Cơ hội trước mắt
Cuối tháng 5-2017, Bình Phước sẽ tổ chức “Hội nghị khách hàng quốc tế ngành điều - Bình Phước năm 2017” với khoảng 300 đại biểu tham dự, trong đó 100 khách mời nước ngoài. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và các sở, ngành hữu quan tỉnh đối với ngành điều; là cơ hội phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương với hiệp hội và doanh nghiệp (DN), cơ sở trồng, chế biến điều. Đây còn là cơ hội giao thương, hợp tác, đàm phán, ký kết những hợp đồng mua bán sản phẩm điều; là dịp mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu hạt điều của tỉnh, tạo cơ hội để khách hàng trong nước và quốc tế có điều kiện tìm hiểu đánh giá chất lượng sản phẩm hạt điều Bình Phước; tiềm năng phát triển, khả năng cung cấp nguyên liệu, năng lực sản xuất, chế biến hạt điều của DN trong tỉnh.
Chuyển giao kỹ thuật, đầu tư máy móc hiện đại nhằm chuyên nghiệp hóa các cơ sở gia công, chế biến điều phục vụ xuất khẩu. Trong ảnh là công nhân sản xuất chế biến hạt điều tại Công ty Hà Mỵ (Đồng Phú)
Cùng với đó, các cơ sở, trang trại điều, DN sản xuất, chế biến xuất khẩu hạt điều trong tỉnh nắm bắt được cơ hội cũng như thấy được những thách thức, khó khăn để kịp thời điều chỉnh phương án sản xuất - kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường, thị hiếu khi mở rộng thị trường xuất khẩu và thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được ký kết giữa Việt Nam với nhiều đối tác trên thế giới. Đây cũng là dịp để phát huy vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc kiến tạo, đồng hành với DN, người dân tạo môi trường thuận lợi trong sản xuất, chế biến hạt điều; là cơ sở để tiếp tục tổ chức hoạt động nhằm đẩy mạnh phát triển ngành điều bền vững.
Bà Lý Thị Mỹ Loan, Phó phòng Quản lý công nghiệp Sở Công thương cho rằng: “Phát triển ngành điều bền vững không còn là vấn đề của tỉnh mà là chương trình mang tầm quốc gia, yêu cầu nguồn lực lớn và có những đặc thù về cơ chế chính sách. Muốn phát triển bền vững phải được đầu tư đồng bộ và đảm bảo hoạt động theo chuỗi liên kết sản xuất, thương mại, chế biến, bảo quản, tiêu thụ được duy trì chặt chẽ, thông suốt trên cơ sở xác định trách nhiệm của các bên tham gia. Xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền, tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch theo hướng hiện đại nhằm giảm tổn thất và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm”.
Những giải pháp đồng bộ
Hạt điều hiện là mặt hàng xuất khẩu trong “top sản phẩm triệu đô” của Việt Nam. Và Bình Phước càng thêm tự hào khi là thủ phủ của loại cây này. Hiện nay, công nghiệp chế biến điều của tỉnh phát triển mạnh mẽ, được đánh giá là tiên tiến nhất thế giới. Ngoài sự chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh hỗ trợ cải tạo máy móc, thiết bị thì nhiều năm qua, Sở Công thương còn phối hợp tìm giải pháp phát triển bền vững cho hạt điều.
Công nhân đang phân loại hạt điều ở một cơ sở sản xuất điều tại Bình Phước
Giải pháp mà ngành công thương thực hiện khá hiệu quả là tạo điều kiện cho DN tiêu thụ sản phẩm hàng hóa chế biến từ hạt điều. Nhất là sau Festival Quả điều vàng năm 2010 với kinh phí xúc tiến thương mại hơn 1,8 tỷ đồng. Ngành thường xuyên tạo điều kiện cho DN sản xuất, chế biến điều tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ. Và Hội nghị khách hàng quốc tế ngành điều Bình Phước năm 2017 chính là sự nỗ lực của tỉnh, trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ ngành công thương.
