Còn nhiều khó khăn
BQLRPH Bù Đăng đang quản lý hơn 40 ngàn héc ta, chia thành 3 khu vực riêng biệt. Thời gian qua, mặc dù đã tăng cường công tác bảo vệ rừng và có nhiều biện pháp nhằm kiểm soát tình hình nhưng địa bàn quản lý vẫn xảy ra một số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Trong đó có một số vụ khai thác lâm sản trái phép khiến 12 cây rừng bị đốn hạ ở các tiểu khu của rừng phòng hộ Bù Đăng. Trong tháng 8-2019, có thêm 2 vụ cưa 5 cây rừng với đường kính trung bình 30cm (chủ yếu gỗ tạp) tại các tiểu khu 197, 192.
Một gốc cây rừng tại Tiểu khu 192, thôn 7, xã Đồng Nai (Bù Đăng) bị “lâm tặc” cưa hạ trong đêm
Sau khi phát hiện sự việc, BQLRPH Bù Đăng đã lập biên bản hiện trường và xử lý cán bộ theo quy định. Chị Nông Thị Trang, cán bộ chịu trách nhiệm trực tiếp 2 vụ để mất cây rừng nêu trên, cho biết: Do ảnh hưởng của mưa bão, cộng với hạn chế cá nhân nên đã để các đối tượng lợi dụng vào cưa cây rừng. Sự việc xảy ra ngoài ý muốn, theo quy định và nội quy của đơn vị, tôi chấp hành hình thức kỷ luật của ban giám đốc. Ông Lê Hùng, Giám đốc BQLRPH Bù Đăng cho biết: Nguyên nhân một phần do việc phối hợp giữa lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của đơn vị với các cơ quan chức năng, hộ dân, cộng đồng dân cư nhận khoán trong tuần tra, kiểm tra rừng chưa thường xuyên, liên tục. Một vài cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng còn mất cảnh giác, không dự báo và không nắm bắt được thủ đoạn, phương thức hoạt động của các đối tượng vi phạm để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Trong khi đó, “lâm tặc” hoạt động ngày càng tinh vi và liều lĩnh. Chúng lợi dụng trời tối, thời tiết mưa gió, dùng cưa xăng cải tiến, xe chuyên dụng để khai thác lâm sản trái phép. Khi bị phát hiện, chúng liều lĩnh chống trả nhằm tìm cách tẩu thoát. Cùng với đó, lực lượng của đơn vị “mỏng”, diện tích rừng phòng hộ Bù Đăng lại rải rác khắp địa bàn huyện, tiếp giáp nhiều địa bàn dân cư, lại có nhiều đường dân sinh qua lại nên việc quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi chế độ cho cán bộ bảo vệ rừng thấp, trách nhiệm rất cao nên chỉ có những người yêu nghề mới bám trụ bảo vệ rừng.
“Dù khó khăn nhưng quan điểm của đơn vị là kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ vi phạm trong công tác bảo vệ rừng. Chỉ trong năm 2018, chúng tôi đã thi hành kỷ luật 3 cán bộ với hình thức cảnh cáo. Sau khi nhận hình thức kỷ luật, cả 3 đã tự nguyện xin nghỉ việc vì công tác bảo vệ rừng quá nhiều áp lực. Mặc dù biết xử lý nghiêm là mất cán bộ nhưng chúng tôi phải làm để rừng không còn “chảy máu”” - ông Lê Hùng cho biết thêm.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Để thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, Ban giám đốc BQLRPH Bù Đăng đã chủ động xây dựng các kế hoạch “dài hơi” và tuần tra, truy quét bảo vệ rừng đột xuất, lập các chốt chặn lưu động đột xuất có sự phối hợp với UBND các xã, kiểm lâm địa bàn tổ chức tuần tra, truy quét bảo vệ rừng, ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Đơn vị cũng kiện toàn, duy trì hoạt động 4 đội phòng, chống cháy rừng ở các chốt, mỗi đội gồm từ 3-6 thành viên, do chốt trưởng làm đội trưởng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, thành lập chốt chặn lưu động, thường xuyên tổ chức kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các đối tượng mang dụng cụ, phương tiện vào khu vực ở khoảnh 2 Tiểu khu 201 tái diễn tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép. Đến nay, tình hình khu vực này đã ổn định.
Từ đầu năm đến nay, số vụ vi phạm lâm luật giảm so với cùng kỳ năm 2018. Trong kỳ không xảy ra cháy rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; xảy ra 6 vụ khai thác lâm sản trái phép, giảm 3 vụ so cùng kỳ năm 2018. Thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện Bù Đăng xảy ra mưa lớn kéo dài nhiều ngày đã làm 6 vị trí bị sạt lở theo đường ống áp lực của Công ty cổ phần thủy điện Đắk Kar, gây thiệt hại 3,45 ha rừng. Ngoài ra, do mưa lớn kèm theo lốc xoáy với cường độ mạnh đã làm trốc gốc, gãy đổ nhiều cây gỗ tại các khoảnh 7, 8 Tiểu khu 184; các khoảnh 2, 3 Tiểu khu 188A; Khoảnh 6 Tiểu khu 191; Khoảnh 2 Tiểu khu 192 và Khoảnh 5 Tiểu khu 196. |
BQLRPH Bù Đăng cũng chủ động thực hiện chủ trương giao khoán bảo vệ rừng. Hiện đơn vị đã giao khoán cho 1 cộng đồng dân cư, 1 nhóm hộ dân trên địa bàn huyện bảo vệ 1.552,44 ha rừng. Đây là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa cộng đồng dân cư, hộ dân nhận khoán với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của ban trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng. Qua triển khai thực hiện khoán bảo vệ rừng theo mô hình nhóm hộ dân, cộng đồng dân cư đã huy động được nguồn lực của tập thể và bước đầu cho thấy hoạt động có nền nếp, hiệu quả. Nhìn chung, cộng đồng dân cư và các gia đình đã bảo vệ tốt diện tích rừng nhận khoán.
Để đấu tranh với “lâm tặc”, BQLRPH Bù Đăng đã xây dựng kế hoạch và triển khai đến các chốt quản lý, bảo vệ rừng chủ động nắm bắt tình hình, phương thức hoạt động của các đối tượng, hằng tuần xây dựng kế hoạch kiểm tra, truy quét phù hợp và triển khai thực hiện hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài nguyên rừng do các hành vi vi phạm gây ra. Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ rừng cũng thường xuyên phối hợp kiểm lâm địa bàn, công an xã tổ chức tuần tra, kiểm soát trên địa bàn được giao để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ vi phạm.
Xuân Túc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065