Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tòng vừa có buổi làm việc với UBND huyện Bù Gia Mập về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. Tuy đạt một số kết quả, nhưng thu ngân sách của huyện đạt thấp, nợ đọng thuế cao và khó thu hồi là những vấn đề được đưa ra bàn thảo nhiều nhất. Tại cuộc họp, đã có nhiều giải pháp, định hướng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện từ nay đến cuối năm 2013.
QUYẾT LIỆT THU NỢ ĐỌNG
Thu ngân sách 6 tháng đầu năm của huyện Bù Gia Mập mới đạt hơn 1/3 so với dự toán cả năm, trong khi nhiệm vụ chi rất lớn. Vì vậy, Chủ tịch UBND huyện Trần Quang Ty đề nghị được điều chỉnh từ 210 tỷ đồng (chỉ tiêu tỉnh giao đầu năm) xuống còn 172 tỷ đồng. Vấn đề này, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Nguyễn Minh Mẫn cho rằng do có những khó khăn riêng của huyện nên Cục Thuế tỉnh sẽ đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu thu ngân sách của huyện Bù Gia Mập xuống còn 192 tỷ đồng. Tuy giảm chỉ tiêu thu ngân sách cho huyện nhưng ngành thuế vẫn phải đảm bảo chỉ tiêu thu chung của toàn tỉnh, vì thế Chi cục thuế huyện phải nỗ lực, cố gắng để tăng thu.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tòng nhấn mạnh: Giảm chỉ tiêu thu ngân sách cho Bù Gia Mập, nhưng ngành thuế vẫn phải chịu trách nhiệm cân đối cho hợp lý, bởi tỉnh vẫn giữ nguyên chỉ tiêu thu mà HĐND đã giao.
|
Tính đến hết tháng 6, nợ đọng thuế trên địa bàn huyện Bù Gia Mập là 180 tỷ đồng, là địa phương nợ thuế cao nhất tỉnh. Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hớn, Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện cho biết, sở dĩ Bù Gia Mập nợ đọng thuế cao là do số nợ cũ từ huyện Phước Long chuyển sang (lúc tách huyện), chiếm 9,135 tỷ đồng. Các chính sách gia hạn, giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp theo Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 7-1-2013 của Chính phủ thực hiện thời gian qua cũng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến nguồn thu. Không ít doanh nghiệp chỉ nộp được các khoản nợ, còn tiền phạt không nộp, trong khi tổng số tiền phạt chậm nộp thuế khoảng 35-37 tỷ đồng.
Bù Gia Mập có khoảng 230 doanh nghiệp, nhưng trên 70 doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng. Rất nhiều doanh nghiệp đã ngưng hoạt động, nhưng theo luật, ngành thuế vẫn chưa thể khoanh nợ. Có 6 doanh nghiệp đã ngưng hoạt động 2 năm với số nợ trên 20 tỷ đồng chưa thể thu. Ngoài ra, thời gian gần đây trên địa bàn huyện xuất hiện tình trạng doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau gây khó khăn cho công tác thu hồi nợ đọng. Bên cạnh đó, giá hạt điều giảm chỉ bằng 60% so với giá cùng kỳ năm 2012 cũng ảnh hưởng lớn đến nguồn thu.
Ông Hớn cho biết có rất nhiều công ty mẹ nợ thuế tuyên bố phá sản và thành lập công ty con. Trước thực trạng này, nhiều người đặt câu hỏi, việc cấp phép thành lập doanh nghiệp có dễ dàng quá hay không, bởi rất nhiều doanh nghiệp hoạt động hoàn toàn dựa vào vốn ngân hàng!?
Điều mất mùa, mất giá làm ảnh hưởng rất lớn đến thu ngân sách của huyện - Ảnh: Nông dân huyện Bù Gia Mập phơi điều
Trung tá Nguyễn Huy Hải, Chánh văn phòng Công an tỉnh cho rằng, cán bộ thuế mỗi huyện, thị xã phải nắm được tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn. Khi thấy doanh nghiệp mới thành lập mà xuất hóa đơn giá trị lớn thì phải xem xét ngay chứ không để đến khi sự việc xảy ra mới yêu cầu cơ quan công an xử lý.
BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI
6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách của huyện Bù Gia Mập là 282,1 tỷ đồng. Trong đó, thu theo dự toán 81,49 tỷ đồng, đạt 38,81% dự toán tỉnh giao và bằng 35,28% dự toán HĐND huyện thông qua. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 201 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được thực hiện thường xuyên. Có 60 vụ vi phạm/158 vụ được kiểm tra đã được xử lý, nộp ngân sách 97 triệu đồng.
6 tháng đầu năm, huyện cấp được 1.857 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đào tạo nghề cho 294 học viên và giải quyết việc làm cho 1.797 lao động địa phương.
|
Về vấn đề trợ cước, trợ giá, hỗ trợ giống cao su cho đồng bào dân tộc thiểu số, Chủ tịch UBND huyện Trần Quang Ty cho rằng, đã sắp hết mùa xuống giống cao su, không nên hỗ trợ cây giống mà hỗ trợ bằng tiền mặt cho người dân. Trước thực trạng không ít hộ đồng bào dân tộc thiểu số bị kẻ xấu lợi dụng cho vay vốn với lãi suất cao, bán điều non, cầm cố, sang nhượng đất trái phép, phá rừng, lấn chiếm đất rừng..., đại diện Thanh tra tỉnh cho rằng, cách tốt nhất là đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân. Đặc biệt là đất cấp theo Chương trình 33 cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Chủ tịch UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh xem xét bổ sung kinh phí nguồn cải cách tiền lương, nguồn thực hiện chương trình mục tiêu còn thiếu của năm 2012, 2013 và tăng tiến độ trợ cấp cho huyện. 6 tháng đầu năm huyện Bù Gia Mập mới nhận được 40,55% dự toán từ ngân sách tỉnh, trong khi nguồn thu của huyện mới chỉ đạt 38,81% dự toán năm mà phải chi tới 50%, còn thiếu 27 tỷ đồng đã ảnh hưởng rất lớn đến việc chi trả lương, phụ cấp cho cán bộ công chức.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tòng yêu cầu bằng mọi cách, huyện Bù Gia Mập phải giữ cho được diện tích rừng còn lại, hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Để khắc phục tình trạng khiếu kiện, khiếu nại về đất đai, UBND huyện phải nắm rõ tình hình đất đai của từng xã, từng hộ dân để giải quyết thấu đáo. Về chi đầu tư xây dựng cơ bản, do khó khăn về nguồn thu, UBND huyện phải chi theo danh mục thứ tự ưu tiên, nhưng phải đảm bảo chi lương, tín chấp lương và các vấn đề an sinh xã hội.
Minh Luận
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065