Chị N chia sẻ: “Nhiều lúc tôi nghĩ tới cái chết, nhưng vì thương con nên không đành lòng. Mỗi tháng tôi đến bệnh viện một lần để chích thuốc ngừa lây truyền bệnh từ mẹ sang con. Nhờ can thiệp kịp thời của y học nên bé sinh ra khỏe mạnh”. Khi con lên 4 tuổi, bệnh chị N đã ở giai đoạn cuối nên được đưa về điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái, còn chồng đang điều trị bệnh tại Trung tâm Hỗ trợ cộng đồng quận 8, TP. Hồ Chí Minh. Các con của chị N, đứa lớn 12 tuổi ở với bà ngoại, đứa nhỏ 8 tuổi gửi bà nội. “Cứ 3 tháng, bệnh viện cho tôi về thăm con một lần. Các con không biết tôi bị bệnh mà chỉ nghĩ tôi đi làm xa. Thấy chúng vẫn hồn nhiên, vô tư, tôi đau lòng lắm. Không biết còn được bao nhiêu lần về thăm con nữa. Ông bà nội, ngoại cũng đã lớn tuổi. Khi vợ chồng tôi mất đi, ai sẽ lo cho các con đây” - chị N ôm mặt nức nở.
Rời Bệnh viện Nhân Ái, trong tôi cứ hiện lên hình ảnh lạnh lẽo của nhà lưu cốt. Mỗi câu chuyện, mỗi phận người ở bệnh viện mà chúng tôi được gặp và trò chuyện là một tiếng chuông thức tỉnh những người đang sử dụng hoặc có ý định sử dụng ma túy. Nếu ai đó còn bán tín bán nghi, nghĩ rằng chỉ thử một lần cho biết, rằng mình có thể thắng được ma túy, hãy đến Bệnh viện Nhân Ái một lần. Hãy gặp, trò chuyện với một vài bệnh nhân đang điều trị tại đây và hãy đến nhà lưu cốt để cảm nhận...
Thùy Hương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065