Vượt hơn 100km từ thị xã Đồng Xoài, tôi đến với mảnh đất biên cương thuộc địa bàn quản lý, bảo vệ của 2 đồn biên phòng Lộc An (Lộc Ninh) và Cầu Trắng (Bù Đốp). Đứng giữa những cánh rừng cao su bạt ngàn mùa thay lá, nhìn từng lớp lá cao su rơi rụng và bị gió cuốn đi giữa mênh mông hiu quạnh mới cảm nhận được, chỉ có những người lính biên phòng với tình yêu quê hương đất nước, tình đồng chí và đức hy sinh mới trụ vững nơi biên cương Tổ quốc.
lạc quan trong Gian khó
Hành trình lên biên giới lần này là một kỷ niệm đáng nhớ, nhất là đoạn đường dài gần 5km, từ trung tâm ấp 54, xã Lộc An (Lộc Ninh) vào Đồn biên phòng Lộc An. Do phải liên tục lạng lách để tránh ổ gà, ổ voi nên chiếc xe máy của tôi như con ngựa bất kham, liên tục chồm lên hạ xuống trong làn bụi đất đỏ ngầu. Đặt chân đến đồn, tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì đã vượt qua một thử thách khó khăn. Nhìn toàn thân tôi nhuốm màu bụi đỏ, Thiếu tá, Chính trị viên Đồn biên phòng Lộc An Trần Xuân Cường cười nói: “Đất ở đây rất mến khách. Nếu anh mặc áo trắng, chỉ một lần đi qua cũng thành màu “cháo lòng”. Tuyến đường này đã xuống cấp từ nhiều năm do địa hình đồi dốc và mưa lớn, tạo thành những ổ gà, ổ voi và rãnh sâu, chỉ sơ suất nhỏ cũng có thể bị ngã. Mùa này còn đỡ, chứ vào mùa mưa rất lầy lội và trơn trượt, ngay cả những người dân bản địa thường xuyên qua lại bị té cũng không hiếm. Vậy chứ, so với những cung tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, dấu mốc thì đi đường này vẫn còn “ngon” chán”. Nghe anh nói, tôi mới thấy công việc của mình dù có khó khăn, vất vả đến mấy cũng không thấm vào đâu so với các anh.
Phút giải lao trên đường tuần tra của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cầu Trắng
Thiếu tá Trần Xuân Cường cho biết: Đồn đang quản lý, bảo vệ 22,5km thuộc địa bàn 2 xã Lộc An, Lộc Hòa (Lộc Ninh) và phụ trách địa bàn xã Lộc An. Địa bàn rộng, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao và đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, nhất là đồng bào bản địa có mối quan hệ thân tộc với người dân Campuchia nên việc quản lý, bảo vệ và phòng chống các loại tội phạm rất phức tạp. Trung tá Nguyễn Văn Định, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Cầu Trắng cho hay: Hiện đơn vị quản lý, bảo vệ 17,5km đường biên với 8 cột mốc phụ, Cửa khẩu phụ Tân Tiến cùng địa bàn 2 xã Tân Tiến và Tân Thành (Bù Đốp). Do bảo vệ tuyến biên giới có địa hình phức tạp, địa bàn rộng, đồng bào DTTS nhiều và phần lớn kinh tế còn khó khăn, luôn chú ý đến các doanh nghiệp có thuê người dân địa phương sang nước bạn Campuchia làm việc... nên nhiều khi đơn vị phải “gồng mình” làm nhiệm vụ. Dịp tết Nguyên đán, 90% lực lượng của đồn phải trực chiến 24/24 giờ.
Cả hai anh Cường và Định đều đã nhiều năm gắn bó trong lực lượng biên phòng và trải qua nhiều vị trí công tác nên thân thuộc hầu hết những địa danh, con sông, con suối dọc tuyến biên giới tỉnh Bình Phước. Nói chuyện với các anh, tôi được nghe những kỷ niệm vui, buồn về các chuyến tuần tra dưới cơn mưa rừng dai dẳng hay cái nắng rát mặt dưới những tàn cây đỏ bụi trong mùa khô. Được nghe các anh kể về các lần cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào DTTS để vừa tuyên truyền vận động bà con chấp hành quy chế biên giới, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vừa giúp dân sửa nhà, sửa chữa đường giao thông, thu hoạch mùa vụ... Hoặc những lần tuần tra dọc tuyến đường biên phụ trách hay âm thầm mật phục truy bắt đối tượng buôn lậu qua biên giới vào ban đêm với đàn muỗi rừng vo ve bên tai, dầm mình trong mưa rừng để truy bắt tội phạm... mới thấy nhiệm vụ của các anh vô cùng gian khổ và nguy hiểm. Tôi chợt nhớ đến câu nói của đồng nghiệp: “Viết về người lính biên phòng không bao giờ cạn nguồn”. Thật vậy, được chứng kiến, tôi mới thấy mỗi việc làm của các anh đều đáng nhớ, đáng trân trọng.
