Chuyển biến trong công nghiệp - thương mại
Qua một năm đầy khó khăn nhưng nhìn chung các chỉ tiêu phát triển công nghiệp mà UBND tỉnh giao năm 2012, Sở Công thương cơ bản hoàn thành. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 19.893,6 tỷ đồng, tăng 15,37% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp khai thác mỏ đạt 146,38 tỷ đồng, tăng 0,26%; công nghiệp chế biến đạt 17.593,44 tỷ đồng, tăng 12,69%; sản xuất phân phối điện, gas và nước 2.153,82 tỷ đồng. Ngành công nghiệp đã có những cố gắng đương đầu với thách thức và nhiều doanh nghiệp đã trụ vững, đi lên. Kết quả đó có một phần hỗ trợ từ công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp. 15 đề án khuyến công địa phương, 3 đề án khuyến công quốc gia, 5 đề án tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, 1 đề án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là con số đáng ghi nhận.
Cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh còn chậm so với yêu cầu phát triển
Vẫn thiếu bền vững
Cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh có sự chuyển biến tích cực, đúng định hướng, nhưng còn chậm so với yêu cầu phát triển. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp chưa thật sự mang lại hiệu quả cao cho nền kinh tế của tỉnh. Hàm lượng giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp còn thấp do cơ cấu kinh tế chậm chuyển đổi, tỷ lệ sản xuất gia công còn cao. Ngành công nghiệp phát triển nhanh nhưng chủ yếu theo chiều rộng đã để lại gánh nặng về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và môi trường... Trong khi đó ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp nên vốn đầu tư để giải quyết mặt trái đó còn rất hạn chế.
Theo ông Lê Văn Uy, Giám đốc Sở công thương, tình hình sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm chủ lực (cao su, điều, cà phê...) của tỉnh vẫn chưa ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Tổng kim ngạch năm 2012 của Bình Phước ước đạt 608,96 triệu USD, giảm 11,96% so cùng kỳ. Nguyên nhân do không chỉ một số mặt hàng chủ lực bị cạnh tranh, giảm giá mà hàng điện tử, hàng nông sản khác (mì lát phơi khô, tinh bột mì, cồn etanol)... cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn như: thị trường tiêu thụ, đầu ra cho hàng hóa xuất khẩu ngắn hạn chưa thể phục hồi. Sức tiêu thụ ở nhiều thị trường truyền thống giảm đáng kể, dẫn đến nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Thị trường bị thu hẹp, nhất là thị trường xuất khẩu dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp Bình Phước hoạt động cầm chừng hoặc lâm vào tình trạng phá sản, giải thể.
Ngoài ra, công tác triển khai thực hiện quy hoạch cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiến độ đầu tư hạ tầng còn chậm. Công nghiệp phụ trợ chưa phát triển. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều chủ đầu tư hạ tầng hạn chế về vốn và năng lực. Kết quả thu hút đầu tư phát triển tại các khu công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, còn chậm so với mục tiêu kế hoạch và chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Công tác tìm kiếm, kêu gọi các nhà đầu tư đạt kết quả thấp vì hiệu quả kinh doanh, khai thác chưa cao, lại rơi vào thời kỳ suy thoái kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà.
Giải pháp phát triển
Ông Lê Văn Uy cho biết: “Hiện tỉnh rất chú trọng, ưu tiên chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, đẩy mạnh phát triển công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp có lợi thế cạnh tranh và sử dụng nguyên liệu tại chỗ. Đó là những ngành hiện đang đóng góp lớn cho sự tăng trưởng công nghiệp của tỉnh như: sản phẩm điều, cao su, cồn sinh học, xi măng, clinker, điện tử, tinh bột mì... Song song đó, để tạo nên những điểm nhấn cho phát triển bền vững thì phải chú trọng hỗ trợ phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn để phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới”.
Để công nghiệp tồn tại và phát triển thì việc cần nhất lúc này là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao công nghệ, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO, HACCP; đăng ký nhãn hiệu, tái cấu trúc lại các doanh nghiệp nhỏ; ứng dụng hiệu quả thương mại điện tử... Song song đó, UBND tỉnh mà chủ công là Sở Công thương đã và đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu, tăng cường công tác xúc tiến thương mại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu.
Giải pháp không kém phần quan trọng là thực hiện có hiệu quả những chính sách khuyến công, chuyển giao công nghệ, tận dụng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn. Phát huy tốt hơn sự hợp tác, liên kết vùng, các hoạt động phối hợp, hợp tác phát triển giữa các tỉnh, thành phố trong vùng để khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển công nghiệp. Xây dựng và triển khai có hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước cũng là khâu quan trọng để khuyến khích công nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Ngọc Tú
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065