THỰC TRẠNG TỔ CHỨC ĐOÀN Ở NÔNG THÔN
Ở thôn, ấp cũng có chi đoàn nhưng mỗi năm chỉ hoạt động 2-3 lần, thậm chí không sinh hoạt và chỉ hoạt động khi có cấp trên đưa phong trào xuống. Cán bộ đoàn thiếu kỹ năng, phụ cấp thấp, vướng bận gia đình nên không nhiệt huyết với tổ chức; hình thức sinh hoạt đoàn không phong phú chưa đủ sức thu hút thanh niên... Đó là những vấn đề tồn tại ở các cơ sở đoàn nông thôn hiện nay.
Chi đoàn chỉ có bí thư và phó bí thư
Được dự và lắng nghe những ý kiến tâm huyết của cán bộ đoàn tại các buổi tọa đàm giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở đoàn, ai cũng thấy rõ những tồn tại trong hoạt động chi đoàn thôn, khu phố và đoàn kết tập hợp đoàn viên thanh niên địa bàn dân cư. Hoạt động phong trào ở vùng nông thôn rời rạc, đơn điệu, thanh niên nông thôn đông nhưng không hào hứng vào tổ chức đoàn, hội. Do đó, các anh, chị phụ trách công tác đoàn thanh niên ở cơ sở cho rằng những chi đoàn có từ 7 đoàn viên trở lên đã là một thành công của phong trào đoàn cơ sở.
Đoàn viên thanh niên Chi đoàn thôn Tân Lập nhận công nhặt điều cho các hộ dân trong thôn để gây quỹ hoạt động
Anh Nguyễn Văn Lịch, Phó bí thư Xã đoàn, nguyên Bí thư Chi đoàn thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập), cho biết: Năm 2007, khi tôi vừa tốt nghiệp THPT được chỉ định làm bí thư chi đoàn. Tôi phấn khởi nghĩ rằng mình sẽ góp một phần công sức cho xã hội. Tuy nhiên, khi nhận nhiệm vụ tôi vô cùng hoang mang vì cả chi đoàn chỉ có tôi và phó bí thư. Do đó, thời gian chưa bắt nhịp kịp, những lúc cấp trên chỉ đạo hoạt động, triển khai phong trào hoặc văn bản xuống là chỉ có bí thư và phó bí thư vừa “tung vừa hứng”. Sau đó, tôi phải xin ý kiến đoàn xã, ban điều hành thôn phối hợp đến từng gia đình vận động thanh niên vào tổ chức đoàn. Hiện nay, tình trạng này đang xảy ra tại các chi đoàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo như thôn Bù Ca Mau, Đắk Son 1, Bù Gia Phúc II...
Anh Triệu Huy Thể (SN1986), Bí thư Chi đoàn ấp 1, xã Tân Lập (Đồng Phú) cũng thừa nhận: Những năm đầu làm bí thư chi đoàn, tôi chỉ có “tay không”. Thanh niên phần lớn đi làm xa nên thiếu lực lượng, số ở nhà không mặn mà với tổ chức đoàn mặc dù chúng tôi liên tục đi vận động. Nhiều hoạt động lớn cấp trên chỉ đạo xuống, chúng tôi gọi điện thoại đến tận nhà vận động nhưng đến lúc hoạt động diễn ra chỉ có bí thư, phó bí thư thực hiện.
Trong buổi giao lưu tọa đàm giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động chi đoàn thôn, khu phố tại thị xã Bình Long anh Trần Tuấn Anh, cán bộ Huyện đoàn Chơn Thành cho biết: Tôi từng là cán bộ chi đoàn nông thôn nhiều năm nên hiểu rõ tình trạng hoạt động đoàn ở cơ sở. Có nhiều hoạt động triển khai đúng như kế hoạch của cấp trên và đưa ra hình thức sinh động nhưng vẫn không thu hút được thanh niên. Do đó, nhiều lúc “cán bộ đoàn vừa thổi còi vừa đá bóng”.
Vì sao thanh niên không muốn vào Đoàn?
Toàn tỉnh hiện có trên 270 ngàn thanh niên, chiếm trên 29% số dân và trên 51% lực lượng lao động. Song số thanh niên tham gia tổ chức đoàn mới chỉ 14.550 người, chưa tới 19% và đang sinh hoạt tại 1.343 chi đoàn, trung bình mỗi chi đoàn có hơn 10 đoàn viên. Vậy tại sao thanh niên chưa mặn mà với tổ chức đoàn?
Thanh niên tình nguyện tham gia lao động sản xuất cùng người dân xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp
Nhiều nguyên nhân được những người làm công tác đoàn, hội thanh niên và cả những người tham gia sinh hoạt đoàn chia sẻ. Trước hết, thanh niên đang trong độ tuổi lao động nên đây là lực lượng chủ đạo của mỗi gia đình. Do đó, thanh niên không chỉ phải bươn chải để lo cho bản thân mà còn gánh vác trách nhiệm với gia đình nên không còn thời gian cho các hoạt động xã hội. Trong khi đó, không phải những thanh niên trong độ tuổi lao động đều có công việc ổn định tại địa bàn. Phần đông trong số họ phải đi xa, về khu công nghiệp ở các trung tâm đô thị, thành phố lớn kiếm việc làm dẫn tới các tổ chức xã hội ở cơ sở thiếu hụt lực lượng. Vấn đề khác khiến thanh niên chưa thiết tha với tổ chức đoàn, hội thanh niên là cách thức tổ chức sinh hoạt đoàn cơ sở, nhất là khối nông thôn còn đơn điệu, máy móc, các phong trào hoạt động nhàm chán không đủ sức thu hút thanh niên. Một số nơi, cán bộ đoàn thiếu nhiệt huyết, chưa có kỹ năng, kỷ luật khiến tổ chức đoàn lu mờ không có sức hấp dẫn. Mặt khác, các cấp chính quyền, đoàn thể, mặt trận chưa phối hợp nhịp nhàng với tổ chức đoàn trong việc đoàn kết, tập hợp thanh niên.
Anh Nguyễn Cao Cường, xã Phú Nghĩa nói: “Tổ chức đoàn, hội thanh niên muốn đoàn kết, tập hợp thanh niên cần khảo sát, nắm bắt từ tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên đến các điều kiện xung quanh chi phối. Có những thanh niên rất tâm huyết với tổ chức đoàn nhưng bị gia đình cản trở vì cho rằng vào đoàn, thanh niên không có quyền lợi gì lại thêm phiền toái, thậm chí có thể tụ tập để ăn chơi. Bản thân tôi từng bị gia đình cấm đoán, không cho tham gia sinh hoạt đoàn. Nhưng vì đam mê với đoàn, có những đêm chi đoàn tổ chức sinh hoạt, tôi phải cầm đèn pin đi bộ gần 4km để được tham gia”. Tuy nhiên, những trường hợp tâm huyết như anh Cường rất ít trong thực trạng tổ chức đoàn ở cơ sở hiện nay.
Cẩm Liên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065