Lãnh đạo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Bình Phước và cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Lộc An trước cột mốc 66
Được tham gia sinh hoạt cùng các anh mới thấy, cuộc sống người lính biên phòng rất đỗi đơn sơ, mộc mạc. Sau mỗi phiên tuần tra, các anh lại phát cỏ, cuốc đất trồng rau; làm chuồng trại chăn nuôi gà, heo; xuống suối giăng lưới bắt cá để cải thiện bữa ăn. Không ở đâu nhiều rau, thịt, cá sạch như ở đây, toàn những thứ các anh tự kiếm, tự làm ra. Có lẽ, cuộc sống vật chất đối với các anh như thế là tạm đủ, nhưng điều các anh luôn mong được chia sẻ là tình cảm nơi hậu phương.
Phút nghỉ ngơi bên đường tuần tra biên giới, tôi cùng các chiến sĩ Đội vũ trang Đồn Cầu Trắng ca vang bài hát “Nối vòng tay lớn” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Rừng núi dang tay nối lại biển xa/Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà/Mặt đất bao la, anh em ta về/Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng/Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam...”. Tiếng hát rộn rã của các chiến sĩ xua đi những mệt nhọc sau đợt tuần tra, xóa tan bầu không khí tĩnh mịch của núi rừng biên giới. Thượng úy Dương Xuân Quân, Đội trưởng Đội vũ trang Đồn Cầu Trắng nói: “Ở nơi biên giới heo hút này, để làm giàu đời sống tinh thần, ngoài các hoạt động thể thao, chúng em còn tự nghĩ ra nhiều hình thức sinh hoạt văn nghệ. Những giờ sinh hoạt như thế này không chỉ tạo mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ với chiến sĩ mà còn giúp chỉ huy nắm bắt tư tưởng, tình cảm của chiến sĩ, nhất là chiến sĩ mới nhằm kịp thời động viên, chia sẻ, giúp các em tự tin vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Vì sự bình yên của nhân dân
Chia sẻ với tôi về lần đầu tiên phải đón tết xa nhà, chiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Đội vũ trang Đồn Lộc An nói: “Trước đây, khi chưa đi nghĩa vụ quân sự, em nghĩ môi trường quân đội chỉ toàn là kỷ luật sắt, phải lao động khổ cực nên rất lo. Thời gian đầu mới về đồn nhận nhiệm vụ, em rất nhớ nhà nhưng được các anh trong đơn vị động viên, giúp đỡ em nguôi ngoai dần và giờ thấy mình tự tin, bản lĩnh hơn. Sau những giờ huấn luyện, tuần tra bảo vệ biên giới, em lại cùng đồng đội tập luyện thể thao, văn nghệ. Tết này là năm đầu tiên em ăn tết xa gia đình nhưng được cùng đồng đội giao lưu văn nghệ, hái hoa dân chủ, thi gói bánh chưng, bánh tét... với các đơn vị kết nghĩa. Tuy phải liên tục trực sẵn sàng chiến đấu nhưng em thấy đời lính thật ý nghĩa và đáng nhớ. Em rất tự hào vì mình là người lính biên phòng”.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cầu Trắng lên đường tuần tra
“Với em, đã là người lính thì nhiệm vụ nào được giao cũng phải cố gắng hoàn thành thật tốt, dù có khó khăn, gian khổ đến đâu. Niềm vui của chúng em là được góp một phần công sức nhỏ bé cho mọi người, mọi nhà được vui vẻ, quây quần bên nhau trong những ngày tết” - Lê Viết Mạnh Cường, chiến sĩ Đội vũ trang Đồn Cầu Trắng nói. Tuy mới về nhận nhiệm vụ tại Đồn biên phòng Lộc An hơn 5 tháng và lần đầu tiên ăn tết xa nhà nhưng chiến sĩ Đội tổng hợp bảo đảm Phan Duy Bình vẫn rất vui: “Khi chưa phân công về đồn, em cứ nghĩ là người lính thì phải cầm súng bảo vệ biên cương nhưng khi về đồn lại được giao nhiệm vụ nấu ăn nên hơi “hẫng”. Được các anh động viên, chỉ bảo, giờ với em hạnh phúc nhất là khi những bữa cơm do mình nấu được cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị khen ngon. Em nghĩ, đồn không chỉ là nhà mà còn giúp em hiểu hơn về tình đồng chí, đồng đội”.
Tết đến, xuân về cũng là dịp các đối tượng xấu lợi dụng buôn bán, vận chuyển hàng lậu và xâm nhập biên giới trái phép. Do vậy, ngoài công tác tuần tra, mật phục, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị còn về các thôn, ấp trọng điểm trên địa bàn phụ trách cùng ăn, cùng ở, cùng vui xuân, đón tết với bà con các dân tộc để nắm bắt tình hình, kịp thời báo chỉ huy xử lý khi có vụ việc xảy ra. Thượng úy Hoàng Trung Đông, Đội trưởng Đội phòng chống ma túy và tội phạm Đồn Lộc An chia sẻ: Dân cư trên địa bàn chủ yếu là đồng bào DTTS đời sống khó khăn, trình độ dân trí hạn chế nên dễ bị kẻ gian lợi dụng. Do vậy, vui xuân cùng người dân trên địa bàn phụ trách chính là giải pháp bảo vệ bà con đón tết an toàn.
Tạm biệt những người lính biên phòng đang ngày đêm bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc, tôi chỉ mong ở nơi biên cương của Tổ quốc, các anh luôn khỏe mạnh, chắc tay súng để đem lại mùa xuân ấm áp, yên bình cho nhân dân và góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia ngày càng bền chặt.
Lâm Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065