Chất lượng dạy và học của trường Tiểu học Thác Mơ ngày càng nâng cao
Chú trọng xây dựng trường chuẩn
Hiện thị xã có 8/21 trường từ bậc mầm non đến THCS đạt chuẩn quốc gia. Riêng giai đoạn 2010-2015 có 4 trường đạt chuẩn (Mầm non Sơn Ca, Tiểu học Trần Hưng Đạo ở phường Long Thủy; Tiểu học Lê Hồng Phong ở phường Long Phước và Tiểu học Phước Tín A ở xã Phước Tín), vượt 8,1% so với nghị quyết Đảng bộ thị xã đề ra.
Thầy Dương Thủy Vân, Trưởng phòng GD-ĐT thị xã cho biết: Xây dựng trường chuẩn là bước đột phá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Do vậy, ngoài chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, đào tạo đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, các trường phải tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng trường chuẩn. Hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý cơ bản đạt chuẩn trình độ. Toàn thị xã có 288 phòng học, tăng 74 phòng so với năm học 2009-2010. 14 trường có thư viện đạt chuẩn theo quy định. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn ở bậc học mầm non đạt 94,2%, tiểu học và THCS đạt 100%. Thị xã hỗ trợ hơn 700 triệu đồng/năm mua sắm sách giáo khoa, sách tham khảo và thiết bị dạy học phục vụ việc nâng cao chất lượng. Kết quả, hàng năm trẻ mầm non ra lớp đạt hơn 90%, tiểu học ra lớp 99,5%, học sinh lên lớp 6 đạt 100% và tỷ lệ tốt nghiệp THCS 98,7%.
Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục
Thấy được nhu cầu thiết thực, ý nghĩa từ việc xã hội hóa là góp phần nâng cao chất lượng dạy và học nên đông đảo phụ huynh ủng hộ. Năm 2014, từ nguồn xã hội hóa, trường Tiểu học Chu Văn An đã trang bị được máy tính, tivi phục vụ minh họa tiết học; xây bếp ăn và mua đồ dùng sinh hoạt; trường THCS Thác Mơ xây cổng trường và 2 công trình vệ sinh...
Là đơn vị làm tốt công tác xã hội hóa và gây dựng được niềm tin với phụ huynh, cô Đinh Thị Chung, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thác Mơ cho biết: Việc xây dựng hay mua sắm thiết bị từ nguồn xã hội hóa đều do phụ huynh quyết định. Trong vận động, tùy vào hoàn cảnh gia đình, có phụ huynh chỉ đóng vài chục ngàn nhưng có người đến vài trăm ngàn đồng. Gia đình học sinh khó khăn không vận động. Số tiền thu được do Ban đại diện cha mẹ học sinh trực tiếp quản lý, trường chỉ giám sát công trình và tham mưu trong quá trình thực hiện. Nguồn quỹ được công khai minh bạch, phụ huynh tin tưởng và tích cực hỗ trợ nhà trường. Hơn 10 năm qua, từ nguồn xã hội hóa, trường đã xây được nhà ăn bán trú và mua đồ dùng phục vụ ăn uống cho học sinh, đổ bê tông sân trường, ốp gạch men lớp học, xây 2 nhà vệ sinh, mua 200 bộ bàn ghế theo chuẩn mới... với số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Còn nhiều khó khăn
Hiện thị xã có 7 trường mầm non, trong đó có 1 trường tư thục và 6 trường công lập. Tuy nhiên, phường Thác Mơ chưa có trường mầm non, còn trường Mẫu giáo Hương Sen ở xã Long Giang đang phải mượn phòng tạm do tách xã nên thiếu quỹ đất, thiếu kinh phí xây dựng. Do được chọn là xã điểm về xây dựng nông thôn mới nên Long Giang được đầu tư xây trường mẫu giáo, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.
Ngoài ra, không ít trường đang có hiện tượng xuống cấp, trang thiết bị cũ kỹ, thậm chí thiếu phòng học, phòng chức năng nên phải dùng phòng tạm, mượn hoặc sinh hoạt ghép. Điển hình ở xã Long Giang thiếu 4 phòng học mầm non và 3 phòng ở bậc tiểu học. Một số trường thiếu phòng học, phòng chức năng hay quỹ đất xây trường chuẩn. Ngoài ra, 3 trường tiểu học Thác Mơ, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An tuy đã đạt trường chuẩn nhưng khi áp dụng chương trình VNEN lại rơi vào tình trạng thiếu phòng học. Vì dự án quy định các lớp phải học 2 buổi/ngày, diện tích phòng học lớn để tổ chức hoạt động nhóm, thiếu trang thiết bị phục vụ cho dạy và học.
Thầy Dương Thủy Vân cho biết thêm: Khó khăn nữa là thị xã đang thiếu 43 giáo viên đứng lớp, trong đó nhiều nhất là bậc THCS. Để “lấp chỗ trống”, Phòng GD-ĐT thị xã cho phép các trường hợp đồng với giáo viên trả theo tiết học hoặc buổi (đối với mầm non). Hiện chúng tôi có trên 30 giáo viên dạy hợp đồng, số tiết học còn thiếu giáo viên, nhà trường sẽ tự phân công giáo viên thay nhau đứng lớp. Việc thiếu giáo viên làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, còn giáo viên hợp đồng không ổn định tâm lý nên không thể cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người.
Hải Châu
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065