Ông Nguyễn Anh Hoàng, Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Hiện sở vẫn tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thực hiện hỗ trợ công nghiệp chế biến hạt điều đầu tư chiều sâu; chuyển giao kỹ thuật chế biến tiên tiến và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ năm 2010 đến hết 2016, kinh phí hỗ trợ đạt gần 5 tỷ đồng. Thời gian tới, ngành sẽ tham mưu phối hợp các cấp sắp xếp lại DN chế biến, xuất khẩu điều theo hướng giảm đầu mối, cơ sở chế biến nhỏ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu môi trường theo luật định và di dời toàn bộ cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư và các khu - cụm công nghiệp sản xuất tập trung”.
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 270 nhà máy chế biến điều và hơn 1.600 hộ kinh doanh. Trong đó, 45 nhà máy có công suất trên 5.000 tấn/năm, còn lại là các cơ sở gia công chế biến nhỏ. Từ năm 2010 đến nay, ngành công thương đã tham mưu và được UBND tỉnh ban hành quy hoạch ngành công nghiệp chế biến điều giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn 2025 để thực hiện theo từng giai đoạn, có đánh giá sơ kết để điều chỉnh theo thực tế cho phù hợp.
Ngày 30-3-2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Phát triển ngành điều bền vững tại Quyết định số 1559/QĐ-UBND giai đoạn 2017-2020. Theo đó, Sở Công thương sẽ thực hiện 3 hợp phần gồm: Hỗ trợ DN đổi mới công nghệ chế biến hạt điều; Hỗ trợ DN chế biến sâu sản phẩm; Hỗ trợ DN chế biến vỏ điều. |
Ông Nguyễn Anh Hoàng cho rằng, muốn khuyến khích phát triển tiềm năng cho các nhà kinh doanh, thúc đẩy nâng cao trình độ, năng lực quản lý, kinh doanh thì không thể thiếu việc quan tâm phát triển nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng để trang bị kiến thức cơ bản, cần thiết cho DN. Song song đó là tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động quản lý thị trường, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, chế biến, kinh doanh điều để kịp thời chấn chỉnh những sai phạm. Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích DN đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm điều trong nước.
Riêng Sở Công thương, từ năm 2012 đến nay đã xây dựng website thương mại điện tử cho khoảng 10 DN điều nhằm quảng bá và bán sản phẩm.
Bà Lý Thị Mỹ Loan cho biết, tuy là tỉnh chuyên về chế biến sản phẩm điều xuất khẩu nhưng vùng nguyên liệu Bình Phước hiện vẫn chưa ổn định. Chính vì thế, giải pháp nhập khẩu để cân đối nguyên liệu cho công nghiệp chế biến trong trường hợp nguyên liệu của tỉnh và khu vực không đáp ứng được là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, giải pháp về nhóm chính sách cũng là yêu cầu căn cốt vì sự phát triển bền vững của ngành điều. Trước hết là chính sách khuyến công, động viên và huy động vốn từ các nguồn lực trong, ngoài nước phù hợp thông lệ quốc tế đối với chế biến, hỗ trợ vốn đào tạo công nhân, quản lý trong ngành công nghiệp chế biến điều. Tiếp đến là chính sách kêu gọi đầu tư vào ngành chế biến điều và sản phẩm phụ; xây dựng chính sách liên kết các DN cơ sở nhỏ lẻ cùng với quy hoạch cụm công nghiệp để hình thành DN quy mô lớn, đủ sức phát triển và cạnh tranh trên thị trường. Cần có chính sách gắn kết DN chế biến với người trồng điều (mô hình hợp tác công tư). Đây chính là một trong những giải pháp căn cơ để sản xuất, chế biến điều bền vững nếu chính sách này áp dụng được trong thực tế.
Được quan tâm triển khai đồng bộ các giải pháp từ bộ, ngành đến tỉnh như hiện nay, tin tưởng ngành điều sẽ có bước phát triển mới phù hợp, từ nhà nông đến DN sẽ cùng có sự hỗ trợ hướng đến sản xuất bền vững.
Ngọc Tú
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065